Thủ tướng: "Phải trả lời cho được diện tích cây mắc ca bao nhiêu là phù hợp"
Cập nhật: 29/09/2020
VOV.VN - Theo Thủ tướng, vấn đề thị trường đầu ra cho mắc ca là rất quan trọng, điều này quyết định việc tăng diện tích trồng cây mắc ca lên bao nhiêu là phù hợp.
Sáng nay, 29/9 tại Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị "Kết quả phát triển cây mắc ca tại Việt Nam thời gian qua; định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian tới".
Dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng các doanh nghiệp, hộ gia đình tiêu biểu về trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm mắc ca.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá, ít có loại cây nào mà trong vòng 5 năm qua sản lượng có thể tăng gấp 24 -25 lần và góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào nghèo, vùng sâu, vùng xa tốt như cây mắc ca. Thủ tướng đánh giá cao Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã dày công nghiên cứu góp phần phát triển cây mắc ca tại Việt Nam.
Cho biết nhu cầu mắc ca trên thế giới hiện nay tăng 200% cho thấy tiềm năng phát triển loại cây này, nhưng Thủ tướng cũng cho rằng, sau 5 năm phát triển cây mắc ca chưa thực sự thành công, cho thấy còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm và thảo luận tại hội nghị này.
Theo đó, Thủ tướng nhắc lại vấn đề mà nông dân nêu ra tại buổi đối thoại của Thủ tướng với nông dân Việt Nam diễn ra hôm qua, đó là một số nơi người nông dân trồng cây mắc ca nhưng 5-6 năm không có quả. Do đó, Thủ tướng đặt vấn đề, liệu khâu giống có phải khâu đầu tiên trong phát triển cây mắc ca hay không? Ai quản lý nhà nước về giống để rút kinh nghiệm như thực tế người nông dân nêu ra.
Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý vấn đề quy hoạch vùng đất nào phù hợp trồng mắc ca, Tây Bắc, Tây Nguyên hay dải miền Trung Việt Nam dài 1.300km.
Dù tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa đã được khắc phục tốt, nhưng Thủ tướng vẫn đặt vấn đề rất quan trọng là thị trường đầu ra cho mắc ca. Điều này quyết định việc tăng diện tích trồng cây mắc ca lên bao nhiêu là phù hợp, tránh tình trạng dư thừa, đồng thời đảm quyền lợi cho người dân và nhà sản xuất. Không chỉ chú trọng phát triển thị trường xuất khẩu, Thủ tướng cho rằng, cần quan tâm đến cả thị trường trong nước hơn 90 triệu người có nhu cầu lớn.
Rút kinh nghiệm từ mặt hàng gạo của Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, ngay từ đầu phải quan tâm đến chế biến, xây dựng thương hiệu mắc ca Việt Nam, từ đó có thị trường bền vững.
Để phát triển cây mắc ca, ngoài người nông dân thì rất cần có cơ chế thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư, hình thành vùng nguyên liệu lớn. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh một vấn đề quan trọng khác là vốn cho phát triển cây mắc ca, không chỉ là nguồn vốn của một số ngân hàng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành, địa phương đã quan tâm và có nhiều chính sách thúc đẩy hỗ trợ phát triển việc trồng, chế biến, thương mại và xuất khẩu sản phẩm mắc ca. Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã phối hợp với với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về lợi ích trong việc phát triển cây mắc ca, các mô hình tiêu biểu của người dân và doanh nghiệp, đồng thời triển khai chính sách cho vay vốn phát triển cây mắc ca. Đến nay, bước đầu đã hình thành các mô hình tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giữa người dân trồng mắc ca và doanh nghiệp chế biến sản phẩm tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Lai Châu và Điện Biên.
Cụ thể, sau 5 năm triển khai quy hoạch mắc ca, đến nay cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc ca, với diện tích trên 16,5 nghìn ha. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở 2 vùng Tây Bắc và Tây Nguyên trồng trên 15,4 nghìn ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch, còn lại hơn 1.000 ha nằm rải rác tại 14 tỉnh khác chưa có trong quy hoạch.
Về sản lượng, năm 2020 các tỉnh dự kiến thu hoạch gần 6,6 nghìn tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015. Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy sẽ mang lại giá trị khoảng 788 tỷ đồng (trong đó khoảng 60% xuất khẩu, còn lại phục vụ tiêu dùng trong nước).
Đến nay, sản phẩm mắc ca của nước ta đã xuất khẩu với sản lượng trên 2,4 nghìn tấn sản phẩm sấy/năm sang các thị trường các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Pháp,...
Theo của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, với tiềm năng quỹ đất lớn, đặc biệt là diện tích đã qua canh tác phát nương làm rẫy nhiều năm bị thái hóa, không còn phù hợp để trồng lúa nương, trồng cây truyền thống hoặc nếu canh tác sẽ đem lại hiệu quả không cao có thể đưa vào trồng cây mắc ca. Thời gian qua, mắc ca đã có những tác động tích cực tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho khoảng 10.000 hộ gia đình nông thôn.
Cái khó đối với việc phát triển cây mắc ca hiện nay là công tác quản lý giống cây mắc ca tại một số địa phương chưa được quan tâm, nên vẫn có hiện tượng kinh doanh giống không nguồn gốc, chất lượng kém. Công tác nghiên cứu chọn giống tốt đòi hỏi thời gian dài với chi phí lớn. Việc tiếp cận, nắm bắt thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu còn hạn chế.
Với nhu cầu thế giới tăng nhanh, đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam phát triển vùng nguyên liệu mắc ca và tham gia vào thị trường sản phẩm này trong giai đoạn 2021 – 2030 và các năm sau đó. Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho rằng, định hướng trong thời gian tới cần tiếp tục phát triển cây mắc ca là cây trồng trong 20 loài cây trồng rừng chính, tăng diện tích vùng trồng tập trung, từ đó xây dựng thành một ngành hàng mới của nông nghiệp Việt Nam, phấn đấu đến 2030 đạt doanh thu 1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 600 triệu USD./.
Từ khóa:
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN