Thị trường bất động sản TPHCM năm 2020 liệu có khởi sắc?
Cập nhật: 12/01/2020
Tập 7 Rap Việt 2024: Karik ra quân cùng 4 tiết mục đốt cháy sân khấu
Nguyễn Xuân Thắng trở thành Quán quân “The Next Gentleman 2024”
VOV.VN - Năm 2020, với việc siết chặt tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và vướng mắc trong thủ tục pháp lý thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn.
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa công bố số liệu cho thấy, cả năm 2019, chỉ duy nhất một dự án nhà ở tại thành phố mang tên Bác được chấp thuận chủ trương đầu tư, và không có dự án nhà ở xã hội nào được triển khai. Bước sang năm 2020, liệu thị trường bất động sản tại TPHCM có khởi sắc?
Theo HoREA, thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản lại phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn trong năm 2019. Quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh. Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản.
Thị trường bất động sản TPHCM được dự báo tiếp tục khó khăn trong năm 2020. |
Năm 2019, toàn thành phố chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm 12 dự án (tỷ lệ 92%); có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án (tỷ lệ 85%). Không có dự án nhà ở xã hội mới, và chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội cũ với gần 2.300 căn hộ đã hoàn thành xây dựng.
TS Sử Ngọc Khương, chuyên gia về lĩnh vực bất động sản cho rằng, năm 2020, với những chính sách siết chặt tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản và vướng mắc trong thủ tục pháp lý như quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục khó khăn.
“Nếu xem bất động sản là nguồn thu lớn cho thành phố thì tôi cho rằng cần phải có những quyết sách để giải quyết làm sao có được thủ tục đơn giản nhất để nhà đầu tư có cơ hội. Về mặt nhân văn, người dân ở các tỉnh thành đổ về TPHCM rất lớn nhưng sản phẩm nhà ở không đáp ứng được, người ta đang cần những sản phẩm nhà ở có giá vừa phải. Đây là một vấn đề mà chính quyền cần phải cân nhắc” - TS Khương đề xuất.
Cùng quan điểm với TS Sử Ngọc Khương, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Phát triển, công ty DKRA Việt Nam nhận định, nguồn cung và sức tiêu thụ bất động sản năm 2020 sẽ không có đột biến. Kể cả khi Nhà nước có những thay đổi hoặc tháo gỡ cho các dự án thì cũng cần khoảng thời gian từ 1 - 2 năm mới đưa ra được thị trường. Trong năm nay, nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn về vấn đề pháp lý của dự án. Khó có tình trạng lướt sóng như những năm trước mà phải đầu tư theo trung và dài hạn, bởi những biến động khó lường của thị trường.
Ông Hoàng dự báo phân khúc bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng sẽ là kênh đầu tư đáng chú ý: “Về lâu dài trong tầm trung và dài hạn thì đây là tiềm năng rất lớn bởi sự tăng trưởng về du lịch của Việt Nam. Trước mắt có thể thị trường khó khăn do tác động tâm lý từ một vài dự án bị vỡ cam kết lợi nhuận. Tuy nhiên thời gian tới, với sự quản lý của Nhà nước và pháp lý rõ ràng, minh bạch hơn, sự chuẩn bị của chủ đầu tư tốt hơn thì về lâu dài bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phát triển tích cực hơn.”
Khi nguồn tín dụng được siết chặt với những thị trường phi sản xuất như chứng khoán hay bất động sản thì dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài (vốn FDI) được xem là một trong những “phao cứu sinh”, là kênh vốn được kỳ vọng trong năm 2020. Do đó, hành lang pháp lý là yếu tố then chốt cần phải đảm bảo nhằm tạo môi trường đầu tư lành mạnh, bền vững.
“Yếu tố pháp lý luôn luôn là vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, để họ đánh giá và xem xét tiếp tục rót vốn vào thị trường Việt Nam. Đi liền với đó thì phải chờ đợi hành lang pháp lý hoàn chỉnh, tạo sự thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài” - TS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế phân tích.
Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính và bất động sản, xét về vĩ mô thì năm 2020 thị trường bất động sản chưa có yếu tố để phục hồi tốt. Ông Hiển nhận định trong một thị trường đang trầm lắng, chỉ những phân khúc có sự khai thác, mua để sử dụng, có nhu cầu thật thì mới ổn định, còn các thị trường đầu tư lâu dài như đất nền thì khó có sự tăng trưởng. Do đó lời khuyên dành cho các nhà đầu tư là cần thận trọng, xem xét kỹ càng trước khi quyết định bỏ tiền ra đầu tư.
Ông Hiển dự báo phân khúc căn hộ chung cư sẽ được quan tâm nhiều hơn trong năm 2020: “Căn hộ chung cư là môi trường sống rất tốt cho nhóm người trẻ, những người có thu nhập trung lưu trở lên muốn có môi trường sống an ninh, đủ tiện ích và lịch sự. Do đó căn hộ ngày càng được mua để ở hoặc cho thuê rất ổn định, họ không tìm kiếm lợi nhuận cao kèm theo rủi ro mà tìm một tài sản chắc chắn, ổn định và có thu nhập thụ động lâu dài.”
Theo dự báo của HoREA, trong 6 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp bất động sản có thể vẫn còn phải tiếp tục đương đầu với các khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, nếu các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và TPHCM vào cuộc nhanh chóng, tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc, có thể từ quý 3/2020 trở đi, thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, công bằng, lành mạnh hơn trước đây./.
Bất động sản 2020: Nhu cầu cao nhưng không thể đầu tư sinh lời
Từ khóa: bất động sản, thị trường bất động sản, siết tín dụng bất động sản, TPHCM
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN