Thủ tướng: “Nhà nước cần thu hút nhiều người tài để quản trị”

Cập nhật: 10/11/2020

VOV.VN - “Nhân tài không chỉ trong cơ quan Đảng, Nhà nước mà có thể ở doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã. Nhưng khối Nhà nước cần thu hút nhiều người tài để quản trị đất nước”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV diễn ra sáng 10/11.

Thay đổi phương thức làm việc, thực hiện mục tiêu kép

Trả lời chất vấn của các đại biểu về thực hiện “mục tiêu kép”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu và đến thời điểm này dịch đã quay trở lại nhiều nước với tốc độ cao. Chính phủ xác định thực hiện mục tiêu kép là mục tiêu ưu tiên ngay từ khi dịch xảy ra để giữ kinh tế không bị tăng trưởng âm, giữ vững ổn định xã hội, đảm bảo sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và đạt mức tăng trưởng cần thiết.

Các mục tiêu được xác định là đề cao tinh thần tự lực tự cường, xây dựng nền kinh tế có sự tự chủ cao, an toàn hơn trong chuỗi cung ứng, bảo đảm an ninh lương thực, chú trọng phát triển thị trường trong nước. Việt Nam vẫn đạt xuất siêu gần 20 tỷ USD là cố gắng rất lớn và cần phát huy. Cùng với đó giữ vững sản xuất nông nghiệp là nền tảng, là chỗ dựa trong bối cảnh dịch bệnh, cùng với chú trọng chiến lược phát triển đồng đều về công nghiệp, dịch vụ...

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định phải thay đổi phương thức làm việc, đẩy mạnh trực tuyến bởi phát triển kinh tế không tiếp xúc là hướng đi quan trọng trong đại dịch. Bên cạnh đó, chủ động nghiên cứu sản xuất vaccine vì “chưa có vaccine thì chưa nói lên điều gì trong phòng chống dịch”.

Trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu về thú hút, lựa chọn, trọng dụng nhân tài, Thủ tướng khẳng định đây là việc quan trọng và đã có đề án thí điểm lựa chọn cán bộ lãnh đạo cấp vụ, sở trình cơ quan thẩm quyền trên quan điểm người có đức, có tài phải được sử dụng, cất nhắc, đề bạt. “Nhân tài không chỉ trong cơ quan Đảng, Nhà nước mà có thể ở doanh nghiệp tư nhân, đầu tư nước ngoài, hợp tác xã. Nhưng khối Nhà nước cần thu hút nhiều người tài để quản trị đất nước” – Thủ tướng nói.

Đề cập vấn đề được đại biểu Quốc hội đặt ra là chúng ta có văn hoá từ chức hay không, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, luật đã có quy định cán bộ công chức, lãnh đạo không đủ năng lực, uy tín và vì nhiều lý do khác thì thôi giữ chức vụ. Quyết định 1847 về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ vấn đề này. Quan trọng là cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trước Đảng, Nhà nước và nhân dân

Hạn chế hội họp, đi nước ngoài khi đất nước khó khăn

Trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội khi hụt thu ngân sách nhưng vẫn phải đảm bảo các cân đối lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc tăng cường, đẩy mạnh sản xuât kinh doanh để đạt tăng trưởng và cả hệ thống phải nỗ lực. Trong bối cảnh đại dịch có nhiều tỉnh gặp khó khăn, nhưng cũng địa phương như Quảng Ninh tăng thu vượt dự toán.

Bên cạnh đó, cần tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA để giải quyết việc làm, đảm bảo hạ tầng, nhất là các công trình đã báo cáo Quốc hội. Bộ GT-VT cam kết khởi công hạng mục sân bay Long Thành, đưa đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào hoạt động sau nhiều năm chậm trễ... Cùng với đó là tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá, trốn thuế.

“Một vấn đề nữa mà các ý kiến chưa đề cập là thực sự tiết kiệm chi ngân sách cho những việc không thực sự cần thiết, như chi họp hành, đi nước ngoài trong lúc đất nước khó khăn. Các cấp các ngành phải bám sát dự toán, đảm bảo bội chi ngân sách không quá 4%” – Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết, khi cần tiết sẽ báo cáo Quốc hội nới lỏng chính sách tài khoá phù hợp, giữ ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn trên tinh thần “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”

Một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm đặt ra là phát triển bền vững ĐBSCL trước thách thức của biến đổi khí hậu cực đoan. Thủ tướng Chính phủ cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đã bàn với các tỉnh trong khu vực và ban hành Nghị quyết 120 và đến nay đã có sơ kết và tổng kết.

“Tinh thần chỉ đạo là “thuận thiên” nhưng kết hợp tái cơ cấu mạnh mẽ” – Thủ tướng nhấn mạnh và thực tế qua việc thay đổi mùa vụ đã cho thấy hiệu quả. Đơn cử năm 2015-2016 xâm nhập mặn ảnh hưởng nặng nề nhưng năm 2019 nhờ cấy sớm, cơ cấu thay đổi mùa vụ đã giúp hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của hạn mặn.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm bố trí nguồn lực và có nhiều giải pháp tăng cường giao thông nội vùng và liên vùng. Tới đây Chính phủ sẽ trình Quốc hội bố trí bổ sung hơn 1 tỷ USD cho khu vực, đồng thời trong kế hoạch trung hạn bố trí nguồn lực cho hàng chục dự án giao thông.

“Chúng ta cố gắng giữ ĐBSCL ít bị tác động nhất bởi biến đổi khí hậu cực đoan, để là vùng tiếp tục đóng góp cho đất nước” – Thủ tướng nói

Phần trả lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng kết thúc 2,5 ngày diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV../.

Từ khóa: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chất vấn và trả lời chất vấn, thu hút người tài, Chính phủ, Quốc hội

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập