Thủ tướng lưu ý Bình Định phát triển hàng không và các tuyến cao tốc kết nối
Cập nhật: 05/02/2023
Vũ khí giúp Ukraine hạ gục loạt xe bọc thép hạng nặng của Nga
Quân khu 9 chăm lo xây dựng lực lượng vững mạnh về chính trị
VOV.VN - "Trong hạ tầng chiến lược phải chú ý phát triển hàng không, đầu tư Cảng hàng không Phù Cát, các tuyến cao tốc kết nối, hệ thống cảng biển...", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong chương trình công tác tại Bình Định, chiều 5/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về tình hình kết quả năm 2022, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; giải quyết kiến nghị nhằm hỗ trợ Bình Định phát huy tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh, bền vững.
Năm 2022, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Định đã đoàn kết, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, triển khai quyết liệt các giải pháp và đạt được kết quả tích cực về kinh tế-xã hội; đạt và vượt kế hoạch 19/19 chỉ tiêu chủ yếu.
GRDP ước tăng 8,57%, cao nhất từ trước tới nay. Thu ngân sách trên 15,6 nghìn tỷ, tăng 7,5%. An sinh xã hội được quan tâm. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Tỉnh Bình Định đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành xem xét cho phép nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát; nâng cấp tuyến Quốc lộ 19 nối cảng Quy Nhơn với khu vực Bắc Tây Nguyên, Nam Lào – Đông Bắc Campuchia, Thái Lan; xem xét các dự án điện gió; hỗ trợ kinh phí để Bình Định tu bổ, tôn tạo các công trình văn hóa lịch sử, nhất là các tháp Chăm, di tích Đề thời Tây Sơn tam kiệt.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Định; phân tích các tiềm năng, thế mạnh và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển tỉnh Bình Định; giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh. Các đại biểu cho rằng điểm quan trọng nhất để Bình Định phát triển là phải phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để kết nối, khơi dậy các cực tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới, nhất là kinh tế biển, du lịch, logistics...
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Định đã đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu và đạt được kết quả tích cực về kinh tế-xã hội, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.
Thủ tướng bày tỏ ấn tượng bởi Bình Định đã chủ động phát triển hạ tầng; thực hiện tốt phương thức hợp tác công tư trong một số dự án như trong đầu tư bệnh viện đa khoa tỉnh; chủ động có chính sách xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, người thu nhập thấp... "Đây là những mô hình hay, cần nhân rộng mạnh mẽ, rộng rãi".
Thủ tướng đã chỉ rõ những tiềm năng lợi thế, những khó khăn thách thức của tỉnh Bình Định. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Bình Định tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển vùng và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh. Trong đó phải chú trọng thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm thể chế, hạ tầng chiến lược và đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính.
"Trong hạ tầng chiến lược phải chú ý phát triển hàng không, đầu tư Cảng hàng không Phù Cát, các tuyến cao tốc kết nối, hệ thống cảng biển...", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị Bình Định cần bám sát tình hình thực tiễn để phản ứng chính sách tốt hơn; phát huy tinh thần tự lực, tự cường với khí thế Tây Sơn; tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chú trọng công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Cùng với đó tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch; tiếp tục thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, nhất là các ngành kinh tế biển; thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển xanh, bền vững, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh liên kết vùng để khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh, tạo không gian và nguồn lực cho phát triển...
Trong đó, phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế then chốt, khuyến khích công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, công nghiệp - đô thị ven biển...; xây dựng hạ tầng đồng bộ, kết nối và nâng cao hiệu quả hoạt động khi kinh tế Nhơn Hội, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông, lâm, thủy sản địa phương.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, Bình Định phải phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh các sản phẩm OCOP; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; phát triển ngành thủy sản hiện đại, hiệu quả, bền vững, trọng tâm là nuôi tôm công nghệ cao và khai thác cá ngừ đại dương; hỗ trợ ngư dân bám biển, khai thác xa bờ, ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.
Về phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại thế mạnh, Thủ tướng đề nghị tỉnh đầu tư và kêu gọi đầu tư phát triển vận tải biển, logictics, kho bãi, tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông...; tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch, dịch vụ; phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên; hình thành các tuyến, cụm du lịch.
Đặc biệt, phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm các sai phạm.
Thủ tướng tin tưởng, Bình Định phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn quân áo vải Tây Sơn bách chiến bách thắng vươn lên, phát triển nhanh, bền vững, đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX “phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung”.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của Bình Định, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây đều là những đề xuất chính đáng; cơ bản đồng tình xem xét; giao các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Bình Định giải quyết. Tuy nhiên việc giải quyết các đề xuất phải trên cơ sở bối cảnh chung của cả khu vực và toàn quốc và đúng quy định; nếu khó khăn, vướng mắc do quy định thì các bộ, ngành xem xét, tháo gỡ, vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Đối với các dự án đầu tư, Thủ tướng đề nghị tỉnh kêu gọi, thu hút đầu tư theo hình thức hợp tác công tư vừa giảm đầu tư của Nhà nước vừa huy động được các nguồn lực xã hội vào đầu tư, quản lý, vận hành, phát triển hiệu quả dự án./.
Từ khóa: Thủ tướng làm việc với tỉnh Bình Định, Bình Định phát triển kinh tế số kinh tế xanh, Bình Định phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển, cảng hàng không Phù Cát
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN