Hoàn thiện thể chế để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững

Cập nhật: 2 ngày trước

VOV.VN - Năm 2024, thị trường bất động sản đã có sự phục hồi tích cực. Nhiều khó khăn dần được tháo gỡ, mang lại những hi vọng sáng hơn cho thị trường BĐS năm 2025. Mặc dù vậy, cùng với những vướng mắc về pháp lý, thì tình trạng “khát vốn” cũng là điểm chung mà cả DN và nhà đầu tư đang gặp phải.

Năm 2024, với những chỉ đạo, giải pháp quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, thị trường bất động sản (BĐS) nước ta đã có nhiều phản ứng tích cực, niềm tin của nhà đầu tư ngày càng được cải thiện. Số liệu khảo sát thị trường của kênh thông tin Batdongsan.com.vn cho thấy, trong những tháng cuối năm, mức độ quan tâm đến thị trường bất động sản đã tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhà ở riêng lẻ, chung cư, biệt thự là những loại hình được nhiều người quan tâm nhất.

Đáng chú ý, năm 2024 cũng chứng kiến sự thay đổi chưa từng có trong hệ thống pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản, khi các dự án luật quan trọng (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản) được Quốc hội thông qua và cho phép có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với dự kiến.

Với chính sách giảm lãi suất điều hành từ Ngân hàng Nhà nước, nhiều doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh bất động sản đang cân đối nguồn lực, chủ động nắm bắt cơ hội đầu tư và sẵn sàng đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp khi thị trường khởi sắc hơn.

“Do ngân hàng không có nguồn vốn giải ngân bù đắp cho nguồn vốn lưu động và vốn để thực hiện dự án nên chúng tôi phải cân đối các nguồn lực tự có. Thứ hai là chúng tôi tiết kiệm giai đoạn đầu tư. Những gì cần thiết chúng tôi đầu tư trước, để đảm bảo việc đầu tư đúng theo kế hoạch. Chúng tôi cũng sẽ trông chờ vào nguồn vốn giải ngân từ Ngân hàng và nguồn từ khách hàng, để bù đắp vào sự thiếu hụt trong quá trình đầu tư”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phương Đông cho biết.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong 64 dự án bất động sản do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chuyển đến, đã có 8 dự án được gỡ vướng pháp lý hoàn toàn và 22 dự án còn vướng mắc, đang được tiếp tục tháo gỡ. Cùng với những tín hiệu tốt về công tác hoàn thiện thể chế, thị trường bất động sản đang có chuyển động tích cực với nhiều dự án được triển khai, nhu cầu đầu tư gia tăng trở lại. Với những tín hiệu khởi sắc đang xuất hiện, thị trường bất động sản được đánh giá cơ bản đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất.

“Dựa trên những quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các dự án cũ cũng như việc quy hoạch để cho ra những dự án mới. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải thiết kế nững sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường, đáp ứng các mục tiêu và khả năng thanh khoản chung của đa số người dân. Bán những cái thị trường cần chứ không phải bán những sản phẩm doanh nghiệp tự thiết kế ra theo kỳ vọng lợi nhuận của mình”, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhận định.

Thực tế cho thấy, mặc dù thị trường bất động sản đang có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn đó hàng loạt vấn đề cần tiếp tục được giải quyết. Đó là sự mất cân đối giữa các phân khúc, hiện tượng đầu cơ, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường, những tiêu cực trong quá trình tổ chức đấu giá đất tại một số địa phương, hay những vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội.

Thảo luận về nội dung này tại nghị trường, các đại biểu chỉ rõ có dấu hiệu lũng đoạn, thổi giá bất động sản; kiến nghị tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, xử lý dứt điểm vướng mắc pháp lý đối với thị trường bất động sản; đồng thời đề nghị tổ chức thanh tra toàn diện đối với dự án nhà ở xã hội, tránh việc lách luật để mua đi, bán lại nhà ở xã hội.

“Cần nghiên cứu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm tăng cường vai trò tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương phù hợp với năng lực và gắn với phân bổ nguồn lực. Đồng thời, Chính phủ sớm nghiên cứu khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết liên quan đến quản lý thị trường bất động sản”, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình nêu ý kiến.

Hiện nay, tình trạng nhà không người ở đang diễn ra phổ biến, trong khi hàng triệu người dân tại các đô thị lại thiếu một chốn để an cư. Để hạn chế tình trạng đầu cơ, Bộ Xây dựng vừa đề xuất Chính phủ nghiên cứu để áp dụng chính sách thuế đối với người sở hữu nhiều bất động sản. Đề xuất này đang nhận được sự quan tâm của rất lớn của người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn năm 2015 - 2023 cũng chỉ ra rằng, chính sách về thuế là một trong những giải pháp có tác dụng trung và dài hạn giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững. Trong đó, đánh thuế cao với người sử dụng nhiều nhà, đất, chậm sử dụng hoặc bỏ hoang đất đai, bảo đảm đồng bộ với những nội dung đổi mới trong pháp luật về đất đai.

“Thứ nhất, để đảm bảo sự cân bằng về cung-cầu bất động sản. Bất động sản là tài sản hữu hạn chứ không phải vô hạn, muốn sản xuất bao nhiêu cũng được. Bất động sản có không gian và khu vực phát triển, và nếu tại những khu vực phát triển đó mà chúng ta cứ để những người có tiền người ta mua bao nhiêu cũng được, người ta găm ở đấy và không sử dụng, thì giá bất động sản sẽ bị đẩy lên, và tình trạng đầu cơ đó sẽ làm giá cứ tăng lên mà người đầu cơ hưởng lợi, còn người cần bất động sản để sử dụng thì không thể tiếp cận được”, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn ĐBQH TP.Hà Nội phân tích,

Theo phân tích của các chuyên gia, việc đánh thuế cao với người sở hữu nhiều bất động sản là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, bất động sản là một lĩnh vực rất phức tạp, nên khi đánh thuế cần xem xét một cách toàn diện và thận trọng. Trước mắt, nên thí điểm ở những thị trường có giao dịch sôi động và có nhiều nhà, đất không sử dụng, sau đó mới áp dụng rộng rãi ra các địa phương khác.

Kẽ hở trong tổ chức đấu giá đất

VOV.VN - Những phiên đấu giá đất tại Hà Nội và một số địa phương trong năm 2024 với hàng loạt những vấn đề đặt ra từ tổ chức, định giá… không ít cuộc đấu giá đã không thành công khi một loạt đối tượng vào nhiễu loạn, đẩy giá, thổi giá, tạo “sốt ảo”.

Định giá đất - “Nút thắt” của thị trường bất động sản?

VOV.VN - Các địa phương xây dựng bảng giá đất mới, tiệm cận giá thị trường hướng tới việc áp dụng giá thị trường, điều này sẽ khơi thông những vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, tuy nhiên, cũng có nguy cơ hình thành một mặt bằng giá mới, khiến giá nhà, đất tiếp tục tăng.

Từ khóa: bất động sản, bất động sản, thị trường bất động sản, nhà ở xã hội

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: thành trung/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan