Thủ tướng: Phải nghiên cứu quy luật để phòng chống thiên tai hiệu quả

Cập nhật: 15/05/2020

VOV.VN -Năm nay có nhiều yếu tố bất thường về thời tiết, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu quy luật để chủ động phòng chống thiên tai.

Chiều 15/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai; lãnh đạo các bộ, ban ngành.

Hội nghị do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức, với sự tham gia của khoảng 1600 đại biểu từ đầu cầu các tỉnh và hơn 10.000 người từ gần 690 đầu cầu trực tuyến quận, huyện cả nước.

thu tuong: phai nghien cuu quy luat de phong chong thien tai hieu qua hinh 1
Toàn cảnh hội nghị.

Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2019, tuy thiên tai không dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước với 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 11 trận rủi ro thiên tai cấp độ 3. Thiên tai làm 133 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng, giảm nhiều so với mức gần 20.000 tỷ đồng của năm 2018.

Còn từ đầu năm đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường,trên cả nước đãxảy ra 7 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng; đặc biệt ngày 24/4 tại Hà Nội, nhiệt độ xuống thấp ở mức 16,5 độ, thấp nhất trong 50 năm qua. Thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.

Theo nhận định củaTrung tâmdự báokhí tượng thủy văn Quốc gia,từ nay đến cuối năm 2020 xuất hiệnkhoảng11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền,bão tập trung nhiều ởkhu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020.Tình hình hạn hán, mặn xâm nhập năm nay cũng đã tạo ra mộtlịch sử mới, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, cho thấy sự biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp.

Sau khi lắng nghe các địa phương, bộ, ngành và các đại biểu quốc tế phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động lớn nhất trên thế giới về biến đổi khí hậu. Thiên tai ngày càng diễn biến dị thường và khó dự đoán hơn. Năm nào Việt Nam cũng bị thiệt hại người và của, thiệt hại về mặt kinh tế ước từ 1-1,5%GDP. Do đó, phải xác định, quán triệt công tác phòng chống thiên tai là thường xuyên, liên tục, chưa bao giờ kết thúc trong 4.000 năm lịch sử đất nước.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm công tác này, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho các công trình phòng, chống thiên tai; đưa ra nhiều biện pháp phòng, chống hiệu quả; đẩy mạnh hợp tác quốc tế… Đặc biệt là nhờ sự vào cuộc của chính những người dân, công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua đạt kết quả tích cực hơn.

Năm qua, số người chết do thiên tai giảm mạnh; không ai bị đứt bữa, thiếu cơm lạt muối, màn trời chiếu đất do thiên tai. Các lực lượng vũ trang, đặc biệt là lực lượng quân đội, công an, triển khai rất nhiều biện pháp ứng phó, khắc phục và tìm kiếm cứu nạn. Thủ tướng cũng đánh giá cao các địa phương và người dân thực hiện phương châm 4 tại chỗ, là kinh nghiệm tốt cho công tác phòng, chống thiên tai.

Cách đây ít năm, khi Thủ tướng đi kiểm tra đê Hoàng Long, lúc đó nguy cơ vỡ đê, sẽ ảnh hưởng đến cả Nam Định, Thái Bình. Khi đoàn công tác đến đó rất sớm thì cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã ở đó cả đêm. Những lúc nguy cập như vậy, đó là việc làm rất đáng biểu dương, cần được tuyên truyền.

"Có câu chuyện là nước mặn vào đồng bằng sông Cửu Long rất kinh khủng, nhiều tỉnh thiếu nước ngọt, lực lượng quân đội, các nhà tài trợ, tấm gương chia sẻ như vậy hết sức quý báu" - Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng cũng đánh giá cao công tác dự báo, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chức năng, do đó đã khắc phục tốt hạn hán và mặn xâm nhập, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần giúp sản xuất lúa và lương thực vẫn được mùa. Năm qua, tổng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống thiên tai là gần 11.000 tỷ, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống thiên tai.

