Thủ tướng: “Càng khó khăn thì càng phải cố gắng, không bàn lùi“
Cập nhật: 02/07/2020
VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh 6 tháng đầu năm nay xảy ra đại dịch Covid-19, gây ra sự sụt giảm kinh tế toàn cầu trên quy mô lớn nhất trong 150 năm qua.
Hội nghị không chỉ đánh giá tình hình 6 tháng qua mà cả định hướng chỉ đạo, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi phát triển kinh tế, tận dụng tốt cơ hội kiểm soát được dịch Covid-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị. |
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GDP quý II tăng 0,36%, 6 tháng đầu năm tăng 1,81%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua đối với nước ta nhưng so với khu vực và thế giới thì lại là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới.
Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Xuất siêu đạt mức 4 tỷ đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu khu vực trong nước đạt khá cao, lên đến 11,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt hơn 850.000 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 33% GDP. Cả nước có hơn 62.000 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 697.000 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký hơn 507.000 lao động. Đồng thời có hơn 25.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với cùng kỳ.
Tại hội nghị, các địa phương đã thảo luận đưa ra các giải pháp để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư như: tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, nhằm thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế; hỗ trợ vốn đầu tư cho các công trình quan trọng; Thực hiện gói đảm bảo an sinh xã hội đạt hiệu quả.
Trong đó nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ xem xét, giao Bộ Tài chính xác định nguồn vốn của giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở đó có nguồn vốn cho các địa phương để chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn này.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh dẫn Điều 89 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định tổng số vốn đầu tư còn lại của các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp qua giai đoạn 2021-2025 không vượt quá 20 % và cho rằng quy định này gây rất nhiều khó khăn cho các địa phương.
"Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, theo đó quy định nhu cầu vốn chuyển tiếp tại Điều 89 sẽ bắt đầu áp dụng đối với kỳ trung hạn giai đoạn 2066-2030” - ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị.
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, Thống đốc Ngân Hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng gần 260.000 khách hàng với dư nợ gần 180.000 tỷ đồng; đã miễn giảm và hạ lãi suất cho khoảng 421.000 khách hàng với dư nợ khoảng 1,3 triệu tỷ đồng; đã cho vay mới khoảng 1,1 triệu tỷ cho khoảng 240.000 khách hàng với lãi suất thấp hơn từ 0,5 đến 2,5 %.
Từ nay đến cuối năm hệ thống ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều hành chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng là kiểm soát và giữ được ổn định vĩ mô nhưng đặt mục tiêu là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Toàn cảnh hội nghị |
Không chùn bước
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh, giải quyết tốt mục tiêu kép cả kinh tế và chống dịch là một thành công, qua đó nâng cao uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng dịch bệnh đang hoành hành ở nhiều nước với số ca nhiễm ngày càng cao, nền kinh tế thế giới phát triển âm rất sâu ở tất cả các khu vực. Vì vậy chúng ta phải tiếp tục theo dõi để đề phòng những nguy cơ, nhất là nguy cơ dịch bệnh.Đồng thời nắm bắt cơ hội để từ đó Chính phủ có đối sách đúng, kịp thời hơn trên tinh thần là vừa chống dịch Covid-19 vừa tấn công trên mặt trận kinh tế, để thực hiện tốt mục tiêu kép.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kịch bản tăng trưởng quý 3 và quý 4 cụ thể, mục tiêu tăng trưởng của chúng ta phấn đấu cao nhất nhưng có khoảng 3% đến 4 %.
Tôi yêu cầu các Bộ trưởng,Chủ tịch các tỉnh một tinh thần là khó khăn gấp đôi ta phải phấn đấu gấp ba, khôngchùn bước,không bàn lùi để phát triển đất nước. Cả nước chung sức đồng lòng để xây dựng đất nước trong lúc khó khăn. Các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ hoạt động hiệu quả và có những biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn" -Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng nêu tinh thần là kiên quyết không để dịch bệnh quay lại. Theo Thủ tướng đây là điều kiện tiên quyết để phục hồi phát triển kinh tế bền vững. Vì vậy các ngành Y tế, quân đội, công an, chính quyền các địa phương rà soát có giải pháp, phương án cụ thể phù hợp, không chỉ đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch mà còn tạo điều kiện phát triển đất nước. Đồng thời cần có các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, ưu tiên các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng tạo việc làm thu nhập, bảo đảm đời sống của nhân dân.
Về chính sách tài khóa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phải điều hành chính sách tài khóa tiền tệ chủ động hơn, linh hoạt hơn để kích thích tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phù hợp. Đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm những cân đối lớn của nền kinh tế, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.
"Ổn định vĩ mô, nhất là chỉ tiêu lạm phát dưới 4% là mục tiêu xuyên suốt vì ổn định, tăng cường niềm tin là rất quan trọng.Đi cùng đó, cần chú trọng các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Trong đó đặc biệt lưu ý bảo đảm việc làm, thu nhập của người dân, của người lao động" - người đứng đầu Chính phủ nói./.
Từ khóa: thủ tướng, hội nghị trực tuyến, chính phủ với địa phương, Covid-19, dịch bệnh
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN