“Thủ phủ chăn nuôi” miền Bắc chủ động chống dịch Covid-19
Cập nhật: 23/02/2020
Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/1
Nhận định chứng khoán 16/1: VN-Index có thể sẽ thử thách mức 1.240 điểm
VOV.VN - Bên cạnh việc triển khai tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi, công tác bảo vệ đàn vật nuôi trước nguy cơ dịch Covid-19 là hết sức quan trọng.
Thành lập các đoàn kiểm tra đôn đốc công tác phòng chống dịch trên gia súc, gia cầm, tiêm phòng vacine cúm gia cầm song song với thực hiện “Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng” kết hợp phun thuốc khử trùng ngăn chặn dịch Covid-19. Đó là những giải pháp đã và đang được các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đồng loạt triển khai.
Tỉnh Bắc Giang không chỉ chú trọng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường tại các nơi công cộng, chợ, điểm buôn bán giết mổ gia súc, gia cầm, khu chăn nuôi mà còn lồng ghép phun thuốc khử trùng phòng chống dịch Covid-19.
Bà Hà Ngọc Hoa, Phó trưởng phòng kinh tế TP Bắc Giang cho biết, trên địa bàn thành phố có khoảng 15 chợ trong quy hoạch, ngoài ra những chợ nhỏ lẻ cũng triển khai phun sát trùng toàn bộ.
«Nhìn chung các hộ tiểu thương thực hiện nghiêm túc, kinh doanh xong phải dọn dẹp sạch sẽ. Tiêu độc khử trùng được lồng ghép với phun thuốc phòng chống dịch Covid-19, bởi vì chợ là nơi tập trung buôn bán đông người», bà Hoa nói.
Bắc Giang chú trọng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường tại các khu chăn nuôi phòng chống dịch Covid-19. |
Sử dụng vôi bột sát khuẩn môi trường xung quanh chuồng trại, thực hiện nghiêm việc cách ly khu chăn nuôi với bên ngoài, luôn cho gia súc, gia cầm ăn đủ khẩu phần và tiêm phòng đầy đủ các loại vacine phòng bệnh là những biện pháp đã và đang được các cơ sở chăn nuôi lớn của tỉnh Bắc Giang áp dụng hiện nay.
Anh Vi Hoài Nam, phụ trách kỹ thuật cơ sở chăn nuôi Nguyễn Văn Qúy, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cho biết, với quy mô 350 con lợn thịt, gần 10.000 vịt bố mẹ, các biện pháp an toàn sinh học đảm bảo an toàn dịch bệnh được cơ sở chăn nuôi đặc biệt chú trọng.
«Công ty phải quản lý được an toàn sinh học, thường xuyên tiêu độc khử trùng, quản lý cách ly khu vực nuôi với người ra vào. Ngoài ra bổ sung vitamin cho đàn vật nuôi. Con giống hiện nay lấy từ trại lợn bố mẹ của công ty đã được tiêm phòng đầy đủ», anh Nam cho biêt.
Với tổng đàn gia cầm gần 18 triệu con, trong đó chủ yếu là gà nên công tác phòng, chống dịch bệnh đặc biệt là dịch cúm gia cầm luôn được Bắc Giang quan tâm triển khai. Đến nay, các huyện thành phố của tỉnh Bắc Giang đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2020, kế hoạch tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm, phấn đấu tiêm phòng bảo đảm đạt 100% gia cầm thuộc diện phải tiêm.
Ông Lê Văn Dương, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Bắc Giang cho rằng, trong phòng chống dịch phải chú trọng giám sát sự lưu hành của virus và không lơ là chủ quan nhất là ở những nơi có ổ dịch cũ có nguy cơ tái phát cao. Chi cục đã cấp 8.900 lít hóa chất cho các huyện, thành phố để triển khai “Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường” và 925.000 liều vacine để tiêm phòng đàn gia cầm.
«Ngoài các biện pháp dùng vacine chủ động tiêm phòng và hóa chất thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, chăn nuôi an toàn sinh học, công tác giám sát từ xa để phát hiện sớm các dịch bệnh được Bắc Giang chủ động triển khai. Ngành nông nghiệp đã thành lập đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch và giám sát dịch bệnh tại các địa phương, Chi cục Chăn nuôi - Thú y cũng thành lập 10 tổ công tác cùng với các cơ quan chuyên môn của cấp huyện chỉ đạo cán bộ thú y các xã, phường, thị trấn và các thôn, bản thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát dịch bệnh, chủ động phát hiện sớm để xử lý một cách kịp thời, chính xác hơn», ông Dương thông tin.
Đến nay, dịch cúm gia cầm đã ghi nhận các ổ dịch nhỏ lẻ chưa qua 21 ngày tại 5 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Trà Vinh, tổng số gia cầm chết bị tiêu hủy là gần 60.000 con.
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, đến nay dịch tả lợn Châu Phi đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới. Với quy mô đàn gia cầm gần 18 triệu con; tổng đàn lợn hơn 800.000 con, xếp thứ 3 cả nước về chăn nuôi gia súc, gia cầm, điều kiện thời tiết nóng ẩm hiện nay rất dễ phát sinh nguy cơ dịch bệnh.
Bắc Giang cũng là địa phương tiếp giáp với một số địa phương vừa ghi nhận dịch cúm gia cầm như: Hà Nội, Bắc Ninh, vì vậy, bên cạnh việc triển khai tái đàn lợn sau khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, công tác bảo vệ đàn vật nuôi trước nguy cơ dịch bệnh là hết sức quan trọng.
«Trong thời điểm hiện nay, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang khuyến cáo bà con nông dân tái đàn vừa phải, tránh tái đàn với quy mô lớn để giảm bớt áp lực về dịch bệnh. Đồng thời quan tâm hướng dẫn nông dân thực hiện cấp phòng, chống dịch, tránh tâm lý chủ quan coi thường dịch bệnh. Chủ động tuyên truyền, hướng dẫn qua hệ thống loa truyền thanh các thôn, bản để bà con nắm bắt diễn biến dịch bệnh qua đó chủ động phòng chống», ông Tùng chỉ rõ.
Trước diễn biến của dịch cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, những yếu tố làm dịch cúm dễ xảy ra ở Việt Nam như mầm bệnh ở nhiều nơi, mật độ chăn nuôi cao, thời tiết cực đoan, tập quán buôn bán, giết mổ lạc hậu...Vì vậy, các địa phương không chủ quan, phải quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống dịch, vì nếu dịch xảy ra ở điểm nhỏ lẻ mà lơ là thì nguy cơ lây lan, bùng phát và thiệt hại là rất lớn./.
Sau “bão” dịch tả châu Phi, bao giờ ngành chăn nuôi lợn phục hồi?
Từ khóa: dịch covid-19, chăn nuôi bắc giang, tái đàn, vệ sinh phòng dịch, chợ dân sinh
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN