Thí sinh "ngợp" với bài thi Toán - Đọc hiểu Kỳ thi đánh giá tư duy

Cập nhật: 15/07/2022

[VOV2] - Sáng nay, hơn 7.100 thí sinh dự thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội hoàn thành bài thi bắt buộc Toán - Đọc hiểu và Tiếng Anh tự chọn trong tổng thời gian 180 phút.

"Câu nào cũng chưa gặp bao giờ"

Hoàn thành bài thi Toán và Đọc hiểu tại điểm thi trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Hà Lê Quang Huy, học sinh Trường THPT Yên Mỹ, Hưng Yên đánh giá Toán khó, em chỉ làm được khoảng 50%.

“Đề đánh giá tư duy khó hơn đề thi tốt nghiệp THPT, em thấy câu nào cũng “chưa gặp bao giờ”.

Vũ Quốc Huy, học sinh trường THPT Yên Mỹ cùng 2 người bạn bắt xe buýt từ Hưng Yên lên Hà Nội trọ ở ký túc xá và cùng nhau đi thi. Hoàn thành 2 môn thi Toán và Đọc hiểu, Vũ Quốc Huy nhận xét phần tự luận đại số khá khó, nhiều dữ liệu.

Toán chắc em chỉ được 6-7 điểm, đề khó hơn nhiều so với đề thi tốt nghiệp THPT. Đề cần tư duy cao mới làm được. "Câu hỏi quá nhiều dữ liệu. Sau khi làm bài thi tư duy em không kỳ vọng quá nhiều vào kết quả này”, Huy cho biết.

Trong khi đó, Tống Quang Trung, học sinh trường THPT Cao Bá Quát Hà Nội lại cho rằng đề Toán “dễ chịu” hơn đề thi tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT bởi nếu như đề Toán tốt nghiệp độ khó tăng đột ngột thì đề thi toán trong Kỳ thi đánh giá tư duy lại tăng dần độ khó. “Mức điểm 10-15 không phân hóa quá lớn còn sự phân biệt lớn nhất là mức điểm 8-10”.

“Những câu về hình học và câu đếm số học sinh đạt điểm A là những câu rất thực tế, em rất ấn tượng. Câu  tự luận về đếm giao của các tập hợp đây là câu ứng dụng thống kê, rất thực tế”.

Trung đánh giá “những câu đầu tiên năm nay trong đề toán xuất hiện nhiều câu lý thuyết nên dễ sai. Tuy nhiên, đây sẽ là lợi thế cho những bạn học bản chất, còn nếu học tủ sẽ không làm được vì đề bao quát rộng. Em dự đoán làm được từ 12-13 trên tổng số 15 điểm.

“Lắp mô tơ” mới hoàn thành câu đọc hiểu

Nhiều thí sinh đánh giá bài thi Đọc hiểu khá dài. “Cần phải đọc nhanh và tư duy nhanh. Thi tốt nghiệp không có những bài đọc dài như thế này”, Trần Thế Sơn, học sinh trường THPT Thăng Long đánh giá.

“Đề đọc hiểu thì chỉ có 30 phút mà từ 4000-5000 từ, có nhiều từ chuyên ngành. Tất cả các câu đều hỏi ý chính, nội dung từng đoạn hoặc cả bài. Đọc hiểu đòi hỏi mình phải có kỹ năng đọc nhanh và hiểu nhanh nội dung cả bài”, Tống Quang Trung đánh giá.

“Câu về trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu hạt giống em có thể làm sai vì 4 câu đáp án giống nhau. Em đoán được 4/5 điểm với đề đọc hiểu này. Sau khi làm bài thi sáng nay, em cảm thấy khá tự tin, với tâm thế này em nghĩ mình sẽ làm được các môn còn lại của bài Khoa học tự nhiên chiều này”.

Vũ Quốc Huy, học sinh trường THPT Yên Mỹ Hưng Yên cho biết, với bài đọc hiểu, em phải đánh “lụi” mất 10 câu trên tổng số 30 câu vì đề quá dài và nhiều dữ liệu.

“Với mã đề 101 của em, đề Đọc hiểu chia 3 phần, mỗi câu là 1 bài viết dài, chia thành 7 đoạn văn ngắn, tìm các dữ kiện để trả lời câu trắc nghiệm mà người ra đề đưa ra”.

Em thấy câu công nghệ sinh học nhận diện khuôn mặt 3D, em phân vân 2 đáp án, không biết em trả lời đúng hay không. Nhìn chung, đề khó dài và khó hơn nhiều so với thi tốt nghiệp THPT. Bạn nào tư duy nhanh sẽ làm được tốt”

Buổi chiều 15/7, thí sinh sẽ làm phần thi Khoa học tự nhiên. Năm 2022 là năm thứ 2 kỳ thi đánh giá tư duy được tổ chức, nhưng là lần đầu tiên Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ dữ liệu thi với hơn 20 đại học đăng ký sử dụng kết quả thi để tuyển sinh./.

 

Từ khóa: Kỳ thi đánh giá tư duy, ĐH Bách Khoa Hà Nội, đề thi, vov2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập