Thanh Hoá: Lơ là trong phòng chống dịch tả lợn Châu Phi
Cập nhật: 25/09/2019
Trung tướng Khuất Duy Tiến từ trần
Thời tiết ngày 24/11: Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa to đến rất to
VOV.VN -Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa khẳng định vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong phòng chống dịch tả lợn.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi theo quy định các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải được chính quyền địa phương phun thuốc tiêu độc khử trùng mỗi ngày một lần.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của anh Hoàng Ngọc Luận- chủ cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi ở Thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, kể từ ngày bùng phát dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện đến nay, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi của gia đình vẫn chưa một lần được phun thuốc tiêu độc, khử trùng. Vấn đề đáng lo ngại hơn là cơ sở của anh chưa được chính quyền thị trấn Vạn Hà tuyên truyền, hướng dẫn về công tác phòng chống dịch.
Thương lái vận chuyển lợn tại vùng dịch. |
“Xe nhà nếu có đi chở mới tiêu độc khử trùng, qua các điểm chốt các cơ quan chức năng mới phun nếu không chúng tôi cũng không được phun.”- anh Luận nói.
Còn tại ở thôn Phong Lượng, xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương, lợn của gia đình anh Bùi Sỹ Huy bị chết bốc mùi hôi thối nhưng chưa được tiêu hủy. Theo quy định, khi lợn bị dịch và chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và được tiêu hủy trước 12 giờ. Anh Huy cho biết, số lợn trên đã chết từ ngày 16/9, gia đình đã báo với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đến ngày 17/9, số lợn chết đã bị phân hủy và phát tán mùi hôi thối nhưng chưa được chính quyền địa phương đến để làm công tác tiêu hủy.
“Sáng ngủ dậy chúng tôi phát hiện lợn chết vào báo chính quyền địa phương, chính quyền bảo chiều vào tiêu hủy nhưng đến chiều vẫn phải chờ họ đến”- anh Bùi Sỹ Huy cho biết.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều tồn tại, yếu kém của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Qua công tác kiểm tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhiều địa phương chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, chưa quan tâm đến công tác tiêu độc khử trùng tại các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, tại các chuồng trại chăn nuôi, vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Đây chính là những nguyên nhân làm phát sinh, không kiểm soát được dịch bệnh, làm cho dịch tái phát trở lại, có chiều hướng diễn biến phức tạp trên địa bàn.
“Do ảnh hưởng của bão số 3 làm nguồn nước toàn tỉnh bị ô nhiễm, mầm bệnh của tất cả trang trại chăn nuôi đưa ra đồng ruộng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các xã lơ là trong công tác quản lý, chủ quan cho rằng dịch đã khống chế. Ngoài ra, số lượng chăn nuôi nhỏ lớn không được kiểm soát.”- ông Nguyễn Viết Thái, phó giám đốc Sở NN và PT nông thôn Thanh Hóa cho biết.
Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 1.100 thôn, 231 xã của 21 huyện đang còn dịch tả lợn Châu Phi, trong đó có 81 xã tái phát dịch trở lại. Trước tình hình dịch bệnh có chiều hướng gia tăng trở lại, nếu cấp ủy, chính quyền và người dân chủ quan, lơ là sẽ khiến cho bệnh dịch tiếp tục lây lan, gây nên những tổn thất nặng nề đối với người chăn nuôi và toàn xã hội./.
Từ khóa: dịch tả lợn châu phi, thanh hóa bùng phát dịch tả lợn, phòng chống dịch, tiêu hủy
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN