Thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động
Cập nhật: 2 giờ trước
Có 1 triệu xe ô tô bị từ chối kiểm định
Tai nạn giao thông giảm 3 tiêu chí trong 1 tháng thực hiện Nghị định 168
VOV.VN - Nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại tỉnh Quảng Nam ngày càng tăng, nhất là người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và giảm nghèo cho người dân.
Gia đình chị Hồ Thị Hạnh, người dân tộc Ca Dong ở xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam vài năm trước thuộc diện hộ nghèo, đông con, quanh năm lao động vất vả nhưng lúc nào cũng túng thiếu. Năm 2023, chị Hạnh đăng ký đi xuất khẩu lao động làm việc tại Saudi Arabia , mỗi thàng thu nhập gần 20 triệu đồng. Sau khi đi xuất khẩu lao động trở về địa phương, chị Hồ Thị Hạnh có tiền làm nhà, mua sắm ti vi, vật dụng trong nhà, lo cho các con ăn học, có vốn làm chuồng trại nuôi gà, vịt, heo… “Tôi đi xuất khẩu lao động hơn 2 năm, hàng tháng gửi tiền về lo cho các con ăn học. Nhờ đó có thêm tiền làm nhà, cuộc sống hiện giờ đỡ hơn trước”.
Xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam có 340 hộ, đa phần là đồng bào dân tộc Ca Dong, tỷ lệ hộ nghèo còn 14%. Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều hộ dân tại địa phương này đã chọn hướng đi lao động ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Thành Liêm, Chủ tịch UBND xã Phước Gia cho biết, nhờ đi xuất khẩu lao động, người dân có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống tốt hơn. “Tại địa phương, người dân đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài về nước có của để dành. Sau khi về nước họ tạo thói quen làm việc và tư duy kinh tế rất tốt. Tỉnh, huyện và địa phương quan tâm tạo điều kiện, hầu hết 100% các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn đi xuất khẩu lao động, đào tạo nghề và sản xuất kinh doanh. Thời gian tới, địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền vận động người dân, định hướng một số thanh niên tiếp cận với ngoại ngữ với tin học và đăng ký tham gia các sàn giao dịch việc làm".
Năm 2024, huyện Hiệp Đức có gần 80 lao động đi làm việc ở nước ngoài như Hàn Quốc, Lào và Saudi Arabia..., thu nhập bình quân từ 20 triệu đến 25 triệu đồng/người/ tháng. Các ngành nghề chủ yếu được giới thiệu như trồng trọt, chế biến thủy hải sản.
Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam cho biết, sau thời gian lao động ở nước ngoài trở về, người lao động có tiền tích lũy, nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu. “Hàng năm, huyện phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam tổ chức sàn giao dịch việc làm, thông qua các kênh khác như đào tạo đã hỗ trợ tạo điều kiện cho người lao động. Xuất khẩu lao động, sau khi về đời sống thay đổi, nhiều gia đình đầu tư xây nhà, mua xe máy. Thời gian đến, địa phương sẽ tuyên truyền đến người dân đi xuất khẩu lao động, góp phần tăng thu nhập cho người dân”.
Số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh Quảng Nam ngày càng tăng. Năm ngoái, tỉnh Quảng Nam có 1.714 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 658 lao động nữ. Năm nay, tỉnh này có kế hoạch đưa 1.800 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về và làm việc trên địa bàn.
Ông Nguyễn Quí Quý, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam cho biết: “Việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, thời gian vừa qua được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Đây là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững vươn lên làm giàu, đặc biệt các hộ dân vùng miền núi. Công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2022-2025 là đưa khoảng 5 ngàn lao động. Công tác đưa lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng, đối với Quảng Nam có nhiều chuyến biến tích cực, lan tỏa và ngày càng tăng; thu nhập và đời sống của họ cải thiện rất nhiều, có tích lũy, chuyển đổi được nghề nghiệp và mở rộng sản xuất”.
Từ khóa: Xuất khẩu, lao động, Xuất khẩu, thoát nghèo,xuất khẩu lao động,việc làm
Thể loại: Xã hội
Tác giả: tuyết lê/vov- miền trung
Nguồn tin: VOVVN