Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Thông tin đối ngoại sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và đổi mới
Cập nhật: 18/01/2023
VOV.VN - Công tác thông tin đối ngoại sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và đổi mới, trong đó có đẩy mạnh chuyển đổi số, tìm kiếm các biện pháp, phương thức mới để nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh điều này khi trả lời báo chí về công tác thông tin đối ngoại và chuyển đổi số.
PV: Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế, những đóng góp của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Xin Thứ trưởng cho biết truyền thông, thông tin đối ngoại đã có đóng góp thế nào trong việc tạo dựng vị thế của Việt Nam?
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Trong những năm qua, triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã khẳng định được vai trò và vị thế ngày càng cao trong khu vực và thế giới.
Đến nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 190 nước. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với Quốc hội, Nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài.
Việt Nam cũng là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO... Chúng ta cũng đã được bạn bè quốc tế tin tưởng, tín nhiệm đề cử đăng cai, tổ chức nhiều hội nghị quốc tế lớn và đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế quan trọng.
Những thành công đó có được trước hết là nhờ sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương, sự triển khai chủ động, tích cực, sáng tạo, trên dưới đồng lòng của ngành ngoại giao; đồng thời, cũng có phần đóng góp quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, góp phần duy trì bức tranh dư luận quốc tế tươi sáng về Việt Nam trong thời gian qua.
Một số đóng góp nổi bật của thông tin đối ngoại có thể kể đến như sau:
Trước hết, thông tin đối ngoại đã làm tốt nhiệm vụ giới thiệu chủ trương, đường lối, chính sách, quan điểm, lập trường, tình hình mọi mặt của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Công tác thông tin đối ngoại đã được triển khai thường xuyên, chủ động, tích cực, bài bản từ Trung ương tới địa phương, cả ở trong và ngoài nước.
Những nỗ lực đó đã giúp dư luận quốc tế có thêm thông tin về Việt Nam, chia sẻ và ủng hộ lập trường của Việt Nam trong nhiều vấn đề, đánh giá Việt Nam là một đối tác năng động, chủ động và có trách nhiệm.
Thứ hai, thông tin đối ngoại đã góp phần vào công cuộc phục hồi và phát triển trong bối cảnh đất nước và thế giới mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19. Bộ Ngoại giao và 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên quảng bá về môi trường thuận lợi cho đầu tư – thương mại, điểm đến an toàn hấp dẫn cho du lịch, quảng bá nét đẹp văn hoá, con người Việt Nam... bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức các cuộc hội thảo, các hoạt động xúc tiến, triển lãm ở sở tại, tổ chức các chuyến đi thực tế cho phóng viên nước ngoài tại các địa phương trong nước, thu xếp truyền thông quốc tế phỏng vấn Lãnh đạo cấp cao, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
Nhiều Đại sứ phát huy vai trò “tuyến đầu”, chủ động tiếp xúc, trả lời phỏng vấn, tận dụng truyền thông mạng xã hội để tiếp cận sâu rộng với công chúng... Có thể nói, ngay cả trong những lúc khó khăn nhất khi dịch bệnh hoành hành, dư luận nước ngoài vẫn có nhiều nhận định lạc quan về triển vọng phát triển của Việt Nam và đến nay, vẫn coi Việt Nam là “kỳ quan” trong bức tranh kinh tế thế giới ảm đạm.
Thứ ba, thông tin đối ngoại đã góp phần kiên quyết, kiên trì đấu tranh với những hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông; kịp thời phản bác những thông tin bịa đặt, sai sự thật của các thế lực thù địch nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông được dư luận quốc tế ủng hộ, đánh giá cao.
Thứ tư là trong lĩnh vực quyền con người, Việt Nam vẫn được cộng đồng quốc tế nhìn nhận khách quan, tích cực mà minh chứng rõ ràng là việc Việt Nam lần thứ hai bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết, để đạt được những thành tích như đã nêu, công tác thông tin đối ngoại đã phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nào? Xin cho biết những điểm nổi bật của công tác thông tin đối ngoại thời gian qua?
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Khó khăn, thách thức thì có nhiều nhưng tôi chỉ xin nêu một số vấn đề nổi bật nhất.
Trước hết, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, truyền thông cũng trở thành một “mặt trận”, cạnh tranh giữa các nước trong truyền thông, thông tin đối ngoại đang trở nên khốc liệt chưa từng thấy. Bối cảnh đó đòi hỏi truyền thông, thông tin đối ngoại của ta phải vững vàng, cân bằng, thể hiện được lập trường quan điểm của ta và nhất là tránh bị cuốn vào “cuộc chiến truyền thông” giữa các nước.
Thứ hai, chúng ta đang sống trong thời đại của truyền thông mới, truyền thông mạng xã hội, khi mà mỗi người đều là “nhà báo mạng xã hội”, có thể là một nguồn phát tin hay là một kênh truyền tin; mỗi người dân đều có thể tiếp cận với nhiều thông tin trên khắp thế giới.
Bên cạnh đó, môi trường truyền thông cũng hết sức phức tạp, thông tin thật giả lẫn lộn. Thông tin đối ngoại theo đó cần phải không ngừng đổi mới, đón đầu xu thế, ứng dụng công nghệ mới, để thông tin chính thống vẫn phải là dòng chủ lưu, lan tỏa rộng hơn, nhanh chóng hơn, hấp dẫn hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của người dân trong và ngoài nước, không để mất mặt trận dư luận.
Thứ ba, các thế lực thù địch không ngừng tìm cách chống phá, phát tán những thông tin bịa đặt, sai sự thật, không được kiểm chứng về Đảng và Nhà nước, tìm cách chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, bôi nhọ, phá hoại hình ảnh Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế. Thông tin đối ngoại do đó cũng cần kịp thời phát hiện, triển khai đấu tranh, phản bác, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch một cách thuyết phục.
Để khắc phục, vượt qua những khó khăn đó, quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực thông tin đối ngoại, Bộ Ngoại giao đã xác định thông tin đối ngoại là một lĩnh vực quan trọng bên cạnh ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, triển khai công tác thông tin đối ngoại vừa chủ động, tích cực, vừa bài bản, lớp lang, vừa không ngừng đổi mới, sáng tạo. Có thể kể tới một số điểm nổi bật như sau:
Một là, với việc coi thông tin đối ngoại đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc triển khai chính sách đối ngoại và với thực tế triển khai, Bộ Ngoại giao đã kiến nghị và được bổ sung nhiệm vụ “chủ trì triển khai tuyên truyền về các hoạt động đối ngoại” trong Nghị định 81/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao ban hành tháng 10/2022, làm cơ sở để tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng chuẩn hoá các cơ chế chỉ đạo, quy trình công tác, quy trình về công tác thông tin đối ngoại.
Hai là, Bộ Ngoại giao luôn làm tốt công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong và ngoài nước. Trong những năm qua, mỗi năm, Bộ Ngoại giao trung bình tổ chức khoảng 20 cuộc họp báo thường kỳ (kể cả trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19), trả lời 200 – 300 câu hỏi của phóng viên, phát trên dưới 1.000 tin, thông tin các chủ trương, chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực; khẳng định lập trường, quan điểm trong các vấn đề liên quan tới quyền và lợi ích của quốc gia; phản bác, đấu tranh những luận điệu chống phá, xuyên tạc do các thế lực thù địch đưa ra.
Ba là, Bộ Ngoại giao đã tạo được “thương hiệu riêng” trong hợp tác với phóng viên nước ngoài. Trong năm qua, Bộ Ngoại giao đã tổ chức 8 đoàn phóng viên thường trú và tùy viên báo chí các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam đi thực tế tại các địa phương, tăng 6 chuyến so với năm 2021. Các hoạt động của các chuyến đi đa dạng, phù hợp với nhu cầu tuyên truyền đối ngoại của từng địa phương, từng thời điểm, được các địa phương và đoàn đánh giá cao về ý nghĩa và hiệu quả.
Bốn là, Bộ Ngoại giao đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thông tin đối ngoại như đề xuất sáng kiến triển khai Trung tâm Báo chí trực tuyến cho phóng viên nước ngoài đưa tin Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khiến phóng viên nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam; tổ chức họp báo thường kỳ theo hình thức trực tuyến khi dịch còn căng thẳng; từng bước xây dựng hệ thống các tài khoản mạng xã hội chính thức của Bộ Ngoại giao giúp thông tin được lan tỏa nhanh chóng, không bị gián đoạn trong bất kỳ hoàn cảnh nào; số hóa dữ liệu phóng viên nước ngoài vào Việt Nam; đưa các thủ tục hành chính liên quan đến phóng viên nước ngoài lên cổng dịch vụ công quốc gia.
PV: Năm 2023, dự báo tình hình khu vực và thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, đối mặt với nhiều rủi ro cả về chính trị - an ninh – kinh tế. Xin Thứ trưởng cho biết định hướng thông tin đối ngoại trong thời gian tới là gì?
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Năm 2023, khu vực và thế giới sẽ phải đối mặt với những thách thức gay gắt hơn, nhiều rủi ro hơn xuất phát từ các yếu tố như cạnh tranh chiến lược nước lớn, suy giảm kinh tế toàn cầu, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… Về truyền thông, “chiến tranh thông tin” sẽ ngày càng quyết liệt. Bối cảnh đó đặt ra những thách thức gay gắt và yêu cầu ngày càng cao đối với công tác thông tin đối ngoại.
Công tác thông tin đối ngoại sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và đổi mới, trong đó có đẩy mạnh chuyển đổi số, tìm kiếm các biện pháp, phương thức mới để nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, đưa các nội dung thông tin đối ngoại của Việt Nam vào các sản phẩm văn hóa đại chúng, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu thông tin của từng quốc gia, từng khu vực, từ đó đưa thông tin về Việt Nam lan tỏa hơn nữa. Cụ thể là:
Thứ nhất, chúng ta sẽ tích cực triển khai tuyên truyền về các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp, khẳng định theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới, vì sự phát triển, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; nhấn mạnh Việt Nam “chọn công lý và lẽ phải”, “không chọn bên”.
Thứ hai, chúng ta cũng sẽ tích cực triển khai các đề án, kế hoạch về thông tin đối ngoại nhằm nâng cao khả năng chỉ đạo, điều hành và phối hợp giữa Bộ Ngoại giao với các bộ, ban, ngành, địa phương, giữa các đơn vị trong Bộ và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ ba, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh thông tin đối ngoại trên báo chí bằng tiếng nước ngoài, không chỉ dừng lại ở mức cung cấp thông tin, mà cần có những bài viết chuyên sâu, có lập luận, có khả năng tác động tới dư luận quốc tế. Để làm được điều này cần có sự phối hợp, chung tay của các Bộ, Ngành, các Viện nghiên cứu và quan trọng hơn cả đó là sự đầu tư về nguồn lực.
Và cuối cùng, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác thông tin đối ngoại nhằm tăng cường liều lượng, mở rộng đối tượng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đưa thông điệp của Việt Nam lan tỏa tới ngày càng nhiều đối tượng hơn nữa trong cộng đồng quốc tế.
PV: Hiện nay chuyển đổi số đã trở thành một xu thế diễn ra mạnh mẽ cả trong và ngoài nước. Xin Thứ trưởng cho biết Bộ Ngoại giao đã triển khai chuyển đổi số trong công tác thông tin đối ngoại như thế nào?
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng chuyển đổi số đã không còn là một khái niệm mới, xu thế mới, mà đã trở thành một thực tế, đòi hỏi tất yếu trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống, trong đó có lĩnh vực thông tin đối ngoại.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc ứng dụng chuyển đổi số vào công tác thông tin đối ngoại, thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã tích cực triển khai nhiều biện pháp, đồng thời xây dựng các kế hoạch cụ thể để phát huy hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.
Có thể nói, Bộ Ngoại giao là một trong những cơ quan đi đầu trong việc ứng dụng chuyển đổi số, khai thác và phát huy truyền thông mạng xã hội trong công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại. Từ năm 2015, Bộ Ngoại giao đã tiến hành khởi tạo và sử dụng mạng xã hội trong thông tin tuyên truyền và đến nay, đang vận hành 7 tài khoản trên các nền tảng phổ biến nhất như Facebook (bằng tiếng Việt), Twitter (bằng tiếng Anh), góp phần lan tỏa thông tin tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng hơn, ở nhiều địa bàn hơn và nhất là tác động tới giới trẻ.
Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, để thích ứng với tình hình mới, biến thách thức thành cơ hội, Bộ Ngoại giao đã chủ động triển khai nền tảng số trong các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại. Kể cả trong giai đoạn giãn cách toàn xã hội, chưa có một cuộc họp báo thường kỳ nào của Bộ Ngoại giao phải hoãn, hủy mà đã được nhanh chóng chuyển sang hình thức trực tuyến. Khi các hoạt động đối ngoại chuyển sang hình thức ngoại giao điện đàm, hội nghị trực tuyến hoặc hình thức nửa trực tiếp nửa trực tuyến, công tác thông tin, tuyên truyền cũng kịp thời thích ứng, đồng hành phục vụ.
Tại Đại hội Đảng XIII, Bộ Ngoại giao đã chủ động có sáng kiến thành lập trung tâm báo chí trực tuyến – “trung tâm báo chí ảo” trong bối cảnh phóng viên nước ngoài không vào được Việt Nam đưa tin trực tiếp.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài ngày càng chú trọng việc triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại, quảng bá trực tuyến như họp, họp báo, hội nghị, tọa đàm kết nối doanh nghiệp trong nước và sở tại. Nhiều cơ quan đại diện và Trưởng cơ quan đại diện đã chủ động, tích cực ứng dụng mạng xã hội trong thông tin, tuyên truyền và đạt hiệu quả cao. Trang Page Vietnam Embassy Delhi cuả Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cán mốc 1 triệu lượt đọc, đứng đầu bảng tìm kiếm của Google về các thông tin liên quan.
Bộ Ngoại giao cũng tâp trung nghiên cứu chuyên sâu về chuyển đổi số trong thong tin đối ngoại với Đề tài nghiên cứu cấp Bộ về “Chuyển đổi số trong công tác thông tin đối ngoại: thực trạng, vấn đề đặt ra và kiến nghị giải pháp” đã được bảo vệ xuất sắc.
Đây là công trình nghiên cứu khoa học có hệ thống đầu tiên của Bộ Ngoại giao về chuyển đổi số trong công tác thông tin đối ngoại với hệ thống lý luận cũng như nhóm các biện pháp thực tiễn giúp tiếp tục phát huy công tác này trong thời gian tới. Bên cạnh công tác nghiên cứu, chúng ta cũng hết sức chú trọng công tác đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ để từng bước xây dựng lực lượng nắm vững các kỹ năng chuyển đổi số và triển khai các phương thức truyền thông mới.
Để phát huy hơn nữa những lợi thế của chuyển đổi số trong công tác thông tin đối ngoại, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và đồng bộ triển khai hệ sinh thái mạng xã hội của Bộ. Đây là sáng kiến được xây dựng với mục đích đưa những thông tin, hình ảnh về công tác đối ngoại của đất nước đến với đông đảo hơn các tầng lớp nhân dân trong một “diện mạo” gần gũi, dễ tiếp cận hơn, phù hợp với xu hướng tiếp cận thông tin trên các phương tiện truyền thông mới hiện nay.
Bộ Ngoại giao cũng sẽ chú trọng việc xây dựng nội dung, cách trình bày thông điệp phù hợp với môi trường mạng xã hội, trong đó hướng tới đẩy mạnh các nội dung bằng hình ảnh, clip ngắn, infographic, phát huy hiệu quả những cán bộ ngoại giao có sức ảnh hưởng nhất định trên các nền tảng mạng xã hội (KOLs) để lan toả các thông điệp đối ngoại đến nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Song song với đầu tư cho chất lượng và hiệu quả thông tin, Bộ Ngoại giao cũng hướng tới tích hợp nhiều hơn các công cụ quản trị, phân tích, đánh giá trên mạng xã hội để kịp thời lắng nghe và điều chỉnh cách thể hiện thông điệp cho phù hợp với nhu cầu tiếp nhận của công chúng.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng./.
Từ khóa: thông tin đối ngoại, đối ngoại Việt Nam 2022, luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch về Việt Nam, lập trường của Việt Nam về biển Đông
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN