Thành phố Huế mở rộng, cơ hội mới tạo bứt phá vươn lên
Cập nhật: 21/07/2021
Rầm rộ thi công cao tốc “nối rừng với biển” những ngày đầu Xuân
Đầu Xuân, nông dân Bình Chánh kể chuyện làm nông nghiệp bền vững
VOV.VN - Ngày 1/7, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức mở rộng theo Nghị quyết 54 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Huế mở rộng - nhận được sự ủng hộ, đồng thời là mong muốn của người dân đưa TP.Huế phát triển mạnh mẽ.
Những ngày này, hàng chục ngàn người dân ở các vùng nông thôn thuộc các huyện, thị xã Phú Vang, Hương Trà, Hương Thủy phấn khởi khi được trở thành công dân thành phố. Tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, nhiều người háo hức chờ ngày có ý nghĩa lịch sử này. Ông Nguyễn Đại, tổ dân phố Tân An, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang cho biết, khi sáp nhập vào thành phố Huế, hy vọng sẽ có nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương phát triển xứng tầm.
“Thị trấn Thuận An sáp nhập với thành phố thì đa số người dân rất đồng tình hưởng ứng. Chắc chắn rằng sau khi lên thành phố, diện mạo đô thị sẽ thay đổi và người dân sẽ được hưởng lợi nhiều mặt. Mình mong muốn, khi được sáp nhập vào thành phố với chính quyền mới sẽ được đầu tư thêm nhiều cơ sở hạ tầng, nhiều thiết yếu khác để người dân cũng mở mang, hưởng lợi nhiều hơn”, ông Nguyễn Đại bày tỏ.
Việc mở rộng thành phố Huế là bước mở đầu quan trọng trong tiến trình cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị. Theo đó, đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với thành phố Huế là “hạt nhân” trung tâm. Huế hướng đến là thành phố sáng tạo, trù phú, yên bình, phát triển, hạnh phúc, là “hạt nhân” trung tâm của đô thị di sản, văn hóa, sinh thái cảnh quan thân thiện với môi trường. Tại xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, phố cổ Bao Vinh dường như sôi động hơn trong những ngày này.
Ông Lê Quang Chất, một người dân sống ở phố cổ Bao Vinh cho hay, khi biết thông tin, xã sắp lên thành phố, người dân rất phấn khởi: “Sáp nhập vào thành phố điều đó là rất vui mừng cho người dân ở xã Hương Vinh nói chung và Bao Vinh nói riêng. Nói đến thành phố thì ai cũng mong muốn vì đó là nơi tập trung, hội tụ tất cả những vấn đề kinh tế, xã hội văn hóa, tất cả những tiện nghi khoa học đều tập trung thành phố, thành thử đời sống sẽ cao và sự tập trung phát triển kinh tế cũng mạnh mẽ. Bây giờ được lên thành phố thì hy vọng tất cả những điều kiện thuận lợi sẽ đến với Bao Vinh”.
Nghị quyết số 1264 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mở rộng thành phố Huế theo trục kéo dài từ thượng nguồn đến hạ nguồn sông Hương, ngoài phát huy thế mạnh về các di sản, di tích thu hút du khách, Huế còn phát huy thế mạnh về dịch vụ-du lịch, dịch vụ sinh thái, du lịch biển... Khi mở rộng, không gian đô thị Huế không chỉ có di sản hiện có mà còn trở thành đô thị có đủ địa hình: đồng bằng, biển, đầm phá và cả vùng núi.... là lợi thế để phát triển. Thành phố Huế đón nhận sự đổi mới với nguồn lực sẵn có và thời cơ, vận hội, sự tiếp tục chuyển mình, kiện toàn hơn nữa từ việc xây dựng hệ thống đến các chương trình hành động cụ thể. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, việc mở rộng không gian đô thị Huế, sẽ có điều kiện thuận lợi để bảo tồn di sản- giá trị cốt lõi.
“Nếu kết hợp được yếu tố giữa bảo tồn và phát triển, không chỉ bảo vệ vùng di sản trọng điểm mà còn phải hình thành các khu đô thị mới theo hướng kết hợp giữa yếu tố hiện đại với yếu tố truyền thống. Kết hợp giữa kiến trúc đô thị với cảnh quan thiên nhiên. Kết hợp giữa phát triển dịch vụ và giữ gìn lối sống mang đậm bản sắc văn hóa Huế thì đó sẽ là một đô thị có sắc thái riêng và bổ sung vào giá trị văn hóa của người Việt Nam”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nêu ý kiến.
Hiện, thành phố Huế có diện tích 70,67km2, dân số hơn 354.100 người. Sau khi điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố và sắp xếp, thành lập các phường, diện tích thành phố Huế sẽ tăng lên 265,99km2, tăng 3,8 lần, dân số hơn 652.500 người, tăng 1,8 lần. Như vậy, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 2 xã Thủy Vân, Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy; 2 phường Hương Hồ, Hương An và 4 xã Hương Thọ, Hương Phong, Hương Vinh, Hải Dương, thị xã Hương Trà; 4 xã Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh và thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang sẽ thuộc thành phố Huế…
Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế cho biết, việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế để Huế có điều kiện thực hiện tốt “sứ mệnh” gìn giữ những giá trị di sản, giá trị văn hóa cốt lõi mà tổ tiên đã để lại và tạo cơ hội mới cho thành phố phát triển nhanh.
“Việc mở rộng này cũng tạo điều kiện cho thành phố phát triển đô thị về nhiều hướng, đặc biệt là về hướng biển. Đây cũng là cơ hội để chúng ta bảo tồn, bảo vệ được những giá trị di sản, di tích đang có trên địa bàn, nhằm hướng đến việc xây dựng Huế thành một đô thị di sản mẫu mực, là phần chủ yếu của đô thị di sản tỉnh Thừa Thiên Huế của Trung ương sau này theo tinh thần của Nghị quyết 54”, ông Phan Thiên Định cho biết thêm./.
Từ khóa: Huế, thành phố Huế, thành phố Huế mở rộng, cố đô Huế
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN