Thủ tướng: Chuyển đổi số gắn chặt với cuộc cách mạng cải cách bộ máy hành chính
Cập nhật: 3 giờ trước
“Biển người” chen chân dâng lễ ngày Vía Ngọc Hoàng tại TP.HCM
Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Triều Tiên
VOV.VN - Thủ tướng khẳng định, chuyển đổi số phải gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện cuộc “cách mạng” về sắp xếp, tinh gọn bộ máy với tinh thần 5 "tăng tốc, bứt phá".
Chiều nay (6/2), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 10 về tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, lãnh đạo các bộ ngành trung ương và địa phương.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin truyền thông trong năm 2024, chuyển đổi số quốc gia, nhất là triển khai Đề án 06 tiếp tục đạt nhiều bước tiến lớn, quan trọng, nổi bật là: công tác chỉ đạo, điều hành có kinh nghiệm hơn, lớp lang, bài bản hơn; việc tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở.
Thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến chuyển đổi số tiếp tục được tập trung hoàn thiện. Đã đơn giản hóa 898/1.084 thủ tục hành chính được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ; trong đó năm 2024, đã đơn giản hóa 313 thủ tục hành chính; 63/63 địa phương đã ban hành Nghị quyết miễn giảm phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.
Kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, doanh thu năm 2024 đạt 152 tỷ USD, tăng 10,9%; Hạ tầng số và các nền tảng số được quan tâm đầu tư; cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đây mạnh triển khai; Cơ sở dữ liệu về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực; Dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng được hoàn thiện, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, đã triển khai 54/76 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu.
Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế: Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 02 bậc, xếp hạng 44/133; Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2024 tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194.
Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số với vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Thời gian tới Thủ tướng yêu cầu, bám sát Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Chương trình hành động của Chính phủ.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Chuyển đổi số gắn chặt với cuộc cách mạng về cải cách bộ máy hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thứ hai, chuyển đổi số phải toàn dân, toàn diện, toàn trình, ở tất cả các ngành, các cấp và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Điểm thứ ba là phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo là một yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược, là ưu tiên hàng đầu chúng ta phát triển kinh tế nhanh, bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước là giàu mạnh, văn minh thịnh vượng và nhân dân ngày càng được ấm no và hạnh phúc; và khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thì phải lấy người dân doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể để chúng ta thúc đẩy sự phát triển."
Thủ tướng khẳng định, chuyển đổi số phải gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện cuộc “cách mạng” về sắp xếp, tinh gọn bộ máy với tinh thần 5 "tăng tốc, bứt phá".
Thủ tướng cho rằng: "Tăng tốc, bứt phá trong chuyển đổi số toàn diện, đưa công nghệ số lan tỏa đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số trong giai đoạn tới; Tăng tốc, bứt phá trong số hóa các ngành kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp đến dịch vụ, tạo ra bước nhảy vọt về năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh; Tăng tốc, bứt phá trong phát triển hạ tầng số; Tăng tốc, bứt phá trong phát triển nhân lực số, trang bị kiến thức và kỹ năng cho thế hệ tương lai, sẵn sàng nắm bắt cơ hội trong kỷ nguyên số; Tăng tốc, bứt phá trong phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn".
Nhấn mạnh nhiệm vụ thời gian tới là hết sức nặng nề Thủ tướng yêu cầu phải "tăng tốc và bứt phá". Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành địa phương trong đó nhấn mạnh yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW; đồng thời xây dựng bộ tiêu chỉ đánh giá; định kỳ do lường, công bố công khai kết quả; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ dựa trên kết quả thực hiện. Kế hoạch thực hiện phải thực chất, không hình thức. Các nhiệm vụ trong Kế hoạch phải cụ thể, lượng hỏa để dễ triển khai, dễ đánh giả, dễ đo lường, dễ kiểm tra, giám sát.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức xã hội về chuyển đổi số; Đa dạng hóa về hình thức; cụ thể hóa nội dung cho từng nhóm đối tượng cụ thể; Nghiên cứu phát động phong trào thi đua toàn quốc về chuyển đổi số. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thực hiện công vụ của cán bộ, công chức trong công tác chuyển đổi số, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công...
Thủ tướng yêu cầu, Bộ trưởng, Trường ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải có quyết tâm chính trị cao, nêu gương đi đầu, tiên phong trong thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, phương pháp luận trong chuyển đổi số; Chỉ đạo quyết liệt những nhiệm vụ chậm tiến độ, thường xuyên giao ban, kiểm tra để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn theo nguyên tắc “lãnh đạo từ trên xuống nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên”.
Thủ tướng chỉ đạo đến tháng 6/2025, yêu cầu tất cả các lãnh đạo bộ, ngành, lãnh đạo UBND cấp tỉnh phải chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường mạng và ký số. Đến cuối năm 2025, tất cả cán bộ, công chức cấp xã, huyện, tỉnh phải xử lý công việc trên môi trường mạng và ký số.
Đẩy mạnh rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế; xây dựng cơ chế, chính sách; bảo đảm nguồn lực cho chuyển đổi số. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, hạ tầng số và nền tăng số quốc gia; cung cấp, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Phấn đấu đến hết năm 2025 đạt 80% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân.
Cùng với đó Thủ tướng yêu cầu, phải đảm bảo an ninh, an toàn thông tin; Xây dựng Đề án phát triển và trọng dụng nhân tài, tập trung vào các cán bộ chuyên gia đầu ngành, những người giữ vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực chuyển đổi số; có chính sách đãi ngộ, tuyển dụng đặc thù thu hút, tuyển dụng nhân tài; Đẩy mạnh triển khai Đề án 06.
Từ khóa: Thủ tướng, Thủ tướng,Phạm Minh Chính,chuyển đổi số quốc gia
Thể loại: Nội chính
Tác giả: vũ khuyên/vov
Nguồn tin: VOVVN