Thủ tướng chỉ đạo phải kiểm soát được nhập siêu trong năm 2019
Cập nhật: 25/09/2019
Ngành tổ chức xây dựng Đảng TP.HCM cần tham mưu triển khai hiệu quả sắp xếp tổ chức bộ máy
Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ Bộ Công an nhận HC Chiến công hạng Ba
Nêu nhiệm vụ cho ngành công thương năm 2019, Thủ tướng không đồng ý với việc Bộ Công thương để xảy ra nhập siêu.
Sáng 17/1 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành công thương. Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.
Theo báo cáo của Bộ, năm 2018, ngành Công thương đã thực hiện đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 245 tỷ USD, tăng 13,8% trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường thế giới dư thừa, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng. Xuất siêu cả năm dự kiến đạt mức kỷ lục 7,2 tỷ USD.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục mức tăng trưởng cao. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2018 tăng 10,2%, vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đã được đặt ra từ đầu năm (tăng 9%), đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,3%, tiếp tục khẳng định là động lực chính cho tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế cả nước.
Sau 2 năm thực hiện nhiệm vụ xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành, đến thời điểm hiện nay, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy bước đầu có lãi và từng bước ổn định, đó là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Nhà máy thép Việt - Trung.
Trong số 3 nhà máy trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay đã có 2 nhà máy vận hành sản xuất trở lại, cho ra sản phẩm đạt chất lượng tốt là Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi. Bộ Công thương cũng đặt ra nhiệm vụ của năm 2019 là thực hiện tốt công tác phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để tiếp tục tập trung hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công thương theo đúng phương án, kế hoạch, lộ trình được phê duyệt.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhắc lại đúng vào ngày này năm ngoái, Thủ tướng đã làm việc với Bộ và chỉ đạo 9 nhóm nhiệm vụ. Sau 1 năm, Thủ tướng đánh giá cao ngành đã tổ chức triển khai tốt nhiệm vụ được giao, giúp năm 2018 đạt kết quả toàn diện, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng. Trong đó, khu vực công nghiệp đóng góp 2,85% vào tốc độ tăng GDP để đạt 7,08%. Công nghiệp phụ trợ có tốc độ tăng tốt, tỷ lệ nội địa hóa của nhiều sản phẩm tăng cao. Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng 37 bậc, xếp thứ 27 thế giới và thuộc nhóm đầu ASEAN.
Thủ tướng vui mừng nhận thấy năm 2018 đạt kết quả xuất siêu cao và chủ yếu là xuất siêu sang các thị trường phát triển. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khu vực trong nước tăng nhanh hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, vai trò của thị trường trong nước đối với sản xuất được củng cố.
"Một vấn đề nữa là thị trường trong nước phát triển, giữ vững ổn định, năm 2018 thương mại nội địa giữ vững đà tăng trưởng ở mức 2 con số. Năm nay chúng ta đã có nhiều siêu thị mới mà thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn trụ lại được, đây là bài học kinh nghiệm, kiểm soát lạm phát, giữ giá tiêu dùng CPI ở mức dưới 4%. Các đồng chí đã góp phần ổn định tiêu dùng mọi miền tổ quốc, kể cả thiên tai, vùng sâu vùng xa. Gạo nước chuẩn bị sẵn sàng, thịt lợn chuẩn bị sẵn sàng...", Thủ tướng đánh giá.
Ghi nhận những đóng góp của toàn ngành Công thương, song Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại của ngành. Trong đó, tính chủ động trong công tác lập, điều chỉnh chiến lược quy hoạch cho ngành chưa cao, một số quy hoạch triển khai chậm so với thực tiễn, gây lúng túng cho công tác quản lý, trong đó có lĩnh vực năng lượng. Ngành công nghiệp phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa, nội lực còn yếu, trình độ công nghệ lạc hậu và chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn thực sự đóng vai trò dẫn dắt. Bên cạnh đó, mức độ liên doanh hợp tác giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành hoặc giữa các ngành còn nhiều hạn chế, chưa tạo được mối liên kết giữa các ngành hợp tác chuyên môn hóa sâu phù hợp với cơ chế thị trường.
Thủ tướng đặt vấn đề: "Bối cảnh đất nước hiện nay, chúng ta hội nhập sâu rộng, việc tự chủ, tự cường của nền kinh tế là một hướng đi rất quan trọng trong phát triển với hệ thống toàn ngành công thương Việt Nam. Cho nên một câu hỏi đặt ra: làm sao các tập đoàn trong nước vào đầu tư mạnh mẽ; làm sao vốn các tập đoàn đa quốc gia đổ vào Việt Nam trong lúc thế giới có nhiều thay đổi. Những câu hỏi đó chúng ta nên có suy nghĩ, định hướng giải quyết. Chính vì vậy mà chiến lược phát triển ngành giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước, thì ngay từ bây giờ phải có những bước đi quan trọng để thúc đẩy phát triển. Việt Nam có thể thành con hổ, con rồng hay không, chính là phụ thuộc rất nhiều vào sự đột phá của ngành công thương".
Thủ tướng đánh giá cao Bộ đã có chương trình thực hiện Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ, đồng thời đề ra các chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2019. Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ đạo, không được để tình trạng nhập siêu năm 2019.
"Mình đã đạt được con số xuất siêu trên 7,2 tỷ USD, tôi nói các đồng chí chương trình điện rác hay điện tái tạo, hay chương trình mua điện của Lào…Bộ Công thương, EVN không thể báo là sẽ cắt điện. Tôi nói như vậy để các đồng chí có một chương trình dài hơi, đảm bảo không những trước mắt, lâu dài, ngoài năm 2020, ngoài năm 2025, năm 2030 phải đảm bao điện quốc gia đảm bảo cân đối năng lượng điện ở mức cao 6-7%, thậm chí 8% trong những năm tới. Từ đó, tính toán để đảm bảo nhu cầu điện cho quốc gia mạnh mẽ hơn. Đừng để tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, Thủ tướng đề nghị.
Để thực hiện các nhiệm vụ của ngành, Thủ tướng cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là khoa học công nghệ, ứng dụng để nâng cao năng suất lao động. Cùng với đó là đổi mới công tác triển khai lập, thẩm định, trình duyệt và công bố các quy hoạch của ngành, để không xảy ra tình trạng xin cho và chậm trễ. Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của ngành chặt chẽ, hiệu quả. Tiếp tục xử lý tồn tại yếu kém của các dự án chậm và kém hiệu quả của ngành theo đúng kế hoạch được giao.
Trước những biến động của thế giới, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương cần nghiên cứu, dự báo và có phương án ứng phó kịp thời, không để bị động. Thủ tướng cho biết đã thành lập một tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Công thương làm tổ trưởng để phản ứng nhanh hơn trước biến động thị trường./.
Từ khóa: Bộ Công thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhập siêu, xuất siêu, năm 2019,
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN