Thấy gì từ việc trí tuệ nhân tạo đánh thắng F-16 do phi công điều khiển?
Cập nhật: 31/08/2020
Phái đoàn quân sự Trung Quốc thăm Nhật Bản
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về quân sự, quốc phòng Việt Nam
VOV.VN - Một máy bay chiến đấu không người lái được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo đã thắng một chiếc F-16 có người lái trong cả 5 trận không chiến.
Đó là những gì đã xảy ra trong một cuộc diễn tập mô phỏng do Cục quản lý các Dự án Quốc phòng Tiên tiến DARPA (Mỹ) tổ chức. Một ‘phi công’ trí tuệ nhân tạo (AI) “Heron” do công ty Heron Systems phát triển, đã đánh bại một trong những phi công chiến đấu F-16 hàng đầu của Không quân với tỷ số 5-0.
Các cuộc thử nghiệm kéo dài ba ngày cho thấy, các hệ thống AI có thể điều khiển máy bay một cách đáng tin cậy trong một kịch bản chiến đấu 1 chọi 1 và bắn súng về phía trước trong các trận không chiến cổ điển kiểu Thế chiến II.
Tiêm kích F-16 được chọn để đấu với máy bay không người lái điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo; Nguồn: nationalinterest.org |
Có một số điều quan trọng đáng nói ở đây. AI đang phát triển nhanh chóng đến mức nhiều máy bay chiến đấu không người lái có khả năng cơ động cao, có thể ra quyết định phức tạp sẽ được đưa vào hoạt động trong tương lai gần.
Vài năm trước, cựu Bộ trưởng Hải quân Ray Mabus tuyên bố, F-35 có thể là máy bay chiến đấu có người lái cuối cùng. Mặc dù quan điểm đó không đại diện cho suy nghĩ hiện tại của các nhà phát triển vũ khí Mỹ, nhưng nó cho thấy sự công nhận rộng rãi rằng, các thuật toán đang cho phép loại bỏ thực tế này một cách nhanh chóng.
Có thể thấy rằng, sự vượt trội của máy bay không người lái được AI hỗ trợ xuất hiện trong một "mô phỏng máy tính" chứ không phải một trận không chiến được tái tạo thực tế. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì một số lý do, vẫn chưa rõ ràng rằng các hệ thống được trao quyền bởi AI có thể xử lý ngay lập tức các biến số mới bất ngờ xuất hiện hoặc xem xét toàn diện một tình huống chiến đấu tổng thể bao gồm một loạt các yếu tố khác nhau.
Máy có thể học trong thời gian thực nếu gặp phải vũ khí hoặc tình huống không được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của nó không? Nó có thể không có cơ sở tham chiếu để phân tích thông tin mới. Hệ thống AI nâng cao chỉ hiệu quả với cơ sở dữ liệu mà chúng hoạt động cùng.
Hiện nay, nhiều nỗ lực đang được tiến hành để máy học theo thời gian thực và phân tích chuyển động nhanh hoặc tức thời. Tuy nhiên vẫn chưa đạt đến trình độ máy móc có thể xử lý tất cả thông tin mới một cách nhanh chóng và chính xác, đáng tin cậy như con người.
Liệu máy tính có xu hướng nhầm hệ thống có người lái với máy bay không người lái hoặc hiểu một vũ khí thông thường đang tiếp cận là vũ khí hạt nhân? Con người đưa ra các quyết định mang tính triết học, cảm xúc và tâm lý thường được cung cấp thông tin bằng các tiêu chí ít "tính toán" hơn và do đó ít có khả năng được máy móc phản chiếu hoặc sao chép chính xác.
Chắc chắn, máy móc có thể phản ứng và thực hiện các chức năng phân tích và các bước tuần tự khác nhau nhanh hơn nhiều so với con người, nhưng chúng chưa được phát triển đến mức có thể đồng thời tính đến một loạt các biến đan xen, chồng chéo hoặc thậm chí mâu thuẫn với nhau.
Một trong những phi công chiến đấu F-16 hàng đầu của Không quân Mỹ đã bị máy bay không người lái được IA hỗ trợ hạ với tỷ số 5-0; Nguồn: forbes.com |
Vì vậy, có lẽ sự kết hợp người-máy có thể tạo ra cách tiếp cận tốt nhất, giả thiết rằng nó vừa có thể tối ưu hóa tốc độ ra quyết định được hỗ trợ bởi máy tính và phân tích nhanh trong khi vẫn bảo tồn và phát huy những đặc tính cụ thể đặc trưng cho nhận thức của con người?
Loại kết nối và mạng không người lái này chính là những gì mà các cơ quan quân sự Mỹ cho là cách tiếp cận chiến thuật và hoạt động quan trọng nhất cần ưu tiên; sự kết hợp giữa con người-máy tính có thể, sẽ dễ dàng thực hiện và ưu thế hơn một con người hoặc một cỗ máy riêng biệt.
Các bước tiếp theo của chương trình Tiến hóa Không chiến (Air Combat Evolution - ACE) về bản chất bao gồm tích hợp một tác nhân AI vào một máy bay thực tế quy mô nhỏ và cuối cùng là một máy bay chiến đấu có người lái kích thước đầy đủ. Việc chuyển đổi một nhân viên AI sang một máy bay không người lái có thể trở thành hiện thực sau hơn một thập kỷ nữa.
Các mục tiêu rộng và dài hơi hơn của ACE cũng bao gồm việc chuyển từ “quyền tự chủ chiến đấu cục bộ” được AI thể hiện trong trận không chiến 1 chọi 1 này sang các hoạt động chiến thuật mang tính đồng đội liên quan đến hai hoặc nhiều máy bay và các cuộc giao tranh với sự tham gia của đội hình nhỏ. Hy vọng của các nhà kỹ thuật quân sự Mỹ là sẽ có thể mở rộng những kinh nghiệm học được vào các môi trường mang tính toàn cầu hơn với các chiến dịch hoạt động có nhiều máy bay hơn./.
Từ khóa: trí tuệ nhân tạo chiến thắng F-16 có phi công trong không chiến, AI, “Heron”, F-16
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN