Thị trường hàng hóa Tết Tân Sửu: Hàng Việt chiếm ưu thế

Cập nhật: 03/02/2021

VOV.VN - Các mặt hàng sản xuất trong nước chiếm lĩnh thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng từ cao cấp đến bình dân.

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã cận kề. Thời điểm này, các siêu thị, cửa hàng tiện ích đến các chợ truyền thống luôn tấp nập người đi mua sắm hàng Tết. Theo quan sát của phóng viên, cơ bản người dân đã đeo khẩu trang khi đi mua sắm. Lượng hàng hóa phục vụ Tết nguyên đán nguồn cung dồi dào, giá cả hợp lý, các mặt hàng sản xuất trong nước chiếm lĩnh thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng từ cao cấp đến bình dân.

Gần 1 tháng nay, tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện ích như: Vinmart, Bách hóa xanh, Co.opmart, BRG Mart…đã trưng bày nhiều loại hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm Tết. Các gian hàng được trang trí bắt mắt, mặt hàng chiếm phần lớn là bánh kẹo, nước ngọt, bia, thực phẩm…là từ các thương hiệu Việt nổi tiếng như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica, Cầu Tre, Vissan… Bên cạnh sự phong phú về hàng hóa, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh còn thực hiện các chương trình khuyến mại, tặng hàng hóa đi kèm nhằm kích cầu, thu hút người dân mua sắm.

Cùng gia đình đi mua sắm Tết, bà Phạm Thị Phương, người dân ở số A25, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, năm nay, hàng hóa trong nước mẫu mã đa dạng, giá thành hợp lý giúp người dân có nhiều lựa chọn. Đặc biệt, trên nhiều bao bì sản phẩm còn trang trí cành hoa mai, hoa đào rất đẹp phù hợp với không khí của những ngày Tết.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có xu hướng diễn biến phức tạp, theo bà Phương việc lựa chọn hàng hóa cũng phải nhanh gọn hơn, khẩu trang, nước sát khuẩn luôn chuẩn bị đầy đủ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại những nơi đông người, để phòng bệnh cho mình và những người xung quanh.

“Bây giờ xu hướng chung mọi người đều mua hàng Việt, bởi giá cả phải chăng, chất lượng lại tốt. Tôi vừa mua 2 triệu tiền bánh kẹo Tết để biếu ở quê toàn là hàng Việt, không có sản phẩm nào của nước ngoài...bánh kẹo rất ngon, hình thức đẹp, giá cả hợp với túi tiền của người Việt”, bà Phương chia sẻ.

Các nhà bán lẻ cho biết, lượng hàng hoá trên kệ hàng chiếm hơn 90% là hàng Việt Nam sản xuất. Khuynh hướng mua sắm đồ của người tiêu dùng là sản vật địa phương đã góp phần giúp hàng Việt chiếm ưu thế trên thị trường Tết. Điều đó cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Với sự chung tay của nhà sản xuất, phân phối, thời điểm hiện tại, sức mua hàng hóa của người dân đã bắt đầu tăng cao. Ghi nhận ở các điểm mua sắm cho thấy không khí mua sắm Tết đang rất nhộn nhịp. Tại đây, các dãy hàng phục vụ mùa Tết như bánh mứt, các vật dụng trang trí, quần áo… được người tiêu dùng chọn mua nhiều. Đáng chú ý, phần lớn người tiêu dùng chọn mua hàng sản xuất trong nước và quan tâm nhiều tới các sản phẩm bánh mứt, kẹo là những mặt hàng thủ công, truyền thống…

Do dịch Covid-19 đang có xu hướng bùng phát, các hệ thống bán lẻ chuẩn bị đầy đủ các phương án phòng dịch cho người đi mua sắm Tết, như nước sát khuẩn được để ngay lối ra vào của các siêu thị, trung tâm thương mại, mọi người đều được nhắc nhở đeo khẩu trang đầy đủ và giữ khoảng cách an toàn.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty bán lẻ BRG cho biết, chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, doanh nghiệp đã đầy đủ nguồn hàng, số lượng hàng hóa, có tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể trong đó hàng Việt Nam chiếm 90% tại hệ thống siêu thị.

“Từ năm 2020, thị trường trong nước có những sự thay đổi do dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất khó có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế, họ đã quay trở lại thị trường nội địa với những sản phẩm đảm bảo chất lượng, hàng hóa mẫu mã đẹp hơn, giá cả cạnh tranh hơn…Những yếu tố này là tiền đề cho năm 2021 là năm lên ngôi của sản phẩm hàng hóa Việt đối với thị trường trong nước”, ông Dũng quả quyết.

Tết là dịp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước. Do đó, các đơn vị phải có sự bứt phá trong việc nâng chất lượng sản phẩm như đa dạng chủng loại, bao bì... để sau dịp Tết, người tiêu dùng vẫn tiếp tục chọn lựa sản phẩm để sử dụng.

Bà Phạm Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Co.op Food miền Bắc cho biết, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã thực sự quan tâm đến việc cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng sức cạnh tranh để lấy trọn niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam. Doanh nghiệp đã ngày càng quan tâm đến nhu cầu và những tín hiệu thị trường để cung ứng sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Việt.

“Các doanh nghiệp đã thực sự chuyển mình, cải tiến để có những sản phẩm đẹp về mẫu mã, tốt về chất lượng so với các sản phẩm ngoại nhập. Hiện sức tiêu thụ hàng Việt trong hệ thống của Saigon Co.op đã chiếm trên 90% và là tỷ lệ tiêu thụ chính của hệ thống hiện nay”, bà Lan cho biết.

Dự kiến trong mấy ngày sắp tới sức mua sắm hàng Tết sẽ còn tăng. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các nhà bán lẻ đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng cũng như nhân viên phục vụ để đảm bảo cung ứng hàng hóa, đem lại sự hài lòng của người tiêu dùng mua sắm dịp Tết.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đang chỉ đạo Vụ Thị trường trong nước phối hợp với các địa phương trên cả nước tổ chức, hoặc tham gia các Chương trình kết nối cung cầu, nhằm giới thiệu các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm địa phương, tạo nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán.

Đồng thời triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và thúc đẩy lưu thông hàng hóa, kết hợp cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường dịp Tết cho các địa bàn dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa, nhằm đem lại một cái Tết ấm no, an toàn cho nhân dân./.

Từ khóa: hàng tết, mua sắm tết, hàng việt, siêu thị, nguồn cung hàng hóa

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập