Thay đổi tích cực nhận thức về thẻ BHYT
Cập nhật: 21/09/2021
Nóng 24h: Hai chị em ruột tổ chức tụ điểm bán dâm trong khách sạn
Hơn 200.000 người nghiện toàn quốc, Bộ Công an quy rõ trách nhiệm địa phương
[VOV2] - Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền của ngành giáo dục, nhiều học sinh sinh viên có sự thay đổi tích cực nhận thức về thẻ BHYT. Với nhiều em, tấm thẻ có giá trị lớn nhất không phải thẻ ngân hàng mà chính là tấm thẻ BHYT.
Nếu như cách đây vài năm, nhiều sinh viên vẫn cho rằng: “Em có mua BHYT nhưng nói chung toàn vứt xó, chẳng bao giờ dùng đến”, “Bắt buộc thì phải mua thôi còn không có tác dụng lắm”, “Sinh viên chúng em còn trẻ, mấy khi ốm nên thẻ BHYT có dùng đến đâu”, thì nay đã có sự thay đổi trong suy nghĩ: “BHYT chính là 1 tấm thẻ vàng cho sức khỏe, không chỉ giá trị vật chất mà còn là điểm tựa tinh thần”, “Những chế độ đãi ngộ mà mình được hưởng từ BHYT là rất lớn và với cuộc sống của SV rõ ràng tiết kiệm được khoản nào có ích lợi ở khoản đó”.
Là người làm công tác HSSV lâu năm, ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng Phòng Chính trị công tác sinh viên, Trường ĐH KHTN, ĐH QGHN cũng khẳng định: Các bạn sinh viên ngày càng nhận thức được rõ giá trị của tấm thẻ BHYT này. Trước đây việc triển khai mua BHYT đối với các bạn HSSV thực sự là vấn đề khó khăn, khá là nan giải. Từ khi luật BHYT có hiệu lực các bạn HSSV cũng mới bắt đầu có thông tin và có sự thay đổi.
Để có được sự chuyển biến tích cực như vậy, ngoài công tác tuyên truyền trong trường học, nhiều bạn trẻ đã thực sự coi tấm thẻ BHYT như một chiếc “phao cứu sinh”, là “thẻ hộ mệnh” khi tận mắt chứng kiến nhiều câu chuyện trong thực tế.
Cách đây 2 năm, Bình An - cô học trò giỏi quê ở Hà Tĩnh đã xuất sắc vượt qua kỳ thi đại học để bước chân vào Học viện Báo chí và tuyên truyền, ngôi trường mà em khao khát ấp ủ từ lâu. Chân ướt chân ráo lên Hà Nội mới được một thời gian, em đã không may gặp tai nạn và bị gãy chân. “Khi đó, trong đầu em lo lắng 1 điều duy nhất là mình lấy tiền đâu ra để vào viện chữa trị vì chắc chắn chi phí rất tốn kém”. Xuất thân trong một gia đình mẹ làm nghề nông, bố kinh doanh nhỏ lẻ, dù không phải diện hộ nghèo nhưng để có thể lo được cho 2 chị em Bình An lên Hà Nội học đại học, bố mẹ em đã rất vất vả và phải chắt bóp chi tiêu. Chỉ cần phát sinh thêm 1 khoản nào khác thì đó là gánh nặng không hề nhỏ lên đôi vai họ. Rất may ngay từ đầu năm học, Bình An đã mua BHYT, “BHYT đỡ cho em 1 khoản lớn chứ nếu không thì quá khổ cho bố mẹ em”, Bình An vui mừng chia sẻ.
Phương Anh, sinh viên Đại học KHXH và NV, ngay từ nhỏ đã sớm nhận thấy giá trị của tấm thẻ BHYT khi chứng kiến người thân trong gia đình được quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh, giúp gia đình em vượt qua cơn khốn khó. Phương Anh khẳng định: “Thẻ bảo hiểm mang đến cho em lợi ích rất là lớn khi em phải chi trả những khoản chi phí rất là cao nhưng nhờ có tấm thẻ đấy, khoản chi phí còn rất là ít thì em thấy đấy là quyền lợi lớn đối với bản thân em.”
Trong những năm qua, rất nhiều học sinh sinh viên được “tấm bùa hộ mệnh” mang tên “thẻ BHYT” cứu giúp khi gia đình quá khó khăn không có khả năng chi trả. PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ câu chuyện của 1 em sv khi ông còn là Trưởng phòng Chính trị Công tác sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn: “Ở trường XH nhân văn có 1 sinh viên quê ở Sơn La bị bệnh tim bẩm sinh nhưng gia đình không có điều kiện để chữa trị. Sau này em xuống học ở trường Xã hội và nhân văn, Bệnh viện ĐHQG phối hợp với nhà trường và các tổ chức ngoài đã động viên, khám chữa cho em và sau đó khỏi căn bệnh này. Tôi nghĩ đấy là 1 trong ích lợi lớn nhất đối với SV khi tham gia BHYT đặc biệt là những SV bị bệnh hiểm nghèo hoặc những tai nạn bất ngờ đến với các em”.
Trong năm 2020, cả nước có trên 6,8 triệu lượt HSSV đi khám chữa bệnh BHYT và được Quỹ BHYT chi trả gần 2300 tỷ đồng. Trong đó, có những em được chi trả cả tỉ đồng. Hiện nay, thủ tục khám chữa bệnh BHYT cũng ngày càng tiện lợi. Từ sau ngày 1/6/2021 người bệnh đến khám chữa bệnh được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng Vssid, tức là BHXH số thay cho việc sẻ dụng thẻ BHYT giấy. Các bạn trẻ không còn phải băn khoăn với việc làm mất hay hỏng thẻ. Th.s Đặng Hương Giang, Trưởng phòng Chính trị và Công tác SV, trường ĐH Thuỷ lợi cho biết: “Khi ốm các em chỉ đi vào viện và mọi thông tin đã có trên hệ thống và các em sẽ được hưởng BHYT. Các nhân viên ở các cơ sở y tế làm các thủ tục bảo hiểm cho các em.”
Chia gánh nặng, sẻ nỗi lo, với nhiều học sinh sinh viên, tấm thẻ có giá trị lớn nhất không là tấm thẻ ngân hàng mà chính là tấm thẻ BHYT. “Chúng ta hãy đừng tiếc điều gì cả mà hãy tự nguyện tham gia thẻ BHYT và hãy giữ bên mình 1 tấm thẻ BHYT để thấy yên tâm hơn về vấn đề sức khỏe của bản thân và cũng từ đó thể hiện được cách mà chúng ta bảo vệ được sức khỏe của bản thân cũng như sức khỏe của gia đình 1 cách rất văn minh, văn hóa và đặc biệt rất là nhân văn.” – một bạn sinh viên Học viện báo chí và tuyên truyền chia sẻ.
Riêng tại thủ đô Hà Nội, trong những năm qua, BHXH TP Hà Nội và Sở GD&ĐT Hà Nội luôn quan tâm đặc biệt đến công tác BHYT học sinh sinh viên. Tỷ lệ tham gia BHYT năm sau luôn cao hơn năm trước. Tuy nhiên, theo ông Kiều Cao Trinh, Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, mục tiêu đạt tỷ lệ 100% học sinh sinh viên tham gia BHYT còn khó khăn vì có 1 bộ phận phụ huynh và học sinh chưa thực sự hiểu rõ về quyền lợi khi tham gia BHYT. Tỷ lệ này cũng còn chưa đồng đều do mức sống ở các vùng ngoại thành, huyện nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Để tiến tới mục tiêu tất cả HSSV được thụ hưởng đầy đủ quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, thời gian qua Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội đã nhiều phương pháp để đẩy mạnh công tác này.
Từ khóa: BHYT học sinh sinh viên, tấm thẻ vàng, phao cứu sinh
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2