Thủ tướng đề nghị lãnh đạo bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng thể chế
Cập nhật: 26/12/2022
Phái đoàn quân sự Trung Quốc thăm Nhật Bản
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về quân sự, quốc phòng Việt Nam
VOV.VN - "Trong thời gian tới, tôi đề nghị Thủ trưởng, Bộ trưởng các cơ quan của Chính phủ trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục trực tiếp đầu tư công việc lãnh đạo chỉ đạo của mình đối với công tác xây dựng thể chế".
Sáng nay (26/12), tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 12/2022. Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ nghe tờ trình tóm tắt dự thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; nghe báo cáo thẩm tra các luật, đề nghị xây dựng Luật; đồng thời dành thời gian thảo luật, đóng góp ý kiến, làm rõ các nội hàm, chỉnh sửa, bổ sung nội dung vào các dự thảo luật, đề nghị xây dựng luật.
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận đối với nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau, các nội dung mới, các nội dung phát sinh trên thực tiễn trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật như: độ tuổi về hưu của công an nhân dân; tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích xuất sắc của công an nhân dân; số lượng sĩ quan cấp tướng; quân hàm đối với một số vị trí, chức danh công tác.
Đối với Luật căn cước công dân (sửa đổi), các thành viên Chính phủ thảo luận, góp ý các nội dung liên quan việc tích hợp thông tin cá nhân của công dân như tài sản, tài khoản ngân hàng, bảo hiểm, lái xe, thông tin sinh trắc học vào tài khoản định danh điện tử của công dân; nhất thể hóa, đồng bộ tài khoản định danh điện tử công dân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc quản lý, vận hành, khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư; bảo vệ thông tin cá nhân; độ tuổi cấp căn cước công dân; quy trình, dự kiến hoàn thiện, thời gian trình Quốc hội.
Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, các đại biểu làm rõ các nội dung liên quan quy định về cấp tính dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay; quy định về hoạt động cho vay và hoạt động gửi tiền giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; về hoạt động của ngân hàn điện tử, ngân hàng số; các quy định liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng; hoạt động mua bán các loại chứng khoán khác không phải là cổ phiếu, trái phiếu; hoạt động cung cấp thông tin của chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho ngân hàng mẹ.
Đối với đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, các thành viên Chính phủ phân tích, phân định rõ danh mục sản phẩm do công nghiệp quốc phòng bảo đảm và danh mục sản phẩm do công nghiệp an ninh sản xuất, tránh đầu tư trùng lặp; làm rõ những đánh giá tác động của các chính sách và các giải pháp thực hiện chính sách; làm rõ mối quan hệ giữa quy định của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp với các luật chuyên ngành khác.
Về đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, cùng với phân tích tính cần thiết xây dựng luật, các đại biểu góp ý các nội dung liên quan việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn; tổ chức thực hiện và quản lý theo quy hoạch đô thị và nông thôn; trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn... nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Sau khi nghe các thành viên Chính phủ thảo luận, phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các Bộ, ngành, cơ quan có nỗ lực lớn, quyết tâm cao, tích cực chuẩn bị, trình các dự án, đề nghị xây dựng luật; nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở; bảo đảm tiến độ, chất lượng. Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đã thực hiện tốt vai trò cơ quan thẩm định, thẩm tra, đồng thời có những ý kiến tham mưu độc lập, chất lượng. Đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát với tinh thần xây dựng cao của các thành viên Chính phủ và các đại biểu.
Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện các dự án, đề nghị xây dựng luật, trình theo quy định. Thủ tướng chỉ rõ các vấn đề có ý kiến khác nhau thì các Bộ trưởng trực tiếp trao đổi để thống nhất.
Thủ tướng đề nghị, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ rà soát, tổng kết, đánh giá công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế năm 2022, khẩn trương xây dựng chương trình công tác thể chế của Chính phủ cho năm 2023 và thời gian tới.
"Trong thời gian tới, tôi đề nghị Thủ trưởng, Bộ trưởng các cơ quan của Chính phủ trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục trực tiếp đầu tư công việc lãnh đạo chỉ đạo của mình đối với công tác xây dựng thể chế, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, rà soát lại xem quá trình làm vừa qua, cái gì là cái được, cái gì cái chưa được, nguyên nhân, để trên cơ sở đó để chúng ta rút kinh nghiệm, rút ra bài học với một tinh thần không cầu toàn không nóng vội, những cái gì đã rõ, đã đúng là trúng, đã được thực tiễn chứng minh là đúng thực hiện có hiệu quả thì chúng ta tiếp tục luật hóa nó, còn những cái gì mà đã có luật nhưng nó vượt xa thực tiễn thì chúng ta điều chỉnh bổ sung, những cái gì có luật rồi nhưng lại không phù hợp với thực tiễn chúng ta sơ kết tổng kết, bổ sung. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ phối hợp với các Bộ, các ngành thực hiện vai trò thẩm định của mình một cách kỹ lưỡng, đầy đủ, nâng cao tinh thần trách nhiệm và cũng thẳng thắn, được thì nói được, mà chưa thì nói rõ chưa, có gì cần bổ sung, cái gì cần phải điều chỉnh rõ ràng cũng thẳng thắn cho minh bạch cho."- Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng cũng đề nghị đánh giá cụ thể về 05 trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo: tăng cường vai trò người đứng đầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao năng lực phản ứng chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; tập trung đầu tư nguồn lực; thu hút, nâng cao chất lượng nhân lực. Cùng với đó, đánh giá cả 02 mảng công tác: xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật.
Thủ tướng đề nghị nghiên cứu xây dựng Nghị quyết - văn bản riêng về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ cho năm 2023 và thời gian tới./
Từ khóa: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phiên họp Chính phủ xây dựng pháp luật tháng 12/2022
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN