Thị trường ô tô 2024: Doanh số tăng cao, nhiều mẫu xe mới xuất hiện
Cập nhật: 4 ngày trước
Porsche 997 GT3 RS sau 14 năm sử dụng vẫn được rao bán hơn 200.000 USD
CNN Indonesia: “VinFast năm 2024 - Số một thị trường nội địa, bứt phá toàn cầu”
VOV.VN - Thị trường ô tô Việt Nam đã sôi động trở lại sau một năm trầm lắng, không chỉ doanh số tăng cao mà nhiều mẫu xe mới cũng xuất hiện liên tục, tất cả mang đến nhiều điểm nhấn đáng chú ý trong năm 2024 vừa qua.
Doanh số tăng trưởng mạnh trở lại
Sau 11 tháng năm 2024, doanh số ô tô theo thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) lên tới 308.544 xe, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, phân loại từng dạng ô tô cũng đều cho thấy sự gia tăng đồng đều; xe du lịch đạt 233.325 xe, tăng trưởng 18%; xe thương mại đạt 72.871 xe, tăng trưởng 16% và xe chuyên dụng đạt 2.348 xe, tăng trưởng 17%.
Trong khi đó, Hyundai Thành Công cũng công bố doanh số tháng 11, cộng dồn từ đầu năm đến hết tháng 11/2024 cũng đạt lượng ô tô bán ra lên tới 58.849 xe, tăng trưởng nhẹ 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, hãng cũng bổ sung thêm nhiều mẫu xe mới cho năm 2024, đặc biệt là Santa Fe thế hệ mới, Tucson phiên bản nâng cấp và Stargazer X.
VinFast không công bố chi tiết doanh số trong năm 2024 nhưng cho biết đã bàn giao hơn 67.000 ô tô điện các loại đến tay khách hàng trong 11 tháng vừa qua. Cùng với lượng đơn đặt cọc chờ lớn cho VF 3, hãng xe Việt Nam dự kiến sẽ đạt được mốc doanh số kỳ vọng 80.000 xe như đã công bố trước đó.
Chính sách ưu đãi 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ cho ô tô lắp ráp
Ngày 29/8/2024, Nghị định số 109/2024/NĐ-CP đã được chính phủ ban hành, với quy định đáng chú ý là việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe con và có hiệu lực từ tháng 9 đến hết tháng 11/2024, như một động thái thúc đẩy tiêu thụ ô tô trong nước. Dù chỉ được giảm trong 3 tháng thay vì nửa năm như các đợt áp dụng trước đây nhưng điều này đã giúp thúc đẩy lượng tiêu thụ ô tô trên thị trường đáng kể.
Điều này giúp doanh số trong 3 tháng áp dụng chính sách tăng mạnh, liên tiếp vượt mức 30.000 xe/tháng theo thống kê từ VAMA. Lượng xe bán ra thị trường gần như tăng gấp đôi so với trung bình các tháng trước đó với trung bình gần 40.000 xe/tháng, chiếm tỷ lệ lớn nhất vẫn là ô tô lắp ráp trong nước.
Tuy nhiên, có thể thấy rõ sự ưu ái của người tiêu dùng vẫn dành cho các loại xe nhập khẩu với mức tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 148.676 xe bán ra trong 11 tháng vừa qua của năm 2024. Xe lắp ráp trong nước cũng tăng trưởng nhưng ở mức nhẹ sau khi được hưởng chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ trong 3 tháng gần cuối năm, đạt 159.868 xe, tăng 1,6%.
Xe Trung Quốc dồn dập về Việt Nam
Tiềm năng lớn của thị trường ô tô Việt Nam đã biến nơi đây thành “mỏ vàng” cho các ông lớn Trung Quốc nhảy vào. Tiếp tục trong năm 2024, nhiều thương hiệu mới của Trung Quốc đã tiến vào thị trường trong nước, điển hình như: BYD, GAC, Aion, Omoda & Jaecoo và phần nào là Dongfeng khi hãng này đang thiết lập hệ thống đại lý tại các thành phố lớn.
Trong đó, BYD và Aion chủ yếu tập trung vào các mẫu xe điện, đặc biệt là BYD với thời gian ra mắt các mẫu xe mới rất nhanh tại Việt Nam, liên tiếp mang đến 5 mẫu xe Dolphin, Atto 3, Seal, M6 và Han hướng đến các phân khúc xe SUV, sedan và cả MPV đang rất được ưa chuộng hiện nay. Aion dù là một thương hiệu thuộc GAC tại Trung Quốc nhưng lại tách biệt về nhà phân phối ở Việt Nam, hãng mới giới thiệu bộ đôi ES và Y Plus.
GAC Motors được phân phối bởi TC Services, đơn vị quen thuộc với thị trường Việt Nam khi đã từng hợp tác với Nissan và MG trước đây. Hãng mang đến thị trường trong nước các mẫu xe cỡ lớn gồm M8 và GS8 trong giai đoạn đầu nhưng vừa bổ sung MPV nhỏ gọn M6 Pro với giá bán 699 – 799 triệu đồng phù hợp với người tiêu dùng trong nước.
Omoda & Jaecoo về Việt Nam thông qua sự hợp tác giữa tập đoàn mẹ Chery với tập đoàn Geleximco, hiện thương hiệu này đã bắt đầu bán mẫu xe Omoda C5 đầu tiên và đang triển khai dự án lắp ráp xe trong thời gian tới. Ngoài ra, mẫu xe Jaecoo J7 cũng đã được hãng thông báo sắp bán ra trong thời gian tới.
Nhiều hãng xe mở nhà máy lắp ráp ô tô trong nước
Với sự xuất hiện của hàng loạt hãng ô tô Trung Quốc, những tưởng thị trường Việt Nam sẽ trở thành nơi tiêu thụ hàng tồn nhưng một số thương hiệu đã thể hiện sự nghiêm túc với việc hợp tác thành lập nhà máy lắp ráp. Theo đó, Omoda & Jaecoo và Geely đã công bố việc xây dựng nhà máy liên doanh với hai đối tác tại Việt Nam, lựa chọn Thái Bình là địa điểm chính thức.
Nhà máy Omoda & Jaecoo Việt Nam dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2026 với tổng công suất 200.000 xe mỗi năm và vốn đầu tư lên tới 800 triệu USD. Trong khi đó, nhà máy Geely dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu năm 2026 với tổng vốn đầu tư 168 triệu USD và công suất tới 75.000 xe/năm. Cả hai cơ sở sản xuất này đều có mục tiêu phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
VinFast cũng vừa khởi công xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô trong nước thứ hai tại Hà Tĩnh, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 7/2025, đạt công suất 300.000 xe/năm và có thể nâng lên thành 600.000 xe/năm, chủ yếu dùng để lắp ráp 2 mẫu xe VF 3 và VF 5. Nhà máy đang xây 3 phân xưởng chính gồm xưởng sơn, xưởng hàn thân vỏ và xưởng lắp ráp xe, các linh kiện khác dự kiến nhập từ nhà máy Hải Phòng.
Xe điện tiếp tục bùng nổ với sự dẫn dắt của VinFast
Thị trường ô tô Việt Nam tiếp tục được thúc đẩy với các mẫu xe xanh, mà đặc biệt là ô tô điện, đây cũng là xu thế tất yếu trên toàn thế giới hiện nay. Dẫn dắt cho xu hướng này tại thị trường trong nước là VinFast với hàng loạt mẫu xe điện đầy đủ ở các phân khúc, cùng với đó là sự thâm nhập của một số hãng xe Trung Quốc mới như BYD và Aion.
Cột mốc đánh dấu sự vượt trội của VinFast là đầu tháng 8 khi hãng bắt đầu giao những chiếc VF 3 đầu tiên đến tay khách hàng, mẫu SUV cỡ nhỏ này đã tạo nên làn sóng mạnh mẽ trên thị trường, không chỉ ảnh hưởng đến khách hàng cá nhân mà còn có thêm hàng loạt doanh nghiệp vận tải liên tiếp đặt mua xe để dùng làm taxi do hiệu quả mang lại quá lớn.
Cùng với đó, GSM cũng công bố kế hoạch bổ sung các dịch vụ taxi Xanh SM ở các phân khúc giá rẻ, tiêu chuẩn và cao cấp với dự kiến 4 mẫu xe mới được cung cấp bởi VinFast, giúp tăng cường sự hiện diện của hãng xe này trên đường phố hơn và giúp quá trình xanh hóa mạnh mẽ hơn tại Việt Nam.
Triển lãm Ô tô Việt Nam trở lại sau 2 năm
Với cố gắng của nhiều bên trong khâu tổ chức, Triển lãm Ô tô Việt Nam (VMS) đã trở lại sau 2 năm với nhiều điểm đáng chú ý trong năm 2024, đó là sự xuất hiện của nhiều thương hiệu mới từ Trung Quốc như BYD, GAC, MG… cùng với các thương hiệu xe máy lần đầu xuất hiện tại Việt Nam như UM Motorcycles, Nuen Moto, Wedison hay Cleveland Cyclewerks.
Sự vắng bóng của nhiều tên tuổi trong năm nay như Thaco, VinFast, Mercedes-Benz tuy có đôi chút tiếc nuối nhưng việc chủ đề “Công nghệ mở tương lai xanh” đã giúp VMS 2024 có thêm sự tươi mới đến từ các thương hiệu Trung Quốc, khách tham quan đã được chiêm ngưỡng những mẫu ô tô công nghệ xanh mới lạ chưa từng xuất hiện tại Việt Nam.
Cùng với đó, hàng loạt mẫu xe mới, bản nâng cấp sắp bán ra thị trường cũng được giới thiệu ngay trong VMS 2024, điển hình như: Toyota Camry thế hệ mới, Subaru Crosstrek, MG G50, GAC M60 Pro…Đây cũng chính là một phần lý do giúp thu hút tới hàng chục nghìn lượt khách tham quan mỗi ngày trong khuôn khổ triển lãm.
Từ khóa: thị trường ô tô, xe điện, vms 2024, xe trung quốc, thị trường xe, doanh số, xe mới, phí trước bạ,thị trường, ô tô, điểm nhấn thị trường ô tô, thị trường ô tô việt năm 2024, những điểm nhấn thị trường ô tô 2024
Thể loại: Ô tô - Xe máy
Tác giả: bảo linh/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN