Thủ tướng: Đẩy mạnh sản xuất chính là chia sẻ với miền Trung
Cập nhật: 30/10/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Thủ tướng yêu cầu, các địa phương không bị thiệt hại bão, lũ phải thể hiện tình cảm tương thân, tương ái bằng việc đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, bù đắp cho tổn thất, mất mát của các tỉnh miền Trung.
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 30/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, nhất là các địa phương gặp khó khăn sau lũ, bão, tiếp tục phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn, nỗ lực cao nhất để thực hiện các nhiệm vụ đề ra, đóng góp vào mục tiêu chung của cả nước đạt tăng trưởng từ 2,5-3%; càng khó khăn thì càng phải quyết tâm, ý chí hơn. Các địa phương không bị thiệt hại bão, lũ phải thể hiện tình cảm tương thân, tương ái bằng việc đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, bù đắp cho tổn thất, mất mát của các tỉnh miền Trung.
Thủ tướng dẫn ra đánh giá của một số tổ chức về Việt Nam, trong đó IMF đánh giá Việt Nam là nền kinh tế duy nhất trong ASEAN tăng trưởng dương với GDP năm 2020 tăng 1,6%, năm 2021 tăng 6,7%. Với mức tăng này, năm 2020, quy mô GDP của Việt Nam ước đạt 340,6 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN.
Còn Ngân hàng Standard Characted đánh giá, kinh tế Việt Nam năm nay tăng trưởng 3% và 7,8% năm tới. Hoạt động tiêu dùng gia tăng, lĩnh vực sản xuất sẽ tăng tốc vào quý 4 trong năm nay. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đánh giá kinh tế Việt Nam năm nay tăng trưởng từ 2-3%.
Thủ tướng cũng dẫn bài viết của một tờ báo uy tín quốc tế đánh giá 10 xu thế kinh tế chính trị châu Á năm 2020 cho thấy, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 3 nước thành công điển hình trong khống chế đại dịch Covid-19 với mẫu số chung là truy vết, xét nghiệm trên diện rộng; sự sẵn sàng của y tế dự phòng; kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh trong quá khứ và công tác chỉ đạo của chính quyền các cấp.
Về kinh tế trong nước, Thủ tướng cho biết kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng khả quan. Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10 tăng khá cao, gần 19%, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng trên 10% so với cùng kỳ. Lạm phát được kiểm soát với Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 chỉ tăng 0,09% so với tháng trước, mức thấp nhất 10 năm qua. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm nay tăng 3,71%. Thủ tướng cho rằng, đây là nền tảng quan trọng ổn định vĩ mô.
Xuất khẩu phục hồi khả quan, xuất siêu cao kỷ lục với 18,7 tỷ USD. Ước tính cả năm kim ngạch thương mại hai chiều nước ta đạt trên 510 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được cải thiện, sau 10 tháng đã đạt 355 nghìn tỷ đồng, bằng 70% kế hoạch năm, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 10 nước ta cũng thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài với số vớn lớn, lên đến 4,4 tỷ USD…
Dồn tâm, sức khắc phục hậu quả thiên tai
Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu một số tồn tại cần lưu ý như: dịch bệnh, thiên tai, căng thẳng thương mại; ngành công nghiệp xây dựng bị ảnh hưởng do đứt gãy chuỗi cung ứng; tiêu dùng phục hồi chậm cần phải thúc đẩy mạnh hơn; tín dụng tăng trưởng thấp; doanh nghiệp còn khó khăn về thị trường…
Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khắc phục những tồn tại này, Thủ tướng một lần nữa khẳng định, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất các địa phương nằm trong vùng bão lũ, dồn tâm, sức, nguồn lực, khắc phục nhanh nhất hậu quả thiên tai nặng nề; nhanh chóng khôi phục lại cuộc sống của người dân.
Các bộ, ngành, địa phương, nhất là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề đợt bão lũ vừa qua, khẩn trương có phương án, chạy đua thời gian, cứu chữa người với tinh thần cao nhất, không để người dân bị đói, rét, màn trời chiếu đất. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định cuối cùng về sự hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, bộ, ngành. Nhưng tinh thần tự lực, tự cường của cả nước, đặc biệt các tỉnh miền Trung ruột thịt phải vươn lên mạnh mẽ hơn.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 2,5 đến 3%; nhân rộng mô hình chuỗi giá trị đối với từng loại sản phẩm ưu tiên; đẩy mạnh hơn nữa hệ thống logistic hỗ trợ chuỗi cung ứng trong nông lâm sản, tạo năng lực cạnh tranh hơn nữa; tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng; thúc đẩy kích cầu du lịch nội địa. Tiếp tục khơi thông xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đối với thị trường Mỹ, cần tăng cường nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, công nghệ, thiết bị y tế… Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thúc đẩy công việc này, gắn trách nhiệm với người đứng đầu.
Các địa phương trọng điểm phải làm gương, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh gồm cả vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách, sản xuất. Các địa phương đều phải thúc đẩy đầu tư tư nhân, gồm cả vốn đầu tư nước ngoài và tư nhân trong nước. Trong vấn đề xây dựng thể chế, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khắc phục thời hạn, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
Để góp phần thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng, việc làm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần có biện pháp kích cầu thị trường gần 100 triệu dân, có hướng phát triển kinh tế ban đêm; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, thúc đẩy thanh toán điện tử; triển khai mạng 5G, hoàn thiện dữ liệu quốc gia để phục vụ phát triển kinh tế số.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, ngành không được chủ quan, lơ trước dịch bệnh, trong đó phải quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, tạo thuận lợi cho các chuyên gia, nhà đầu tư, đón công dân về nước. Ngành ngành y tế phải luôn đảm bảo nhân lực, vật tư, y tế, ứng phó kịp thời các tình huống.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thúc đẩy tháo gỡ vướng mắc các gói hỗ trợ hiện nay. Nghiên cứu sớm đề xuất gói hỗ trợ bổ sung đợt hai một cách phù hợp. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội họp trực tuyến ngay để triển khai thực hiện Nghị quyết số 154 của Chính phủ ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; đồng thời triển khai thực hiện Quyết định 32 của Thủ tướng hỗ trợ doanh nghiệp vay trả lương nhanh và hiệu quả.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc rà soát, tiếp thu ý kiến, có điều chỉnh phù hợp đối với bộ sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới; làm minh bạch, rõ ràng giữa sách giáo khoa và sách tham khảo. Bộ cũng cần có giải pháp hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng mưa lũ, đảm bảo duy trì chương trình học tập cho học sinh vùng lũ.
Bộ Ngoại giao phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch IPA, Ủy viên Hội đồng bảo an LHQ của Việt Nam; chuẩn bị tốt nhất Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 với vai trò Chủ tịch ASEAN.
Thủ tướng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng đối với các Bộ trưởng, đó là chuẩn bị tốt các nội dung chất vấn để sẵn sàng trả lời chất vấn trước Quốc hội./.
Từ khóa: phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lũ lụt miền Trung
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN