Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công trình giao thông trọng điểm quốc gia
Cập nhật: 29/01/2024
Chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam (21/11/2024)
Đường sắt tốc độ cao – cơ hội cho doanh nghiệp Việt (25/11/2024)
VOV.VN - Sáng 29/1, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai Công điện số 02 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng chiến lược quốc gia, công trình giao thông quan trọng, trọng điểm.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu lên những khó khăn vướng mắc của việc quản lý hợp đồng xây dựng; việc điều chỉnh, bổ sung hợp đồng xây dựng từ khâu xác lập hợp đồng đến khâu thực hiện hợp đồng, nghiệm thu, thanh quyết toán hợp đồng xây dựng, đặc biệt là việc xác lập hợp đồng khi áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Đại diện các đơn vị cũng phân tích, làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành; trách nhiệm thẩm quyền của các địa phương và các chủ thể liên quan đến quá trình triển khai dự án.
Trong đó, việc hoàn thiện thể chế pháp luật về việc ban hành định mức, đơn giá xây dựng, đặc biệt là định mức chuyên ngành, đặc thù là cần thiết trong tình hình hiện nay. Việc xác định quy trình, quy định, thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước gồm các Bộ, ngành, địa phương; của các chủ thể dự án từ Người quyết định đầu tư đến Chủ đầu tư và các Nhà thầu, doanh nghiệp để tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc không rõ thẩm quyền.
Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Đỗ Đình Phan nêu thực tế, đối với công trình đường vành đai 4 mà Hà Nội đang thực hiện, vẫn chưa có hướng dẫn, điều chỉnh. Việc này thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng. Trong khi đó, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư theo quy định hiện nay là khoảng 70 tỷ đồng, không đủ để thực hiện dự án trong 2 năm.
“Thành phố Hà Nội, với dự án công trình thi công trong nội đô, vừa thi công, vừa tổ chức giao thông, việc cung ứng vật liệu và chở vật liệu từ 21 giờ đêm đến 5 giờ sáng là phải hoàn thành. Nếu công trình thi công trong 3-5 năm lại vướng giải phóng mặt bằng thì chi phí quản lý dự án của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện nội đô, tôi đề nghị điều chỉnh chi phí vì đó là công trình đặc thù của dự án”, ông Đỗ Đình Phan nêu ý kiến.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm khẳng định, việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án, công trình trọng điểm như: hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường cao tốc trục nối Đông – Tây, đường Vành đài 4 Hà Nội, Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, nâng cấp hệ thống đường sắt quốc gia; các Dự án đường sắt đô thị; các Dự án cảng biển; hệ thống các cụm cảng hàng không… được triển khai đồng bộ, giúp kết nối phát triển kinh tế các vùng, liên vùng và vùng kinh tế trọng điểm quốc gia đang tạo nên diện mạo mới cho đất nước.
Tuy nhiên, thực tế trong công tác quản lý, quản trị dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý định mức, giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng, nhất là giá vật liệu xây dựng tại mỏ giao cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, Chính phủ. Việc này, đòi hỏi các cơ quan Quản lý nhà nước, các nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp có trách nhiệm tập trung chỉ đạo về quy trình tổ chức thực hiện, đi đôi với đó là công tác giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật. Đây là những vấn đề cần nhanh chóng được tháo gỡ, để các công trình giao thông trọng điểm quốc gia được triển khai thuận lợi, đúng tiến độ và chất lượng, như tinh thần chỉ đạo tại Công điện số 02, ngày 9/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
“Thông qua các tham luận của các đơn vị, của UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan tham mưu của 2 bộ, chúng tôi sẽ cùng Bộ Xây dựng tổng hợp, nhận diện những khó khăn vướng mắc từ thực tế, để cùng nhau tìm ra các giải pháp tháp gỡ. Từ đó, sửa đổi bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật và trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ để có các văn bản hướng dẫn chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết.
Từ khóa: công trình giao thông, công trình giao thông trọng điểm quốc gia,đơn giá xây dựng,vật liệu xây dựng
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: thành trung/vov1
Nguồn tin: VOVVN