Tại hội nghị, Thủ tướng cũng biểu dương các cơ quan truyền thông, trong đó có Đài Tiếng nói Việt Nam, trong việc tuyên truyền kịp thời các vấn đề về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai một cách sinh động và hiệu quả, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống thiên tai.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu nhiều bất cập như thiếu sự đồng bộ trong các công trình hạ tầng để cùng góp phần phòng, chống thiên tai, mà cụ thể là còn tình trạng “công trình giao thông đi giao thông, công trình thủy lợi đi đường thủy lợi”. Công tác dự báo dù nhiều thành công nhưng cần nâng cao độ chính xác. Còn nhiều điểm trọng yếu về đê điều, dự án triển khai dở dang, gồm cả đê sông, đập hồ, đê biển. Công tác tuyên truyền ở cấp cơ sở chưa thực sự bài bản, kịp thời, nhất là đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, khách du lịch quốc tế. Thủ tướng cũng lưu ý, các chế tài xử lý vi phạm các quy định về đê điều, phòng, chống thiên tai chưa đủ nghiêm minh.

thu tuong: phai nghien cuu quy luat de phong chong thien tai hieu qua hinh 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Theo Thủ tướng, một trong những nguyên nhân sạt lở bở sông nặng nề ở phía Bắc, đặc biệt phía Nam có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khai thác cát bừa bãi, song chưa xử lý nghiêm việc này, mà chủ yếu địa phương phải lo quản lý, lực lượng công an và các lực lượng chức năng và người dân phải có biện pháp. Phải khai thác theo quy hoạch chứ không phải đào sâu xuống dẫn đến tình trạng sạt lở. Cũng như phải nghiên cứu vật liệu thay thế cát xây dựng chứ không thể đào cát mãi.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai trong năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, phòng chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, phải được quán triệt của cấp ủy, chính quyền và người dân, đặc biệt năm 2020 theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong năm nay, tình trạng thời tiết bất thường quanh năm, 2020 ở Việt Nam sẽ có ít nhất từ 11-13 cơn bão, trong đó có 5 cơ bão trực tiếp đổ bộ vào biển Đông, nhất là phía Nam, nơi chưa có nhiều kinh nghiệm phòng, chống bão.

"Hạn hán đi sau mưa lũ là một quy luật. Tôi nhớ năm 1964 khi ở miền Nam, năm trước thì khô hạn cực kỳ, năm 1964 thì lụt dữ dội. Năm nay vừa rồi hạn hạn lớn Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung Nam bộ thì một quy luật là sẽ có mưa lũ rất lớn, chúng ta phải xem xét quy luật này để chủ động hơn trong phòng chống" -Thủ tướng nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương và người dân cần tổ chức nghiên cứu, quán triệt và có kế hoạch triển khai Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư (ban hành tháng 3/2020) một cách đồng bộ, hiệu quả, theo dõi chặt chẽ dự báo, không được để tình trạng chủ quan ở bất kỳ cấp nào, khâu nào. Trong mọi tình huống thì phải đặt an toàn của người dân lên hàng đầu.

Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các cơ quan phòng chống thiên tai; nâng cao chất lượng công tác dự báo; đầu tư nâng cao chất lượng các công trình thủy lợi, công trình phục vụ phòng, chống thiên tai, ưu tiên nguồn lực đầu tư vốn trung hạn 2021-2025 cho nhiệm vụ này. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế, kể cả công tác tìm kiếm cứu nạn.

Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành để có quy chế vận hành liên hồ chứa một cách hợp lý, nhất là đối với các hồ thủy lợi, thủy điện lớn, vừa đảm bảo phát điện, vừa phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung các giải pháp cả về công trình và phi công trình, đảm bảo cho công tác phòng, chống thiên tai.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời cảm ơn đến các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam cả về kinh phí và kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai và mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục hợp tác hiệu quả hơn nữa với Việt Nam./.

Từ khóa: Thủ tướng Nguyễn XUân Phúc, thiên tai, hạn hán, mưa lũ

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập