Thủ tướng tin rằng, sẽ có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn Hòa Bình

Cập nhật: 26/02/2023

VOV.VN - Hòa Bình là một trong những địa phương được thiên nhiên ưu đãi, với nhiều tiềm năng lợi thế, đặc điểm riêng mà không phải địa phương nào cũng có, với đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái.

Sáng 26/2 tại tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình năm 2023. Cùng dự có lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà đầu tư quốc tế, trong nước. 

Hòa Bình là một trong những địa phương được thiên nhiên ưu đãi, với nhiều tiềm năng lợi thế, đặc điểm riêng mà không phải địa phương nào cũng có, với đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái của vùng Trung du và miền núi; có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng; hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy thuận tiện kết nối với Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nhất là tiếp giáp Thủ đô Hà Nội.

Đặc biệt, Hoà Bình có nguồn lao động khá dồi dào, người lao động cần cù, chịu khó; nhiều di tích lịch sử, văn hoá có giá trị còn được lưu giữ và nhiều danh lam, thắng cảnh. Có thể nói, Hòa Bình hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện, nhất là các ngành công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành, lĩnh vực dịch vụ, du lịch sinh thái…

Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bằng sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Hòa Bình đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, hoàn thành và vượt hầu hết các mục tiêu chủ yếu do Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đã đề ra tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 9,03%; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân không ngừng được nâng lên; tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng an ninh được tăng cường; thương mại, đầu tư và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả.

Về thu hút đầu tư trong năm 2022, toàn tỉnh có 75 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 35 nghìn tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, số dự án đầu tư được cấp phép đầu tư tăng 31 dự án, vốn đăng ký đầu tư bằng 102,2%. Lũy kế đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có tổng số 729 dự án đang hoạt động; trong đó, có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 608 triệu USD và 692 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 183.000 tỷ đồng.

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình năm 2023 là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, có sức lan tỏa cao, nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế và thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển KTXH trên địa bàn tỉnh, các địa phương trong vùng và cả nước. Tại hội nghị này, tỉnh Hòa Bình đã lựa chọn, trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 16 nhà đầu tư đại diện thực hiện 16 dự án vào tỉnh với tổng vốn đầu tư gần 49 nghìn tỷ đồng (tương đương trên 2 tỷ USD). Đây là lượng vốn đầu tư lớn đối với địa phương, là tin vui, tín hiệu tốt đối với KTXH hội của Tỉnh và cả nước.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình và những thành tích, kết quả phát triển KTXH và thu hút đầu tư của tỉnh đã đạt được, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Sau khi phân tích tiềm năng lợi thế và thế mạnh của tỉnh Hòa Bình, trong thời gian tới Thủ tướng yêu cầu Tỉnh phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch, có căn cứ khoa học và cơ sở thực tiễn, đảm bảo chất lượng, tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước và quốc tế. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển KTXH trên địa bàn.

Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, kết nối Hòa Bình với các địa phương trong nước và quốc tế.

Tập trung xây dựng các cơ chế chính sách ưu tiên và bố trí nguồn lực hợp lý cho phát triển vùng động lực; tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố lân cận và cả nước; trước hết với thành phố Hà Nội nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, tiêu thụ hành hóa nông sản và khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ và công nghiệp chế biến.

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau, vi phạm quy định… 

Chú trọng kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo tinh thần DN, nhà đầu tư phải được hỗ trợ tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất, từ tìm hiểu, lập dự án đầu tư đến cả quá trình sản xuất kinh doanh.

Làm tốt nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tạo đất sạch cho nhà đầu tư, nghiên cứu, xây dựng chính sách đặc thù phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh Hòa Bình bứt phá đi lên; tạo động lực, sức lan tỏa tích cực của các dự án lớn đã đầu tư vào tỉnh, để đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển dịch vụ, du lịch,…

Phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời, chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KHCN; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; Chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả, nhất là về thương mại và thu hút đầu tư. Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cần trực tiếp chỉ đạo công tác thu hút FDI, tiếp xúc với các nhà đầu tư, thu hút các nhà đầu tư lớn, phát triển phong trào khởi nghiệp, xây dựng một số doanh nghiệp tư nhân tầm cỡ tại địa phương.

Bên cạnh đó Thủ tướng đề nghị, tỉnh cần tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Hòa Bình cần tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển; qua đó góp phần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư Thủ tướng yêu cầu cần thực hiện đúng các cam kết đầu tư, ghi nhớ đầu tư, giải ngân vốn đầu tư nhanh; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực. Đề cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường; trách nhiệm với xã hội và cộng đồng. Phối hợp chặt chẽ với địa phương để kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, nhất là giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho người dân địa phương được đào tạo nghề, có việc làm; đảm bảo hài hòa các lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; tinh thần đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã làm phải có kết quả cân đong đo đếm được.

Thủ tướng yêu cầu Bộ KHĐT, các Bộ ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hoà Bình và các địa phương trong cả nước tiếp tục đánh giá thực trạng tình hình, rà soát, có giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư để phát triển dự án đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của Tỉnh và người dân, doanh nghiệp; kịp thời hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách liên quan.

Thủ tướng tin tưởng rằng ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư trong nước, ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư tại Hòa Bình để làm giàu cho mình và góp phần vào sự phát triển của tỉnh Hòa Bình và đất nước Việt Nam.

“Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng và những thành tích, kết quả đã đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH đã đề ra, nhất là huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển"- Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu để có những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho Hòa Bình huy động cao nhất các nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của các nhà tài trợ, nhà đầu tư trong và ngoài nước để Hòa Bình tăng tốc phát triển.

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi chân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ quý báu của các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm, lựa chọn Việt Nam nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng là điểm đến đầu tư hiệu quả, lâu dài, bền vững. Chúc Hòa Bình phát triển mạnh mẽ, trở thành một điểm sáng mới về thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp./.

Từ khóa: Thủ tướng Phạm Minh Chính, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình năm 2023

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập