Thổ cẩm Đăk Nia với ước mơ đưa sản phẩm vươn xa

Cập nhật: 31/01/2021

VOV.VN - Tổ hợp tác dệt thổ cẩm đang nỗ lực đưa thổ cẩm dân tộc Mạ vươn xa ra nhiều thị trường, góp phần tôn vinh vẻ đẹp bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên.

Tạo sinh kế cho bà con giữ gìn nghề dệt thổ cẩm, nghệ nhân trẻ H’Bình và các chị em trong Tổ hợp tác dệt thổ cẩm ở buôn N’riêng, xã Đăk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông đang nỗ lực để thực hiện ước mơ đưa thổ cẩm dân tộc Mạ vươn xa ra nhiều thị trường trong và ngoài nước, góp phần tôn vinh vẻ đẹp bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên. 

Chị H`Bình- 33 tuôi, ở bon N’riêng, xã Đăk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông  vừa khéo léo đưa thoi, vừa dùng tay luồn sợi thêu trên tấm vải. Chị bảo, người Mạ thêu họa tiết không cần dùng kim thêu, đây cũng là một nét độc đáo của của thổ cẩm Mạ. Khác với các dân tộc bản địa khác ở Tây Nguyên, người Mạ thường chọn màu trắng làm chủ đạo để tạo nền cho tấm thổ cẩm. Chính vì vậy, màu sắc của thổ cẩm nơi này tươi sáng và rất được khách du lịch ưa chuộng.

H’ Bình cho biết, 1 bộ quần áo thổ cẩm được dệt trong khoảng 1 tuần. Sản phẩm dệt thủ công được du khách ưa chuộng dù giá hơi cao. Phải tìm cách cải tiến sản phẩm, làm ra những chiếc khăn, túi xách có giá thành vừa phải để đông đảo khách hàng đặt mua - Đó là cách mà H’Bình kết hợp để vừa giữ được nghề, vừa đem lại nguồn thu nhập cho lao động. 

“Tôi  học dệt thổ cẩm với mong muốn gìn giữ  văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Sau khi  thành thạo với việc dệt thổ cẩm, tôi thấy nghề dệt  này  rất quan trọng để  bảo tồn và gìn giữ văn hoá truyền thống dân tộc. Tôi cũng đã  truyền dạy lại cho các chị em gái trong buôn làng biết dệt như mình. Tôi cũng đã tham gia lớp tập huấn để  biết cách bán sản phẩm mình dệt ra để thu hút khách hàng”, chị H’ Bình chia sẻ.

Năm 2018, chị H’Bình đã cùng 7 chị em trong bon thành lập ra tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đăk Nia.  Với vai trò đầu tàu, H’ Bình cho rằng phải giới thiệu, quảng bá, cũng như chủ động tìm đối tác mua hàng chứ không thể bị động ngồi chờ. Nỗ lực không phụ lòng người, đến nay, sản phẩm thổ cẩm được nhiều đối tác ở Sài Gòn, Đà nẵng, Lâm Đồng đặt hàng thường xuyên, thu nhập của các nghệ nhân cũng dần nâng cao.

“Từ khi tham gia vào tổ hợp tác dệt thổ cẩm, cuộc sống gia đình ấm no hơn trước. Tôi cũng mong muốn tổ hợp tác sẽ tạo thêm thu nhập cho chị em, và cũng là nơi lưu giữ nét văn hóa truyền thống cho bà con”, bà H’Mớt - một thành viên của tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đăk Nia phấn khởi cho biết.

Vào dịp cao điểm, đơn đặt hàng nhiều, hơn 20 nghệ nhân dệt thổ cẩm của buôn được huy động dệt. Mẹ chị H’ Bình, nghệ nhân H’ Bạch, dù đã 70 tuổi nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt bên khung cửi. Bà H’ Bạch  cũng chính là người truyền nghề cho lớp trẻ của bon Nriêng.

“Tôi biết dệt thổ cẩm từ thời còn con gái, đến nay đã hơn 30 năm. Đến nay, tôi đã truyền dạy nghề dệt thổ cẩm này cho con cháu đã được 10 năm. Hoa văn trang trí trên những tấm thổ cẩm này là hoa văn truyền thống từ xa xưa, đến bây giờ, tôi cũng đã truyền dạy lại cho con cháu để tiếp tục gìn giữ hoa văn truyền thống của người Mạ mình”, nghệ nhân H’ Bạch cho biết.

Nhiều bộ trang phục của tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đăk Nia đã được đặt hàng và góp mặt trong các buổi trình diễn, triển lãm của Lễ hội thổ cẩm Việt Nam tổ chức tại Đăk Nông giúp cho thổ cẩm của bà con đến gần hơn với khách du lịch. Ông Nguyễn Thái Ban, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Nia cho biết, địa phương đang tiếp tục có những chính sách hỗ trợ để bà con có thể giữ gìn và phát huy được nghề dệt để có thêm thu nhập.

“Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện để hỗ trợ quảng bá. Xác định đây cũng là điểm nhấn tham quan trong thời gian tới, khi thu hút đầu tư được khu du lịch sinh thái thác Liêng Lung tại địa phương tiếp tục phát huy giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sinh kế cho bà con. Xã sẽ quan tâm hơn nữa để duy trì và phát triển, mở rộng thêm thành viên trong thời gian tới để hoạt động hiệu quả hơn”, ông Ban chia sẻ.

Tạo sinh kế cho bà con giữ gìn nghề dệt thổ cẩm, nghệ nhân trẻ H’Bình và các chị em trong tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đăk Nia đang nỗ lực để thực hiện ước mơ, đưa thổ cẩm dân tộc Mạ vươn xa ra nhiều thị trường trong và ngoài nước, góp phần tôn vinh vẻ đẹp bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên./.

Từ khóa: Thổ cẩm Đăk Nia, tổ hơp tác, quảng bá sản phẩm, thổ cẩm truyền thống, bảo tồn văn hóa tây nguyên

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập