Thiếu nhân lực dịch vụ xe điện, giải quyết như thế nào?
Cập nhật: 29/01/2024
Range Rover Velar mới ra mắt tại thị trường Việt Nam
Chiếc Porsche 911 Dakar cuối cùng được sản xuất sẽ là một phiên bản đặc biệt
VOV.VN - Quá trình chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện vẫn đang tiếp tục diễn tiến nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, tại một số nơi, lực lượng lao động của ngành công nghiệp ô tô có vẻ chưa bắt kịp với tốc độ này.
Khảo sát từ Hiệp hội Ô tô Singapore cho thấy, trong vài năm trở lại đây, đảo quốc sư tử chỉ có khoảng 2% trên tổng số 10.000 kỹ thuật viên trong nước được đào tạo và có chứng chỉ để đáp ứng đủ điều kiện để làm việc trong các xưởng ô tô điện tiêu chuẩn.
Hồi đầu năm 2023, NTUC LearningHub Trung tâm đào tạo nghề, Công đoàn Quốc gia Singapore đã khảo sát khoảng 200 doanh nghiệp liên quan tới xe điện.
Kết quả cho thấy 94% doanh nghiệp, dịch vụ liên quan tới xe điện đồng tình rằng việc đào tạo lại nguồn nhân lực là điều cần thiết; chỉ có 14% doanh nghiệp đồng ý rằng lực lượng lao động hiện tại đã đủ kỹ năng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang xe điện.
Dù thừa nhận tình trạng thiếu nhân lực trình độ cao cho ngành xe điện, nhưng chỉ có 21% doanh nghiệp sẵn sàng gửi lao động của họ đi đào tạo trong vòng 6 tháng tới, 39% chưa có dự định đào tạo thêm nguồn nhân lực trong vòng 1 đến 2 năm tới. Nguyên nhân phải kể tới một số rào cản như thiếu thời gian, không đủ nguồn vốn đào tạo và không theo kịp công nghệ.
Singapore trong khoảng 2-3 năm trở lại đây vốn đã rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động tại nhiều lĩnh vực do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đối với ngành xe điện, nhiều lao động lại đang tỏ ra “thờ ơ”, ngại bổ sung kiến thức, kỹ năng để bắt kịp quá trình chuyển đổi.
Anh Xavier Khong, chủ gara Alan United Auto chia sẻ: “Gara xe điện có hệ thống hoàn toàn mới, nếu muốn chuyển đổi, chúng tôi phải nâng cấp toàn diện, bao gồm cả các thợ máy vốn đã làm việc cho chúng tôi nhiều năm. Họ sẽ phải trải qua các khoá đào tạo và đó là một thử thách không nhỏ”.
Bình luận về kết quả khảo sát, Tay Ee Learn, Giám đốc kỹ năng ngành tại NTUC LearningHub cho biết: "Việc chuyển đổi sang xe điện đem đến thay đổi đáng kể trong ngành công nghiệp ô tô, đòi hỏi bộ kỹ năng và kiến thức mới. Do đó, điều quan trọng là người sử dụng lao động phải khuyến khích công nhân phát triển kỹ năng, để đáp ứng yêu cầug khi Singapore chuyển đổi sang nền kinh tế xanh mới”.
Ghi nhận tại Học viện Kỹ thuật ComfortDelGro, ông Andrew Cheok, Hiệu trưởng học viện cho biết tính từ tháng 11/2022 cho tới cuối quý I/2023, học viện có khoảng 100 học viên, trong đó, phần lớn là những lao động với độ tuổi trung bình từ 40 đến 60.
“Chúng tôi có khoảng 60 học viên là những người vốn đã làm việc trong ngành công nghiệp ô tô. Số học viên còn lại là nhóm người đang cân nhắc về việc chuyển đổi sang sử dụng xe điện như người đam mê xe điện hay một số người đang sở hữu xe điện và muốn tìm hiểu thêm về loại phương tiện này”, ông Andrew Cheok cho biết.
Một khoá học tại ComforstDelGro kéo dài khoảng 1 tuần. Tại đây, các học viên sẽ được học kết hợp cả lý thuyết và thực hành về các bộ phận của một chiếc xe điện và cách để tiếp xúc, tương tác với các bộ phận này một cách an toàn.
Theo đài CNA, một phần lí do khiến ít người quan tâm tới nâng cao trình độ, kiến thức về xe điện là bởi xe điện tại Singapore được bảo hành lên tới 10 năm. Do đó, trong thời gian vài năm tới, nếu người dùng xe điện gặp vấn đề, hầu hết họ sẽ mang tới bảo hành tại nhà phân phối. Do đó, các gara, dịch vụ sửa chữa xe bên ngoài hiện chưa có động lực để nâng cao trình độ nhân lực.
Ông Teng Dao Xiong, Giám đốc dịch vụ 1CarServices chia sẻ: “Thật khó để các doanh nghiệp hiện tại có thể phân bổ lao động vừa làm việc, vừa đi đào tạo, chưa kể chi phí đào tạo cũng rất cao. Chưa kể thị trường ô tô hiện tại, sức ảnh hưởng của xe điện chưa đủ để tạo thêm nhiều lợi nhuận cho các dịch vụ đi kèm”.
Trong khi đó, một số chuyên gia lại cho rằng, hiện quá trình, chất lượng đào tạo nhân lực trong ngành xe điện tại Singapore vẫn chưa đầy đủ.
“Ghi nhận của chúng tôi, tại các khoá đào tạo hiện tại, phần lớn học viên đều muốn học cao hơn. Việc này khiến chúng tôi phải trăn trở với bài toán “Dạy cho học viên cái gì” bởi hiện các nhà phân phối xe điện đều có đội ngũ kỹ thuật riêng, chuyên biệt vào mẫu xe họ đang bán và họ từ chối chia sẻ bất cứ thông tin nào về chúng”, ông Mike Keh, Chủ tịch Hiệp hội Gara ô tô Singapore chia sẻ.
Trở lại với Việt Nam, xu hướng ứng dụng công nghệ mới trong ngành ô tô điện thay đổi rất nhanh chóng. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành này cần phải thay đổi để “bắt kịp” xu hướng mới.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Ô tô – Máy động lực TP.HCM, chính sự phát triển nhanh chóng của xe điện, cả về công nghệ được ứng dụng, cho nên, việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam cần phải đổi mới để “bắt kịp” những xu hướng, đòi hỏi mới của người tiêu dùng.
Vì vậy, các trường đại học cần phải nhanh chóng cải cách và cải tiến mô hình đào tạo hiện tại, bởi các nhà sản xuất đã có những yêu cầu mới về khả năng và chất lượng đào tạo sinh viên ngành ô tô.
Do công nghệ phát triển nhanh, trong khi việc đào tạo theo phương pháp cũ hay nói cách khác không thay đổi cách tiếp cận đã tạo ra một khoảng cách lớn giữa chuẩn đầu ra của sinh viên tốt nghiệp và yêu cầu của các doanh nghiệp.
Từ khóa: xe điện, dịch vụ xe điện,ô tô điện,ngành công nghiệp ô tô, nhân lực xe điện
Thể loại: Ô tô - Xe máy
Tác giả: huy văn/vov giao thông
Nguồn tin: VOVVN