Thủ khoa ĐH KHTN (ĐHQG Hà Nội) vượt nghìn cây số theo đuổi đam mê

Cập nhật: 23/09/2021

[VOV2] - Lê Phạm Ngọc Lâm, trường THPT Long Thành (Đồng Nai) từng lọt top 10 thí sinh có điểm đánh giá năng lực cao nhất do ĐHQG TP.HCM tổ chức. Nhưng với điểm thi khối A01 đạt 28.45, Lâm đã chọn trường đại học KHTN (ĐHQG Hà Nội) để theo đuổi đam mê.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 khép lại, Lê Phạm Ngọc Lâm, học sinh trường THPT Long Thành (Đồng Nai) không bất ngờ khi đạt 28.45 điểm tổ hợp A01 (Toán: 9,4; Vật lý: 8,75; Tiếng Anh: 9,8; điểm cộng khu vực 2 nông thôn: 0,5).

Tuy nhiên, cậu học sinh này thực sự bất ngờ khi đại diện trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) gọi điện thông báo, em trở thành thủ khoa của trường khi là thí sinh có mức điểm cao nhất đặt nguyện vọng vào trường.

Hạnh phúc hơn khi Lê Phạm Ngọc Lâm được trường đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) xét tuyển theo học chương trình Cử nhân khoa học tài năng ngành Vật lý - chương trình học dành cho những thí sinh có điểm xét tuyển đầu vào cao và đạt nhiều thành tích tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Olympic quốc tế.

Điều đặc biệt, trước khi trúng tuyển và trở thành thủ khoa của trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), Lê Phạm Ngọc Lâm đã “chắc chân” tại trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP. Hồ Chí Minh) khi đã đủ điều kiện để trúng tuyển vào 2 ngành Công nghệ thông tin (theo phương thức xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực) và ngành Vật lý (xét tuyển theo phương thức học bạ).

Ngọc Lâm cho biết, tại kỳ thi đánh giá năng lực do trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào đầu năm 2021, em đạt 1.059/1200 điểm và lọt top 10 thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực cao nhất. Tuy nhiên, Lâm chia sẻ, bản thân rất thích theo học các ngành khoa học cơ bản, đặc biệt là ngành Vật Lý nên đã quyết định theo học ngành Vật lý của trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) để theo đuổi đam mê.

“Nếu theo học các ngành về kỹ thuật chắc chắn em sẽ chọn một trường ở TP. Hồ Chí Minh để học. Tuy nhiên, em rất thích theo học khoa học cơ bản và trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) là trường hàng đầu về đào tạo những ngành khoa học cơ bản này. Đây cũng là cơ hội để mình sống tự lập, thử thách bản thân và trưởng thành hơn”, Lê Phạm Ngọc Lâm chia sẻ.

Đánh giá về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Lê Phạm Ngọc Lâm cho rằng, đối với các môn Toán, Lý, Hóa để đạt được 8 điểm không phải là khó. Tuy nhiên, so với đề thi năm 2020, đề năm nay để đạt được trên 8 điểm là điều không dễ chút nào. Để đạt được thành tích trên 28 điểm tại kỳ thi tốt nghiệp THPT là cả một quá trình tích lũy về kiến thức.

“Em là học sinh không thích học thêm. Chỉ đến cuối năm lớp 12, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, em có đăng ký theo học một khóa học trực tuyến thôi. Em không thích đi học thêm vì rất áp lực và mất nhiều thời gian”, Lê Phạm Ngọc Lâm cho biết.

Trong suốt 3 năm học THPT, Lê Phạm Ngọc Lâm đều là học sinh giỏi. Đặc biệt, năm lớp 11, Lâm đoạt giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh môn Vật lý; năm lớp 12 đoạt giải Nhì học sinh giỏi môn Hóa học.

Chọn học trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cũng có nghĩa, Lê Phạm Ngọc Lâm phải vượt hơn 1000 cây số để ra Hà Nội theo học. Những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu về môi trường, địa lý, con người, thời tiết… là điều mà cậu học sinh trường THPT Long Thành (Đồng Nai) sẽ gặp phải. Nhưng Ngọc Lâm cho rằng, những khó khăn này là rất nhỏ so với ước mơ, sự nghiệp của mình.

“Khi em quyết định ra Hà Nội theo học bố mẹ khá buồn và lo lắng. Bởi bố mẹ nào cũng không muốn xa con. Nhưng dù buồn thì bố mẹ em vẫn ủng hộ và không hề có sự ngăn cản nào cả. Em có chia sẻ, hàng năm đều về thăm gia đình nhiều lần và sau khi ra trường sẽ trở về quê nhà làm việc, điều này cũng tạo sự yên tâm cho bố mẹ”, Lê Phạm Ngọc Lâm tâm sự.  

Nói về mục tiêu trong tương lai, Lê Phạm Ngọc Lâm cho biết, em mong muốn đi theo con đường nghiên cứu và trở thành nhà khoa học Vật lý, ngành học mà em đã lựa chọn.

Trao đổi với phóng viên VOV2 (Đài TNVN), GS.TS. Lê Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cho biết, những thí sinh thủ khoa đầu vào chắc chắn sẽ giành được suất học bổng của trường.

Đặc biệt, với những thí sinh đạt thành tích giỏi, trường sẽ xét tuyển vào chương trình Cử nhân khoa học tài năng. Đây là chương trình đào tạo có bề dày truyền thống của trường, tập trung nhiều GS, PGS giảng dạy; có môn học, chương trình đào tạo nâng cao; được trao đổi khoa học với các nhà khoa học quốc tế; được hưởng chế độ học bổng của nhà nước cũng như nhiều chính sách đãi ngộ khác. 

"Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo Cử nhân khoa học tài năng của trường đã thành đạt, tiếp tục theo học, nghiên cứu tại các trường đại học hàng đầu thế giới như trường Polytechnique của Pháp, viện công nghệ MIT của Mỹ. Hoặc trở thành giảng viên, nghiên cứu viên tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trọng điểm của nhà nước", GS.TS. Lê Thanh Sơn cho biết.

GS.TS Lê Thanh Sơn cũng cho biết, điểm chuẩn xét tuyển đại học chính quy vào trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cao hơn năm 2020. Thậm chí có ngành điểm chuẩn cao gần 5 năm điểm so với năm trước là một tín hiệu đáng mừng khi nhiều học sinh giỏi đã quan tâm trở lại với khoa học cơ bản, với môi trường học thuật, hàn lâm. Bởi khoa học cơ bản là nền tảng, là trụ cột phát triển của quốc gia. 

Từ khóa: Thủ khoa, tuyển sinh, trúng tuyển, Cử nhân Khoa học tài năng, đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập