Thế giới Arab chiếm một phần ba thị phần vũ khí thế giới
Cập nhật: 23/01/2021
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Trong bối cảnh đại dịch coronavirus, thế giới cắt giảm chi tiêu quốc phòng cho mục đích y tế, nhiều quốc gia Arab vẫn nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự, chiếm tới một phần ba thị phần vũ khí và thiết bị quân sự thế giới trong 5 năm gần đây.
Theo SIPRI, trong những năm 2015-2019, 6 quốc gia Arab, bao gồm 4 quốc gia của Vịnh Ba Tư, nằm trong số 10 nhà nhập khẩu vũ khí và thiết bị quân sự lớn nhất. Trong đó có Saudi Arabia (hạng 1), UAE (hạng 8), Iraq (hạng 9), Qatar (hạng 10); trong bảng xếp hạng còn có Ai Cập (hạng 3) và Algeria (hạng 6). Rất khó để nói chính xác về con số chính xác, vì nhiều nước che giấu chi tiêu quân sự của họ.
Trong 5 năm qua, Mỹ đã xuất khẩu một nửa số sản phẩm quân sự của mình sang Trung Đông, với một nửa số đó đến Saudi Arabia - nước tiếp tục là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất hành tinh, với tổng chi tiêu quân sự ước tính khoảng 61,9 tỷ USD. Nguồn cung cấp cho các nước này từ Pháp ngày càng tăng, lượng vũ khí của Pháp xuất khẩu sang khu vực này đã đạt giá trị lớn nhất kể từ năm 1990.
Đến cuối giai đoạn 2015-2019, Ai Cập đứng thứ ba thế giới trong số các nhà nhập khẩu vũ khí và thiết bị quân sự với 5,8% tổng thị phần trong những năm qua. Ai Cập đã tăng gấp ba lần nhập khẩu các sản phẩm quân sự trong 5 năm qua, vươn lên vị trí thứ ba trên thế giới, chỉ sau Saudi Arabia (12% thị phần) và Ấn Độ (9,2% thị phần).
Các Tiểu Vương Quốc Arab Thống Nhất
Tháng 11/2020, Mỹ đã ký thỏa thuận quốc phòng lớn nhất với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), với tổng trị giá 23,37 tỷ USD mua thiết bị hàng không, tên lửa không đối không và không đối đất. Thỏa thuận này đánh dấu lần đầu tiên Mỹ bán 50 máy bay tiêm kích-ném bom đa năng thế hệ thứ năm F-35A mới cho Trung Đông, giá 10, 4 tỷ USD; cùng 18 máy bay không người lái trinh sát và tấn công MQ-9B Reaper - giá 2,97 tỷ USD và 10 tỷ USD khác để mua tên lửa không đối không và không đối đất.
Ngày 10/12/2020, Thượng viện Mỹ đã bật đèn xanh cho thương vụ và hợp đồng đã được phía UAE đặt bút ký mấy tiếng trước khi Tổng thống Trump mãn nhiệm. Thỏa thuận này gây ra rất nhiều tranh cãi ngay cả ở Mỹ, bị chỉ trích chủ yếu bởi Đảng Dân chủ, cũng như các tổ chức xã hội khác nhau. Tổ chức nhân quyền Amnesty International cho rằng vũ khí mà Mỹ bán sẽ được UAE sử dụng trong cuộc nội chiến ở Yemen.
Saudi Arabia
Tháng 5/2020, Saudi Arabia đã ký hợp đồng với Tập đoàn Boeing để mua hơn 1.000 tên lửa phòng không và chống hạm, cũng như hiện đại hóa các tên lửa đã giao trước đó, lên tới hơn 2 tỷ USD. Cuối tháng 10/2020, Văn phòng Hợp tác Quân sự của Lầu Năm Góc đã thông báo cho Quốc hội Mỹ về khả năng bán vũ khí và thiết bị quân sự cho Saudi Arabia với tổng trị giá 60 tỷ USD.
Mỹ sẵn sàng bán cho đối tác này trực thăng tấn công Boeing AH-64D Apache Longbow Block III mới nhất, máy bay chiến đấu F-15SA Strike Eagle, cũng như hàng chục trực thăng vận tải, hạng nhẹ và trinh sát với các thiết bị được cập nhật bởi phiên bản mới nhất. Israel cho rằng, việc cung cấp cho Saudi Arabia những sửa đổi mới nhất của trực thăng tấn công và máy bay chiến đấu với AFAR có thể thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực.
Qatar
Tháng 2/2020, tạp chí Forbes đưa tin Qatar và Công ty quốc phòng Italia Fincantieri đã ký một bản ghi nhớ cung cấp các tàu chiến và tàu ngầm mới nhất. Nếu thỏa thuận này được thực hiện, Qatar sẽ trở thành quốc gia vùng Vịnh đầu tiên có hạm đội tàu ngầm của riêng mình. Có lẽ thỏa thuận đang được thực hiện như một phần của thỏa thuận được ký năm 2017 với Fincantieri với tổng giá trị khoảng 6,1 tỷ USD.
Theo đó, Qatar được cho là sẽ nhận 7 tàu chiến mới nhất, bao gồm tàu hộ tống loại Doha có chiều dài 107m và lượng choán nước 3250 tấn, 2 tàu tuần tra ven biển và 1 tàu đổ bộ trực thăng có lượng choán nước khoảng 9000 tấn. Điều đáng chú ý là quốc gia đăng cai FIFA World Cup 2022 mơ trở thành cường quốc hàng hải. Ngoài từ Italia, Qatar còn mua tàu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2020, tàu huấn luyện đầu tiên QTS 91 Al-Doha có tổng lượng choán nước 1950 tấn đã được hạ thủy tại Thổ Nhĩ Kỳ; Hải quân Qatar đã đặt hàng 2 tàu như vậy từ Anadolu.
Kuwait
Chính quyền của Trump cố gắng thực hiện một thỏa thuận lớn khác vào cuối năm 2020, với Kuwait trị giá hơn 4 tỷ USD. Là một phần của thỏa thuận, Kuwait sẽ nhận được 8 máy bay trực thăng tấn công AH-64E Apache mới nhất và các thiết bị liên quan, và 16 máy bay AH-64D Apache khác sẽ được sửa chữa và hiện đại hóa.
Ai Cập chuẩn bị chiến tranh?
Bất chấp nợ nước ngoài ước tính khoảng 111,3 tỷ USD; trong quý đầu tiên của năm 2020, GDP giảm 31,7%; khoảng 60% dân số là người nghèo hoặc rất gần với tình trạng đó, Ai Cập đang ký kết ngày càng nhiều thương vụ mới. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm SIPRI, trong giai đoạn 2015-2019, Ai Cập đứng thứ ba trong danh sách các nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất, tăng trưởng nhập khẩu các thiết bị quân sự là 206%.
Tháng 6/2020, Cairo đã ký một hợp đồng tổng trị giá hơn 9 tỷ USD, mua từ Italia 6 khinh hạm FREMM loại Bergamini mới (4 chiếc đóng mới, 2 chiếc từ hạm đội Ý), 20 bệ phóng tên lửa, 24 tiêm kích Eurofighter Typhoon, cùng một số máy bay huấn luyện Aermacchi M-346. Trước đó, Pháp đã cung cấp cho Cairo khoản vay 3,2 tỷ euro để mua thiết bị quân sự của Pháp. Từ Pháp, Ai Cập đã mua được hai chiếc UDC kiểu Mistral (ban đầu được đóng cho Nga).
Ai Cập đã mua trực thăng tấn công Ka-52K, cũng đang chuẩn bị tiếp nhận lô máy bay chiến đấu đa năng Su-35 hiện đại đầu tiên thuộc thế hệ 4 ++ của Nga. Theo hợp đồng cung cấp máy bay chiến đấu ký năm 2018, tổng cộng Ai Cập sẽ nhận được 24 chiếc mới nhất (theo các nguồn tin khác là ít nhất 22 chiếc), việc giao hàng sẽ bắt đầu vào năm 2021, thương vụ lên tới hơn 2 tỷ USD. Cũng trong những năm gần đây, Ai Cập đã mua 500 xe tăng T-90 từ Nga với tổng trị giá khoảng 2,5 tỷ USD.
Đáng nói, một sự "tan băng" thực sự đã bắt đầu trong quan hệ giữa Israel và thế giới Arab; quan hệ giữa Ai Cập và Israel đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Các chuyên gia lưu ý rằng, với các mẫu thiết bị quân sự hiện đại, Libya có thể là mục tiêu sử dụng vũ lực của Ai Cập. Trong tương lai, Cairo có thể can thiệp vào cuộc xung đột quân sự, giúp Nguyên soái Haftar "thống nhất" và giành quyền kiểm soát đất nước.
Algeria
Về chi tiêu quân sự, Algeria đứng thứ ba trong thế giới Arab sau Saudi Arabia và Ai Cập. Hiện tại, Algeria chi khoảng 6 tỷ USD mỗi năm cho nhu cầu quân sự. Algeria là một khách hàng tích cực của Nga, đã mua ít nhất 14 máy bay chiến đấu Su-35 và máy bay ném bom Su-34. Rất nhiều khả năng Algeria sẽ trở thành khách hàng đầu tiên mua máy bay chiến đấu đa chức năng thế hệ thứ năm mới nhất Su-57E của Nga. Theo cổng thông tin Menadefense, Algeria đã ký hợp đồng với Nga vào năm 2019 về việc cung cấp 14 máy bay chiến đấu tối tân và thương vụ ước tính khoảng 4 tỷ USD.
Ngoài ra, Algeria cũng đang tích cực mua các hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-M, hệ thống tên lửa chống hạm và tàu chiến của Nga. Tháng 11/2020, Algeria sẽ tăng cường hạm đội của mình với ba tàu hộ tống thuộc Đề án 20382 lớp "Cận vệ", con tàu đầu tiên có thể được chuyển giao sớm nhất vào năm 2021. Các chuyên gia tin rằng trong một thời gian nào đó, những con tàu này có thể trở thành những tàu chiến mạnh nhất lục địa.
Maroc
Algeria đang quay bánh đà của cuộc chạy đua vũ trang, vì vậy đối thủ truyền thống của họ là Maroc cũng buộc phải tự trang bị để đáp trả. Maroc là một khách hàng truyền thống mua vũ khí của Pháp, nhưng trong những năm gần đây nước này cũng đã tăng cường hợp tác với Mỹ. Tháng 11/2019, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thỏa thuận vũ khí trị giá 4 tỷ USD cho Maroc, bao gồm ít nhất 24 trực thăng tấn công AH-64E Apache.
Trước đó, một thỏa thuận đã được ký kết với số tiền trị giá 239 triệu USD, theo đó Washington sẵn sàng cung cấp cho nước này 25 xe bọc thép hiện đại và nhiều phương tiện, thiết bị quân sự khác. Tháng 12/2020, chính quyền của Tổng thống Trump đã thông báo với Quốc hội Mỹ một thỏa thuận khả thi về việc cung cấp cho Maroc máy bay không người lái (ít nhất 4 MQ-9B SeaGuardian) và nhiều loại vũ khí dẫn đường chính xác với tổng trị giá 1 tỷ USD.
Tunisia
Tunisia đang cố gắng theo kịp các nước láng giềng, nhưng lượng mua của họ khiêm tốn hơn. Bộ Quốc phòng Tunisia trong năm qua đã ký hợp đồng với công ty Turkish Aerospace Industries của Thổ Nhĩ Kỳ mua 3 UAV tầm trung và 3 trạm điều khiển. Hợp đồng trị giá 80 triệu USD, bao gồm đào tạo và huấn luyện 52 quân nhân Tunisia. Tổng doanh số khí tài quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho Tunisia vào cuối năm 2020, lên tới 150 triệu USD, có thể mở ra con đường hợp tác quân sự giữa Ankara và Tunis.
Tunisia dự kiến mua máy bay của Mỹ trị giá 325 triệu USD, gồm 4 máy bay tấn công động cơ phản lực cánh quạt hạng nhẹ Beechcraft AT-6C Wolverine và vũ khí cho chúng. Thương vụ này đã được Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận đã được trình lên Quốc hội Mỹ vào cuối tháng 2/2020./.
Từ khóa: Thế giới Arab chiếm một phần ba thị phần vũ khí thế giới, Vùng Vịnh, Trung Đông, Saudi Arabia, Ai Cập, Các tiểu vướng quốc Ả Rập Thống nhất, SIPRI
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN