Thanh niên làm giàu từ các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao

Cập nhật: 26/03/2021

VOV.VN - Trên địa bàn huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái những năm gần đây kinh tế tập thể có bước phát triển khá, từ mô hình trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến sâu sản phẩm...

Trong đó, hợp tác xã Thanh niên Lâm Thượng là một điển hình về việc liên kết cùng nhau phát triển sản xuất, nhằm hạn chế những rủi ro, ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Sau nhiều năm tìm hiểu thị trường, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh lân cận, anh Phạm Hải Chiều, sinh năm 1986 ở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái quyết định lựa chọn mô hình nuôi thỏ, bởi theo anh, thỏ là vật nuôi có sức sống phù hợp với thời tiết, khí hậu của địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Tháng 3/2018, anh đã tập hợp, vận động một số hộ gia đình tham gia thành lập hợp tác xã Thanh niên Lâm Thượng do anh trực tiếp làm giám đốc, ngành nghề chủ yếu là sản xuất, chế biến các sản phẩm từ thỏ và măng mai.

"Hiện tại HTX có nhiều ngành nghề kinh doanh, nhưng chính vẫn là thỏ và măng mai. Riêng về con thỏ thì hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gặp đôi chút khó khăn, tuy nhiên chúng tôi đã có kế hoạch định hướng. Cụ thể, hiện đầu ra hơi chậm nên trước mắt chúng tôi duy trì đàn, khi đầu ra tốt hơn chút thì chúng tôi mới tăng đàn. Song song với đó chúng tôi tích cực tìm thêm đầu ra" - anh Chiều cho biết.

Sau khi thành lập HTX và xác định được ngành nghề, để đảm bảo có đầu ra của sản phẩm ổn định, anh Phạm Hải Chiều đã lặn lội sang tận Thái Nguyên tìm hiểu thị trường và ký kết được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với HTX thanh niên Tân Linh, huyện Đại Từ, cùng nhiều nhà hàng trong và ngoài tỉnh.

Nhờ năng động, sáng tạo, nên chỉ trong một thời gian ngắn thành lập, HTX thanh niên Lâm Thượng đã phát triển lên 22 hộ thành viên, với đàn thỏ trên 4.000 con mỗi lứa. Bình quân mỗi tháng, HTX xuất khoảng 1 tấn thỏ thịt thương phẩm, với giá ổn định 70.000 đồng/kg. Để đa dạng sản phẩm, HTX còn sơ chế thỏ thành nhiều món như: Thịt thỏ ướp gia vị để xào, rán, chiên giòn, mắm thỏ, lẩu thỏ, xúc xích thỏ... cung cấp cho thị trường.

Bên cạnh nuôi thỏ, HTX còn trồng và chế biến sản phẩm từ cây măng mai – sản phẩm đặc sản của xã Lâm thượng. Với diện tích khoảng 100 ha, mỗi năm, HTX đã thu trên 400 tấn măng tươi, sản xuất khoảng 5 tấn măng khô. Từ đó, mỗi hộ thành viên có thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm.

Anh Phạm Vũ Lực, thành viên HTX Thanh niên Lâm Thượng chia sẻ: "Trước đây tôi không nuôi thỏ, sau khi thấy mọi người nuôi cũng ổn nên về cùng anh em bên HTX nuôi và phát triển. Liên kết với nhau được chia sẻ nhiều kinh nghiệm như làm chuồng trại, phối giống, phòng trừ dịch bệnh".

Chị Hoàng Thị Dét, Bí thư đoàn xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên cho biết, mô hình hợp tác xã này bước đầu đã mang lại hiệu quả tại địa phương, tạo công an việc làm tại chỗ cho thanh niên địa phương; phần nào giảm bớt tình trạng thanh niên bỏ làng, bỏ quê đi làm ăn xa.

"Hiệu quả rõ nét nhất HTX thanh niên Lâm Thượng mang lại là tạo việc làm tại chỗ cho thanh niên địa phương. Sau một thời gian hoạt động ổn định và mở rộng các mặt hàng, quy mô kinh doanh hiện HTX đã tạo việc làm cho hơn 20 lao động nông thôn có công việc ổn định; giúp cho thanh niên có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn phát triển kinh tế, lập nghiệp tại quê hương" - chị Hoàng Thị Dét cho biết.

Từ biết sử dụng tiềm năng sẵn có, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, HTX thanh niên Lâm Thượng được đánh giá là một trong những mô hình thanh niên tiêu biểu ở Lục Yên. Vui hơn cả, cuối năm 2020 vừa qua, các sản phẩm của HTX đã được UBND tỉnh Yên Bái cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao. Đây thực sự là điều kiện thuận lợi, giúp HTX mở rộng thị trường, phát triển thành viên, cũng như tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho thanh niên địa phương trong thời gian tới./.

Từ khóa: mô hình kinh tế, mô hình làm giàu, khởi nghiệp, thanh niên khởi nghiệp, mô hình nuôi thỏ, giá thỏ thịt

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập