Thủ tướng: Tư duy và tầm nhìn mới để phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng
Cập nhật: 09/05/2024
VOV.VN - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từ tư duy mới, tầm nhìn mới, cách làm mới, niềm tin mới đã tạo ra giá trị mới. Với tư duy cách tiếp cận như vậy, vùng Đồng bằng sông Hồng đã hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch đã đề ra.
Sáng 9/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng (Hội đồng) chủ trì Hội nghị lần thứ 3 của Hội đồng để công bố Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ; rà soát cơ chế chính sách đặc thù phát triển Vùng; kế hoạch điều phối Vùng và đánh giá việc triển khai các dự án trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Hồng (Vùng).
Thời gian qua Vùng Đồng bằng Sông Hồng đã thành lập và hoàn thiện Quy chế, tổ chức làm việc của Hội đồng điều phối vùng; Đã phê duyệt quy hoạch 9/11 tỉnh trong vùng. Đã khởi công 7/20 dự án quan trọng của Vùng và đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công tiếp 8 dự án theo đúng kế hoạch đề ra.
Hoàn thiện Hồ sơ tổng kết, xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7; đồng thời trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 106/2023/QH15 về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trong đó cho phép áp dụng đối với một công trình giao thông đường bộ quan trọng của vùng.
Kết quả phát triển KTXH vùng được tăng trưởng được thúc đẩy, GRDP năm 2023 đạt 6,28%, xếp thứ 3/6 vùng, quy mô GRDP chiếm 30,4% GDP cả nước. GRDP quý I tăng 6,16%, cao hơn mức tăng GDP cả nước là 5,66%. Thu hút FDI năm 2023 đạt gần 17,4 tỷ USD, đứng đầu cả nước; trong đó 5/11 địa phương luôn thuộc nhóm 10 địa phương có tổng số vốn FDI dẫn đầu cả nước.
Hội nghị đã Công bố quy hoạch vùng ĐBSH thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Sơ kết báo cáo 1 năm thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 14 của Chính phủ về phát triển Vùng ĐBSH; Báo cáo về cơ chế chính sách đặc thù vùng ĐBSH; Kế hoạch điều phối Hội đồng Vùng năm 2024 và đánh giá tình hình triển khai các dự án trọng điểm của Vùng.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từ tư duy mới, tầm nhìn mới, cách làm mới, niềm tin mới đã tạo ra giá trị mới. Với tư duy cách tiếp cận như vậy vùng đã hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch đã đề ra. Thủ tướng ghi nhận và biểu dương sự cố gắng của Vùng, đồng thời đánh giá cao đóng góp của Vùng vào KTXH của cả nước.
Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, trong đó nhấn mạnh, KTXH phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng; các địa phương phát triển không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động; tốc độ tăng năng suất lao động còn thấp; cơ cấu thu NSNN ở một số địa phương chưa bền vững.
Thủ tướng nêu "3 cái thiếu lớn" đó là: Thiếu quỹ đất; thiếu cơ chế, nhất là cơ chế liên kết vùng, cơ chế thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo, cơ chế hiệu quả thu hút FDI quy mô lớn; thiếu nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp.
Có "5 hạn chế lớn" là: Hạn chế về tính liên kết, về cả liên kết trong hạ tầng giao thông; liên kết chuỗi sản xuất, cụm liên kết ngành trong các hành lang phát triển; liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và FDI; Hạn chế trong bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh năng lượng; Hạn chế về quy mô, năng lực quản lý, cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp; Hạn chế trong ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Hạn chế trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, phòng, chống biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, phát triển văn hóa - xã hội chưa đáp ứng nhu cầu; chưa phát huy được giá trị văn hóa đặc sắc của vùng. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Thủ tướng yêu cầu, triển khai quy hoạch và phát triển KTXH vùng Đồng bằng Sông Hồng phải có sự liên kết, bứt phá, bao trùm, toàn diện bền vững, truyền thống. Bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 30 của Trung ương; Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; Bám sát nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, đặt con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực của sự phát triển.
Bảo đảm tuân thủ nghiêm và đồng bộ quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương; Bảo đảm hiệu quả công tác điều phối, liên kết vùng; phát huy mạnh mẽ dân chủ, trí tuệ tập thể; Bảo đảm tổ chức thực hiện quy hoạch khoa học, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm; Bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước; Bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới, vùng biển và hải đảo; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài, trong đó nguồn lực nhà nước có vai trò kích hoạt, dẫn dắt các nguồn lực xã hội; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đối với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; Đẩy mạnh phát triển kinh tế theo chiều sâu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; Đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với tổ chức không gian hợp lý, hiệu quả, thống nhất, liên kết nội vùng, liên vùng, khu vực và quốc tế; Đẩy mạnh thông tin truyền thông để Nhân dân hiểu, nắm rõ, ủng hộ, làm theo, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần "Dân biết - Dân bàn - Dân làm – Dân kiểm tra – Dân giám sát - Dân thụ hưởng".
Về hoạt động của Hội đồng điều phối vùng, Thủ tướng đề nghị, bám sát, nghiêm túc, quyết liệt trong triển khai Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị; các chỉ tiêu, nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể tại Chương trình hành động của Chính phủ, các Kết luận của Hội đồng. Tổ chức thực hiện, hoạt động hiệu quả, thực chất, không hình thức, không hành chính; không màu mè.
Đổi mới tư duy điều phối, chú trọng hơn nữa tới vai trò liên kết, kết nối của Vùng ĐBSH đối với các vùng lân cận. Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, các đồng chí thành viên Hội đồng vùng phát huy vai trò người đứng đầu, tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Chủ động nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết, phát triển vùng, phát huy các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Vùng.
Đẩy mạnh liên kết vùng trên cơ sở, xây dựng thể chế liên kết và phát triển vùng; lấy quy hoạch vùng làm cơ sở để điều phối các hoạt động; Xây dựng bộ máy điều phối vùng có đủ thẩm quyền, năng lực và nguồn lực để thực hiện hiệu quả vai trò chỉ đạo, điều phối trong việc giải quyết các vấn đề liên vùng cũng như giữa các địa phương trong vùng; Xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng, phân công giữa các địa phương; tăng cường năng lực quản trị, tổ chức thực hiện của địa phương, tạo mối quan hệ hài hoà lợi ích của từng địa phương và của vùng.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng trên tinh thần "thông thoáng về chính sách, thông suốt về hạ tầng và thông minh về quản trị".
Tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh nhưng không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần; Ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm; tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.
Phát huy mạnh mẽ các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hình thành hệ sinh thái phục vụ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong vùng; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, chuẩn bị tốt các dự án trọng điểm, quan trọng để thu hút hiệu quả các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược. tập trung huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho sự phát triển, tăng thu tiết kiệm chi.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tổ chức giám sát, kiểm tra thực hiện quy hoạch Vùng; thường xuyên rà soát, kiểm điểm, rút kinh nghiệm, bổ sung, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế; phối hợp, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho vùng và các tỉnh, thành phố trong vùng phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện quy hoạch.
Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 30; Đoàn kết, đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau giải quyết các vấn đề của Vùng, liên tỉnh, thành trong Vùng. Nghiên cứu việc xây dựng các quỹ, cơ chế để hỗ trợ các dự án lớn, quan trọng của vùng.
Với Hội đồng điều phối Vùng phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan thường trực (Bộ KH&ĐT) trong việc tham mưu, đề xuất cho Hội đồng để xử lý, giải quyết các vấn đề của từng địa phương trong Vùng, của Vùng và các vấn đề mang tính liên vùng, đặc biệt là trong phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý và khai thác nguồn nước, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, tổ chức thực hiện quy hoạch vùng…
Về cơ chế, chính sách đặc thù, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch đầu tư tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng tại hội nghị, xin ý kiến các bộ, cơ quan, địa phương liên quan để hoàn thiện nội dung báo cáo, đề xuất và báo cáo Hội đồng điều phối Vùng trong Quý II năm 2024.
Từ khóa: Thủ tướng, sông Hồng, hội nghị, Thủ tướng, Phạm Minh Chính
Thể loại: Nội chính
Tác giả: vũ khuyên/vov
Nguồn tin: VOVVN