Thỏa thuận khai khoáng với Mỹ đặt ra bài toán khó cho Ukraine

Cập nhật: 4 giờ trước

VOV.VN - Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nỗ lực thúc đẩy Kiev ký một thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận nguồn khoáng sản đất hiếm của Ukraine để đổi lấy viện trợ quân sự từ Washington, đặt ra một bài toán khó cho nhà lãnh đạo Zelensky.

Ukraine sở hữu trữ lượng đáng kể các khoáng sản có giá trị, bao gồm lithium (chiếm 2% trữ lượng toàn cầu), graphite (4%), niken (0,4%), mangan, urani và kim loại đất hiếm. Đặc biệt, quốc gia này được cho là nắm giữ tới 20% trữ lượng titan của thế giới. Tuy nhiên, gần 40% mỏ khoáng sản quan trọng này hiện nằm trong những khu vực hiện do Nga kiểm soát hoặc ở các khu vực tiền tuyến, gây cản trở đến các nỗ lực khai khoáng.

Ukraine lâu nay gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành khai khoáng. Thành công đáng kể duy nhất đến nay là thương vụ tư nhân hóa nhà máy luyện kim Krivoy Rog vào giữa những năm 2000. Thêm vào đó, phần lớn các công ty phương Tây vẫn dè dặt với các dự án mới, một phần do Điều 13 Hiến pháp Ukraine quy định rõ ràng việc cấm tư nhân hóa tài nguyên thiên nhiên.

Ông Trump làm đảo lộn dự tính của Ukraine

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham - một người ủng hộ lâu năm đối với quan hệ Mỹ-Ukraine, đã đề xuất ý tưởng sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản của Kiev để đảm bảo sự hỗ trợ của quân đội Mỹ. Ông Graham nhận định rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có cách thức điều hành chính quyền theo "kiểu một doanh nhân" và luôn tìm kiếm các thỏa thuận mang lại lợi ích cho Washington. Ông Graham gợi ý Ukraine nên đưa ra một đề nghị đủ hấp dẫn để thuyết phục ông Trump đầu tư vào ngành quốc phòng của Kiev. Theo đó, nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào của Ukraine cũng là một thỏa thuận đáng cân nhắc. 

Nhóm của Tổng thống Zelensky nhanh chóng nắm bắt ý tưởng này và lên kế hoạch trình bày với ông Trump về một thỏa thuận khoáng sản một khi ông trở lại Nhà Trắng. Kiev tin rằng một thỏa thuận như vậy có thể mang lại cho quốc gia này nguồn tài trợ vũ khí, nguồn đầu tư, công nghệ khai thác hiện đại và thậm chí là sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đất Ukraine, RT dẫn một nguồn tin thân cận với chính phủ Ukraine cho biết.

Tuy nhiên, ông Trump lại hành động khác với suy tính của Kiev. Theo các báo cáo từ truyền thông phương Tây, đề xuất của ông Trump yêu cầu Ukraine phải nhượng lại tài nguyên khoáng sản như một khoản bồi thường cho hàng tỷ USD viện trợ quân sự từ Mỹ. Đổi lại, không có bất kỳ cam kết nào về các lô vũ khí trong tương lai hay đảm bảo an ninh dành cho nước này. Theo cây viết Sergey Poletaev của RT, "đối với ông Zelensky, người đã dành ba năm qua để tìm kiếm sự bảo đảm từ phương Tây, đây là một cú sốc lớn".

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm tại Hội nghị An ninh Munich, khi ông Zelensky gặp Phó Tổng thống Mỹ JD Vance. Vấn đề khoáng sản trở thành trọng tâm của cuộc thảo luận và khi ông Zelensky tiếp tục từ chối ký kết, phía Mỹ công khai bày tỏ sự thất vọng.

Không có gì ngạc nhiên khi điều này dẫn đến phản ứng gay gắt từ Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio. Ông tuyên bố rằng bản thân "cực kỳ khó chịu" với cách cuộc đàm phán diễn ra, đồng thời cho rằng lập trường của ông Zelensky đã thay đổi.

Không có thỏa thuận nào nếu không có Nga

Ngay cả khi Ukraine cuối cùng chấp nhận ký kết một thỏa thuận, khả năng ông Trump thu được lợi ích vẫn rất mong manh.

Trước hết, bất kỳ dự án khai thác quy mô lớn nào cũng đòi hỏi sự hợp tác từ Nga. Ông Trump sẽ cần Tổng thống Vladimir Putin đảm bảo rằng các mỏ do Mỹ kiểm soát sẽ không trở thành mục tiêu quân sự. Mặc dù điều này không phải là không thể nhưng nó chỉ có thể diễn ra trong khuôn khổ một thỏa thuận rộng lớn hơn giữa Washington và Moscow. Hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng, khả năng triển khai quân đội Mỹ hoặc các nhà thầu quân sự tư nhân để bảo vệ các mỏ khoáng sản rất nhỏ. Điện Kremlin chắc chắn sẽ không chấp nhận một kịch bản như vậy.

Bên cạnh những rủi ro an ninh, khả năng sinh lợi cũng là một trở ngại lớn. Khai thác kim loại đất hiếm vốn là một ngành có biên lợi nhuận thấp và trữ lượng dồi dào không đồng nghĩa với việc khai thác có lãi. Nhiều mỏ giàu tiềm năng nhất của Ukraine đã bị khai thác cạn kiệt, rơi vào quyền kiểm soát của Nga hoặc nằm ở những khu vực đang diễn ra giao tranh. Việc phát triển các mỏ mới sẽ đòi hỏi khoản đầu tư lên đến hàng chục tỷ USD - một viễn cảnh gần như bất khả thi trong bối cảnh bất ổn hiện nay.

Tình huống này gợi nhớ đến đề xuất năm 2017 của Tổng thống Trump về việc khai thác kim loại đất hiếm tại Afghanistan, nơi ông tin rằng có thể giúp bù đắp nguồn viện trợ của Mỹ dành cho quốc gia này. Dù các ước tính cho thấy Afghanistan sở hữu hơn 1.000 tỷ USD tài nguyên khoáng sản chưa khai thác nhưng không một công ty Mỹ nào từng kiếm được lợi nhuận từ thương vụ tưởng chừng như béo bở này. 

Thế tiến thoái lưỡng nan của ông Zelensky

Vậy tại sao ông Trump lại dành sự quan tâm đặc biệt cho nguồn tài nguyên khoáng sản ở Ukraine?

Theo ông Poletaev, một trong những lý do quan trọng nằm ở tư duy kinh doanh của ông Trump. Tổng thống Mỹ luôn tìm kiếm những thỏa thuận tiềm năng, ngay cả khi phần lớn không trong số chúng "khó trở thành hiện thực". Tuy nhiên, trong trường hợp của Ukraine, đây cũng là một phép thử dành cho ông Zelensky: Tổng thống Ukraine sẵn sàng nhượng bộ đến đâu để nâng cao vị thế trên bàn đàm phán với Nga, với Mỹ là một bên trung gian hòa giải?

Nếu ông Zelensky chấp nhận ký kết, ông Trump sẽ có trong tay một chiến thắng chính trị mới. Ông Poletaev cho rằng, Tổng thống Trump có thể tuyên bố rằng viện trợ quân sự không còn là "một món quà miễn phí" mà đã trở thành "một thương vụ có lợi cho nước Mỹ".

"Thậm chí, Mỹ không cần khai thác một tấn khoáng sản nào. Chỉ riêng việc ký kết một thỏa thuận khai khoáng với Ukraine cũng đem lại thành công chính trị cho ông Trump", ông Poletaev  nhận định.

Nhưng với ông Zelensky, đặt bút ký vào thỏa thuận này có thể mang lại nhiều rủi ro và làm giảm tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với nhà lãnh đạo Kiev. Thỏa thuận với Mỹ được cho là có nhiều điều khoản gây tranh cãi, cụ thể như việc Mỹ sẽ nắm khoảng 50% nguồn khoảng sản của Ukraine.

Trước đó, Ukraine dự kiến tổ chức bầu cử quốc hội vào năm 2023 và bầu cử tổng thống vào năm 2024. Tuy nhiên, cả hai cuộc bầu cử này đã bị ông Zelensky đình chỉ vô thời hạn với lý do xung đột Nga-Ukraine vẫn đang tiếp diễn.

Một khảo sát do Trung tâm Xã hội học Socis và Gradus Research thực hiện chỉ ra rằng, nếu một cuộc bầu cử tổng thống giả định được tổ chức ở Ukraine vào tháng 2/2025 với các ứng cử viên gồm Kyrylo Budanov - Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine và Valerii Zaluzhnyi - cựu Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang và hiện là Đại sứ tại Vương quốc Anh thì Tổng thống đương nhiệm Volodymyr Zelensky sẽ về nhì.

Trong trường hợp này, quyết định ký kết thỏa thuận khoáng sản của Mỹ có thể là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Ukraine và sự nghiệp chính trị của ông Zelensky, buộc nhà lãnh đạo Kiev phải đưa ra một lựa chọn đúng đắn.

Từ khóa: Ukraine, nga, khai khoáng, khoáng sản, trump

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả: diệp thảo/vov.vn (biên dịch)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập