Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ về bảo đảm cung ứng điện
Cập nhật: 22/10/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt chúc Tết cán bộ cấp cao Công an qua các thời kỳ
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Liên bang Nga
VOV.VN - Sáng nay 19/10, Thường trực Chính phủ đã họp bàn về bảo đảm cung ứng điện dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, lãnh đạo các bộ ngành, tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam.
Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã đưa ra nhiều ý kiến để đảm bảo cung ứng điện trong thời gian sắp tới.
Theo báo cáo của EVN, trong 9 tháng đầu năm 2024, EVN đã đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt nhân dân trong bối cảnh nhu cầu điện tăng trưởng rất cao do kinh tế tiếp tục hồi phục. Trong đó: Điện sản xuất và nhập khẩu 9 tháng đạt 232,8 tỷ kWh, tăng 10,97% so với cùng kỳ 2023.
Điện thương phẩm 9 tháng đầu năm 2024 đạt 208,3 tỷ kWh, tăng 11,32% so với cùng kỳ năm 2023. Thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 5,47%, tăng 12,72%.
EVN đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về việc đảm bảo cung ứng đủ điện, điều tiết vừa đáp ứng yêu cầu cung ứng điện vừa thực hiện cắt, giảm lũ cho vùng hạ du.
Về đảm bảo nhiên liệu cho sản xuất điện, EVN đã phối hợp tốt với TKV, TCT Đông Bắc trong việc cung cấp than cho các nhà máy điện, ưu tiên sử dụng tối đa tối đa than sản xuất trong nước để tăng cường sản xuất trong nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Phối hợp chặt chẽ với PVN/PVGAS trong việc cung cấp khí tự nhiên và LNG cho phát điện.
Sau khi nghe báo cáo, Thường trực Chính phủ cùng các bộ ngành đã thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo điện trong các tháng cuối năm 2024, năm 2025 và thời gian tới theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính là không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là trong năm 2025 và gia đoạn tới.
Theo đó, giải pháp đối đối với khối phát điện được đưa ra là EVN sẽ phối hợp với Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) cập nhật nhu cầu huy động các tháng cuối năm 2024 và dự kiến sản lượng năm 2025 để điều chỉnh kế hoạch cung cấp nhiên liệu kịp thời, linh hoạt đảm bảo sản xuất điện theo nhu cầu của hệ thống.
Tăng cường công tác duy tu bảo dưỡng các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo độ khả dụng để đáp ứng theo nhu cầu phát điện của hệ thống điện quốc gia,tăng cường theo dõi giám sát các thiết bị trong quá trình vận hành, chủ động xử lý khiếm khuyết để nâng cao độ tin cậy trong vận hành của các thiết bị.
Các Nhà máy thủy điện chủ động theo dõi, dự báo sát tình hình thủy văn để có phương án tích nước sớm trong giai đoạn cuối mùa lũ để đảm bảo mục tiêu tích nước đến mực nước dâng bình thường vào cuối năm 2024, phục vụ nhu cầu phát điện, đảm bảo cung ứng điện cho mùa khô năm 2025.
Tiếp tục phối hợp hiệu quả với TKV, TCT Đông Bắc và PVN/PVGas để đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho sản xuất điện theo nhu cầu hệ thống, chuẩn bị các phương án dự phòng nhiên liệu cho các tình huống bất lợi, đảm bảo đủ nhiên liệu cho sản xuất điện và duy trì mức tồn kho theo quy định; các TCT Điện lực tiếp tục sẵn sàng phương án huy động thêm các nguồn diesel mượn của khách hàng để bổ sung nguồn cung cho miền Bắc trong các tỉnh huống khẩn cấp.
Tổng công ty truyền tải điện quốc gia, các TCT Điện lực vận hành an toàn, tin cậy hệ thống lưới điện; chuẩn bị đủ vật tư thiết bị dự phòng. Chủ động phát hiện, khắc phục, ngăn ngừa sự cố, nâng cao độ tin cậy và giảm tổn thất điện năng; Tăng cường giám sát và tuân thủ kỷ luật vận hành, không để xảy ra sự cố chủ quan.
Các TCT Điện lực tiếp tục chủ động theo dõi diễn biến, bám sát phát triển kinh tế xã hội địa phương, chịu trách nhiệm phân tích cơ cấu tỷ trọng thành phần phụ tải, dự báo nhu cầu điện để xây dựng kế hoạch cung cấp diện hàng tháng/quý. Tăng cường tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt trong các tháng cao điểm năng nóng.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh, biểu dương các bộ, ngành, tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng, nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng cả năm 2024, với lượng tiêu thụ tăng 11 -13%/năm, trong khi nguồn điện không tăng, trong đó có hoàn thành đường dây tải điện 500 kV mạch 3 chỉ trong hơn 6 tháng triển khai.
Theo Thủ tướng, dự tính năm 2025, nhu cầu điện cả nước tăng khoảng 2.200 MW, song với các giải pháp cụ thể, cơ bản sẽ không thiếu điện. Tuy nhiên về lâu dài, với tốc độ nhu cầu điện tăng từ 12 - 15%, để đảm bảo nguồn điện trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030, các bộ, ngành phải chủ động, tích cực thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương triển khai Nghị định mua bán điện trực tiếp; hoàn thiện, trình ngay Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về mua bán điện tự sản tự tiêu, điện mặt trời, áp mái nhằm, khuyến khích phát triển điện sạch, hình thành ngàn công nghiệp điện năng lượng tái tạo; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy các dự án, nhất là vướng mắc liên quan thủ tục đầu tư, quy hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, giải phóng mặt bằng…, trong đó hoàn thành thực hiện các liên kết điện nhập khẩu trong năm 2024; triển khai xây dựng đường dây 500 kV Lào Cai - Việt Trì, trong 6 tháng; bổ sung thêm các dự án nguồn điện, lưới điện mới, tăng nguồn cung điện để chủ động hơn, bảo đảm cung ứng đủ điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật; cập nhật Quy hoạch điện VIII, trong đó tăng cường phân cấp, phân quyền, xóa bỏ cơ chế xin – cho, cải cách hành chính, giảm chi phí đầu vào, giảm giá điện; tăng cường khai thác than, khí phục vụ cho sản xuất điện, giảm nhập khẩu, song quyết tâm, quyết liệt chuyển dần điện than sang sản xuất điện sạch, thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26.
Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành phải xây dựng các kịch bản để chủ động có giải pháp đảm bảo cung ứng đủ điện, không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào; tiếp tục đa dạng hóa nguồn điện gồm thủy điện, nhiệt điện, điện khí, điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân; nghiên cứu giá điện phù hợp, căn cứ tình hình, điều kiện đất nước, sát thị trường, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp”….
Từ khóa: Thủ tướng, Bộ trưởng, Chính phủ, họp, điện, EVN, phiên họp, đại biểu
Thể loại: Nội chính
Tác giả: vũ khuyên/vov
Nguồn tin: VOVVN