Thủ tướng: Kinh tế xã hội tháng 5 tốt hơn tháng 4
Cập nhật: 02/06/2020
Dự báo quốc phòng, an ninh Australia và thế giới trong năm 2025
Giao tranh UAV Nga – Ukraine bước sang giai đoạn mới gay cấn hơn
VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra trong năm nay.
Sáng 2/6 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 và tình hình kinh tế xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng cho biết 48 ngày qua nước ta không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Phần lớn các ca nhiễm đã được chữa khỏi và ra viện. Bệnh nhân nặng số 91 cũng đang trong quá trình hồi phục tốt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 5/2020. (Ảnh: VGP) |
Thủ tướng cũng bày tỏ ấn tượng với việc hầu hết các địa phương mà Thủ tướng vừa làm việc đều quyết tâm hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra từ đầu năm như Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu… Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, do đây là Thành phố dịch vụ lớn nên bị tác động lớn của Covid-19, khó có thể đạt mục tiêu cao như đã đề ra từ đầu năm.
Về tình hình kinh tế xã hội tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá có sự chuyển biến tích cực, thị trường nội địa được khôi phục, nhất là thị trường du lịch sôi động trở lại.
Trong tháng 5, Chính phủ cũng đã tiếp tục ban hành nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trong đó có Nghị quyết 84 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
"Một điều rất khái quát đó là các chỉ tiêu của tháng 5 tốt hơn tháng 4. Tháng 5 cũng là tháng mà hình ảnh của Việt Nam trên quốc tế tăng lên. Chúng ta đã chỉ đạo với tinh thần kiên quyết không lùi bước trước thách thức, đổi mới sáng tạo trong điều hành, khắc phục đứt gãy của các chuỗi cung ứng, chủ động thu hút đầu tư phát triển kể cả trong nước và quốc tế" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, chúng ta xác định đây cũng là cơ hội rất quan trọng để nước ta vươn lên trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn thách thức. Chúng ta đã tận dụng thời cơ vàng từ việc kiểm soát dịch bệnh, cho nên không khí lan tỏa trong làm ăn đã được tháo gỡ, vươn lên. Các cân đối lớn của nền kinh tế tốt hơn. Lạm phát giảm, đời sống người dân được đảm bảo. Những địa phương khó khăn thực sự đều được hỗ trợ lương thực kịp thời.
Trong thời gian qua, công tác phối hợp giữa công tác hành pháp, tư pháp, lập pháp diễn ra hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành mọi mặt của đất nước.
Tại phiên họp này, Thủ tướng đề nghị các thành viên dự họp đánh giá các nguy cơ, thách thức còn rất lớn với đất nước, trong đó có những khó khăn về thời tiết khí hậu như nắng nóng, hạn hán, mưa đá, giông, lốc; các thị trường lớn và đối tác quan trọng của Việt Nam đều đang rất khó khăn do dịch Covid-19.
Trên cơ sở đó, nêu các giải pháp để thúc đẩy kinh tế xã hội tháng 6, làm đà cho nửa cuối năm. Các giải pháp phải cụ thể, thể hiện quyết tâm cao. Cùng với đó cần theo dõi chặt chẽ tình hình quốc tế để có đối sách về thương mại, đầu tư và du lịch.
Đối với vấn đề xã hội quan tâm và Quốc hội thực hiện giám sát tối cao là phòng, chống xâm hại trẻ em, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần tiếp tục đưa ra biện pháp mạnh mẽ hơn về chống xâm hại trẻ em, giải pháp bảo vệ quyền trẻ em.
"Tại báo cáo giám sát tối cao đã trình bày (tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra), thì vẫn có 8.000 vi phạm quyền trẻ em. Do đó yêu cầu các địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội như hội phụ nữ, đoàn thanh niên… cần phát huy vai trò trách nhiệm, đóng góp cùng các cấp chính quyền, chủ động giám sát, đặc biệt với các đối tượng có nguy cơ cao. Các trường học, các cơ sở giáo dục đào tạo trẻ em, các cơ sở vui chơi giải trí toàn quốc cần đánh giá lại rủi ro đe dọa an ninh, tính mạng của trẻ em. Xử lý nghiêm để giáo dục răn đe. Kết hợp giữa gia đình và nhà trường, xã hội chung tay góp sức trong việc này, không để các sự cố đáng tiếc đối với trẻ em" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về vấn đề giá thịt lợn mà Thủ tướng cho rằng rất “nóng ruột”, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần trình bày một số biện pháp, những yếu tố cấu thành giá thịt lợn, trong đó có chi phí thức ăn chăn nuôi, giống, tái đàn, đặc biệt là khâu trung gian.Chúng ta chỉ tính đầu ra mà không tính khâu đầu vào là duy ý chí và khó thành công.
Quan điểm của Thủ tướng là giải quyết căn cơ, bài bản giá thịt lợn cao nhưng cũng tránh những thời điểm giá lợn rớt giá nghiêm trọng, làm tổn hại đến lợi ích người nuôi, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi. Phải giữ giá thịt lợn ổn định bằng tư duy chuỗi liên kết giá trị, khuyến khích đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là giải quyết tốt khâu đầu vào, khâu giống, thức ăn, phát động phong trào chăn nuôi tái đàn trên cơ sở phòng ngừa dịch tả châu Phí có biểu hiện không bình thường. Cùng với đó là có biện pháp khác như là nhập khẩu./.
Từ khóa: Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, kinh tế xã hội, xâm hại trẻ em
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN