Thị trường chứng khoán “rung lắc”, bluechips ngập ngừng ở vùng đỉnh
Cập nhật: 23/02/2021
Australia doanh nghiệp không có khả năng thanh toán tăng cao
FRISO GOLD PRO 100% nhập khẩu từ Hà Lan đã có mặt tại Đà Nẵng
VOV.VN - Phiên giao dịch đầu tuần, áp lực bán chốt diễn ra trên diện rộng đã khiến VN-Index có phần lớn thời gian vận động dưới tham chiếu. Tuy nhiên, thanh khoản tăng đã giúp thị trường lấy lại sắc xanh ở những phút cuối.
Phiên giao dịch đầu tuần, thị trường mở cửa quanh tham chiếu, sau đó thị trường lấy lại cân bằng khi một loạt cổ phiếu tăng điểm. Các nhóm giúp thị trường tăng điểm bao gồm: VHM, HPG, FPT, VIC… và nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, công nghệ, bất động sản–xây dựng. Tuy nhiên, do chỉ số đã tiến vào vùng kháng cự 1,180-1,210 điểm (đỉnh cũ tháng 01/2021) nên áp lực bán ra xuất hiện trong phiên chiều khiến chỉ số thu hẹp sắc xanh trước đó và về lại mức tham chiếu. Áp lực bán lan tỏa nhưng vẫn xuất hiện lực cầu làm thị trường cân bằng, tuy nhiên vẫn nghiêng về sắc đỏ.
Chốt phiên giao dịch ngày 22/2, chỉ số VN-Index tăng 1,54 điểm lên 1.175,04 điểm, trong đó chỉ số VN30 giảm 0,04 điểm còn 1.180,55 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 199 mã tăng/231 mã giảm, ở rổ VN30 có 8 mã tăng, 20 mã giảm và 2 mã giữ tham chiếu. Thanh khoản thị trường vẫn giữ ở mức cao với tổng giá trị khớp lệnh đạt hơn 13.933 tỷ đồng.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán MB (MBS), đây không phải là phiên đầu tiên thị trường bị ép xuống ở thời điểm cuối phiên, thanh khoản tiếp tục được giữ ở mức cao và dòng tiền đã dịch chuyển trở lại nhóm bluecchips đã hỗ trợ thị trường giữ vững thành quả phía trên ngưỡng 1.175 điểm.
“Về kỹ thuật, xu hướng tăng vẫn tiếp tục được củng cố khi chỉ số VNIndex đã vượt trendline giảm giá kể từ đầu năm. Áp lực bán chủ yếu đến từ khối ngoại ở nhóm bluecchips, tuy vậy dòng tiền nội vẫn hấp thụ tốt lượng bán này thị trường khả năng vẫn còn các nhịp rung lắc trong quá trình hướng đến ngưỡng 1.200 điểm”, MBS nhận định.
Trên sàn HNX, trong hầu hết cả phiên chiều thị trường chỉ biến động giằng co nhẹ nhưng dòng tiền chảy mạnh cuối phiên đã giúp HNX-Index bật tăng mạnh mẽ. Đóng cửa, HNX-Index tăng 6,79 điểm (+2,94%), lên 237,97 điểm với 102 mã tăng và 88 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 160,68 triệu đơn vị, giá trị 1.778 tỷ đồng.
Trên UPCoM, chốt phiên giao dịch ngày 22/2, UpCoM-Index tăng 0,44 điểm (+0,58%), lên 76,57 điểm với 136 mã tăng và 100 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 38,78 triệu đơn vị, giá trị 715 tỷ đồng.
Phiên giao dịch ngày 22/2, khối ngoại quay lại bán ròng với tổng giá trị bán ròng trên HOSE là 613,42 tỷ đồng, trong đó: tổng mua 947,02 tỷ đồng; tổng bán 1.560,44 tỷ đồng.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), những rung lắc đã xảy ra thường xuyên hơn nhưng lực cầu vùng giá thấp vẫn đủ để chỉ số kết phiên trong sắc xanh. Trên khía cạnh kỹ thuật, xu hướng trung hạn là tích cực khi đây đang là sóng tăng 5 với target theo lý thuyết quanh ngưỡng 1.250 điểm và thời gian hoàn thành sóng dự kiến vào đầu tháng 4/2021.
Về xu hướng trong ngắn hạn thì khó xác định hơn với việc VN-Index có thể tiếp tục rung lắc quanh ngưỡng 1.170 điểm (đỉnh của đợt hồi phục kỹ thuật trước đó) nhưng chỉ số này cũng có thể sẽ có một phiên tăng mạnh để tiếp cận gần hơn với ngưỡng tâm lý 1.200 điểm rồi tích lũy quanh ngưỡng này.
“Nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới với target quanh ngưỡng 1.250 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn đã bắt đáy và chốt lời trước Tết, có thể quay trở lại thị trường nếu có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh trong khoảng 1.110 - 1.120 điểm (MA20-50) hoặc chờ đợi thị trường bứt phá khỏi ngưỡng 1.200 điểm sau một thời gian tích lũy quanh đỉnh”, chuyên gia SHS khuyến cáo./.
Từ khóa: chứng khoán, chứng khoán hôm nay, nhận định chứng khoán, thị trường chứng khoán, VN-Index
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN