Thành công sau chuyến thăm của Thủ tướng tới Campuchia và dự HNCC ASEAN
Cập nhật: 14/11/2022
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
UAV cáp quang Nga bay thẳng vào lòng thiết giáp Ukraine từ phía sau
VOV.VN - Chuyến thăm chính thức Campuchia và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Việt Nam và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công tốt đẹp.
Sự tham gia và đóng góp của Việt Nam tại các hội nghị với tâm thế là một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm đã cho thấy vai trò và vị thế quan trọng của Việt Nam trong khu vực, được các nước ASEAN và các đối tác tôn trọng, đánh giá cao.
Chuyến thăm chính thức đến Campuchia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa nhiều mặt, thể hiện sự coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác, củng cố tình hữu nghị, đoàn kết, sự tin cậy giữa hai nước trong “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022”, đúng với tinh thần “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và bền vững lâu dài” giữa Việt Nam và Campuchia. Chuyến thăm đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần đưa quan hệ hợp tác giữa hai bên phát triển sâu rộng hơn nữa trong thời gian tới.
Về chính trị, hai bên khẳng định quyết tâm củng cố và phát triển hơn nữa tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia, thúc đẩy và tăng cường đoàn kết, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc, đưa hợp tác song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả; coi đó là yêu cầu khách quan tất yếu đối với cả hai nước.
Về kinh tế - thương mại - đầu tư, đây là tiêu điểm của chuyến thăm. Hai bên không những củng cố nền tảng đã có từ trước mà còn thúc đẩy, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, góp phần hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời bảo đảm hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường kết nối hai nền kinh tế về cơ sở hạ tầng cứng cũng như về thể chế và chính sách, gồm cả việc thúc đẩy sớm hoàn thành Quy hoạch tổng thể kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Campuchia đến năm 2030.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, qua Hội đàm, hai Thủ tướng đã thống nhất: Thúc đẩy hợp tác để hai bên mở cửa cho các mặt hàng mà hai bên có thế mạnh được thâm nhập sâu hơn, nhiều hơn vào thị trường của nhau. Thúc đẩy thương mại ở khu vực biên giới thông qua hợp tác đầu tư phát triển hạ tầng thương mại và khuyến khích, thu hút đầu tư mạnh hơn vào khu vực này; Tăng cường kết nối, đảm bảo chuỗi cung ứng, nhất là chuỗi cung ứng các loại hàng hóa là nguyên liệu của các ngành sản xuất mà hai bên có nhu cầu; Hợp tác đảm bảo an toàn lưới điện và tiếp tục hợp tác phát triển cácnguồn điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của hai nước.
Tập trung tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp 2 nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh vào nhau, nhất là tại khu vực biên giới nhằm xây dựng biên giới Việt Nam – Campuchia ổn định và phát triển. Trong chuyến thăm lần này Bộ Công thương được Chính phủ ủy quyền ký 3 văn bản rất quan trọng để tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong việc hợp tác đầu tư và thương mại giữa 2 nước.
Tại Diễn đàn xúc tiến Đầu tư và thương mại Việt Nam – Campuchia, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Sen cùng khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ là chủ thể của tiến trình hợp tác, mà cần đóng vai trò chủ động khởi xướng các ý tưởng mới, động lực mới trong hợp tác thương mại, đầu tư, làm phong phú hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Hai Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Campuchia tăng cường và mở rộng đầu tư hơn nữa với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư kinh doanh hiệu quả.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia là tài sản vô giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước. Mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm gìn giữ, vun đắp cho mối quan hệ này “đơm hoa kết trái”; mỗi dự án, công trình đầu tư của doanh nghiệp hai nước không chỉ thể hiện sự hợp tác đơn thuần mà còn là nỗ lực đóng góp tích cực cho tình hữu nghị, đoàn kết Việt Nam - Campuchia.
Với những định hướng mới và khuôn khổ quan hệ hợp tác trong thời kỳ mới, cùng với sự quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, trên tinh thần tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả, quan hệ Việt Nam - Campuchia nhất định sẽ phát triển lên tầm cao mới, vì sự phồn vinh của mỗi quốc gia, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân hai nước.
Thủ tướng Hun Sen kêu gọi các nhà doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà đầu tư Việt Nam, những ai đã từng sang thăm Campuchia và các doanh nhân doanh nghiệp, các nhà đầu tư chưa đến Campuchia sang tìm hiểu thêm về tiềm năng cơ hội đầu tư thương mại tại Campuchia, cùng với quyết định đầu tư hợp tác để thu lợi ích tối đa từ sự hợp tác song phương và đa phương.
Thay mặt Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Thủ tướng Hun Sen xin đảm bảo với tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà đầu tư về môi trường thuận lợi, đặc biệt là hòa bình an ninh và ổn định chính trị, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô, khuôn khổ pháp lý và thể chế hiệu quả.
Về vấn đề cộng đồng người Việt tại Campuchia, trong hội đàm với Thủ tướng Hunsen và các nhà lãnh đạo Campuchia, Thủ tướng đề nghị phía Campuchia tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người gốc Việt sinh sống, làm việc ổn định và hợp pháp tại Campuchia, hoà nhập và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của sở tại, góp phần gắn kết và thắt chặt quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai dân tộc.
Đặc biệt về hợp tác biên giới và quốc phòng, an ninh, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết triển khai rất hiệu quả Hiệp định biên giới mà cả hai ký kết. Đây cũng là điểm nhấn và yếu tố quan trọng của hai nước láng giềng có chung biên giới. Việc phân định biên giới cắm mốc được 84% và xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị hợp tác sẽ tạo cơ sở cho việc hai bên đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa các tỉnh biên giới của hai bên, đồng thời cũng tạo ra hệ thống cửa khẩu, lối mòn để tăng cường giao lưu hàng hóa giữa hai bên trong thời gian tới, việc này cũng rất quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa hai bên.
Đồng thời hai bên cũng trao đổi lĩnh vực hợp tác về quốc phòng, an ninh. Hai bên cam kết, trong tuyên bố chung nêu rõ, hai bên đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, không để thế lực thứ ba nào sử dụng lãnh thổ của nước này để chống lại nước kia, xâm phạm lợi ích của nước kia. Đó cũng là yếu tố rất quan trọng đảm bảo cho hai nước có thể phối hợp cùng duy trì hòa ninh ổn định để phát triển trong tương lai.
Trong lần này, hai bên đã ký 11 văn kiện hợp tác trên rất nhiều lĩnh vực như thương mại, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải, nông nghiệp, lao động, thông tin truyền thông, dân tộc và tôn giáo, doanh nghiệp hai nước cũng ký kết một số hợp đồng và thỏa thuận kinh doanh đã làm phong phú kết quả chuyến thăm và làm sâu sắc hơn hợp tác giữa hai nước.
Đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác về phát thanh và truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với Bộ thông tin Campuchia, mở ra một giai đoạn hợp tác toàn diện cả về phát thanh, truyền hình, hợp tác về nội dung, kĩ thuật và nhiều lĩnh vực quan trọng khác.
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ nhấn mạnh: "Đây là lần đầu tiên Đài Tiếng nói Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Thông tin Campuchia, mở ra một giai đoạn hợp tác toàn diện cả về phát thanh, truyền hình, hợp tác về nội dung, kĩ thuật và nhiều lĩnh vực quan trọng khác. Sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác này một lần nữa khẳng định cam kết về việc hợp tác lâu dài, bền vững giữa đài TNVN với ngành phát thanh, truyền hình của Campuchia. Trong lần ký kết này, 2 bên đã nhất trí chính thức hóa việc hợp tác giữa các Đài quốc gia nhằm thiết lập và phát triển mối quan hệ hợp tác, làm phong phú nội dung chương trình phát sóng và giúp trao đổi thông tin nhanh chóng hơn, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia".
Hợp tác trong lĩnh vực lao động và việc làm, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ, đối với vấn đề hợp tác về lao động, hai bên thống nhất rất cao, đó là thiết lập các hệ thống về chính sách, trao đổi kinh nghiệm trong việc phát triển thị trường lao động, về vấn đề bảo hiểm xã hội, vấn đề xây dựng hệ thống an sinh xã hội bao trùm bền vững.
Hai bên tập trung giải quyết những vấn đề cốt lõi đó là tạo điều kiện để cho người lao động Việt Nam và cũng như Campuchia tham gia sâu hơn, rộng hơn và hiệu quả hơn vào trong phát triển các doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển kinh tế và hợp tác giữa hai nước. Hai bên đẩy mạnh các giải pháp để phòng ngừa việc lao động di cư vì lợi ích và vì việc này theo hướng kiên quyết chống lao động cưỡng bức và đặc biệt chống các hành vi bóc lột lao động, buôn bán lao động qua biên giới các nước lẫn nhau.
Sau 4 ngày làm việc khẩn trương với lịch trình dày đặc hơn 20 hoạt động, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan đã thành công tốt đẹp, đạt nhiều kết quả quan trọng, cả trong hợp tác của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác.
Qua các hội nghị một lần nữa khẳng định rõ nét sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Trong bối cảnh phức tạp và bất ổn hiện nay, các nước đều khẳng định ASEAN đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì đà hợp tác, thúc đẩy phục hồi bền vững một cách hiệu quả. Trong khi bức tranh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều mảng xám, Đông Nam Á thực sự là điểm sáng với dự báo tăng trưởng đạt 5.3% trong 2022. Nối lại giao thương, mở cửa kinh tế, triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do là những ưu tiên tất cả các nước đề cập trong nỗ lực chung về phục hồi sau đại dịch.
Tại các Hội nghị, ASEAN và các đối tác đã đưa ra nhiều biện pháp và cam kết nguồn lực cụ thể nhằm ứng phó các thách thức đang nổi lên như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, môi trường, an ninh năng lượng, an ninh lương thực. Các nước cũng đề xuất nhiều sáng kiến thiết thực trong các lĩnh vực được quan tâm hiện nay như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN được phát huy mạnh mẽ trong các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định. Đặc biệt, trong vấn đề Myanmar, với việc thông qua quyết định về triển khai Đồng thuận 5 điểm, ASEAN thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn trong hỗ trợ Myanmar, một thành viên của gia đình, vượt qua khó khăn. Các đối tác cũng khẳng định ủng hộ ASEAN hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp ổn định tình hình.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo các nước ASEAN thông qua Tuyên bố về việc Timor Leste xin gia nhập ASEAN, trong đó đồng ý về nguyên tắc việc kết nạp Timor Leste là thành viên thứ 11 của ASEAN, trao quy chế quan sát viên và xây dựng lộ trình cho việc gia nhập của nước này.
Tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN tiếp tục là ưu tiên của các nước, nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của các đối tác. Triển khai xây dựng Cộng đồng ASEAN tiến triển tích cực, đặc biệt ở trụ cột chính trị - an ninh ghi nhận tỷ lệ triển khai đạt 98%. Các nước cam kết nỗ lực hoàn tất đúng hạn kế hoạch đề ra, tạo cơ sở vững chắc cho liên kết ASEAN trong giai đoạn mới.
Các nước nhất trí sẽ dành ưu tiên xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, văn kiện chiến lược bao trùm để định hướng cho ASEAN trong thập kỷ tới, bảo đảm đoàn kết, vai trò trung tâm, tự cường và khả năng thích ứng của ASEAN trong bối cảnh mới. Các đối tác cũng cam kết sẽ ủng hộ và hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, ưu tiên các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, kết nối, phát triển tiểu vùng…
Về quan hệ với các đối tác cũng ghi nhận những tiến triển cụ thể, thực chất. Đây là lần đầu tiên các Hội nghị Cấp cao ASEAN và các đối tác tổ chức trực tiếp sau gần 3 năm gián đoạn do dịch bệnh; những người đứng đầu nhà nước và chính phủ của hầu hết các đối tác đều tham dự, một mặt cho thấy mong muốn và quyết tâm của các nước nối lại trao đổi trực tiếp cao nhất, mặt khác cho thấy sự quan tâm và coi trọng của các đối tác dành cho ASEAN.
Đáng chú ý, Lãnh đạo các nước đã thông qua Tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Hoa Kỳ và ASEAN-Ấn Độ, đồng ý về nguyên tắc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Canada, ghi nhận đề nghị của Hàn Quốc và Nhật Bản nâng cấp quan hệ với ASEAN. Một số đối tác cũng bày tỏ mong muốn tổ chức các Hội nghị Cấp cao kỷ niệm với ASEAN như kỷ niệm 50 năm ASEAN - Nhật Bản trong năm 2023 và 50 năm ASEAN - Australia trong năm 2024.
Kết thúc các Hội nghị, Lãnh đạo các nước đã thông qua và ghi nhận hơn 100 văn kiện về nhiều nội dung quan trọng, trong đó đáng chú ý Tuyên bố kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN, Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN “Cùng ứng phó thách thức”, Tuyên bố kỷ niệm 20 năm DOC…
Trong chuyến công tác lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam đã tham dự các hội nghị với tinh thần trách nhiệm và có nhiều đóng góp thực chất cho hợp tác ASEAN và với các đối tác cũng như thành công chung của các hội nghị.
Việt Nam thể hiện rõ nét vai trò cầu nối, thúc đẩy đồng thuận của ASEAN trong rất nhiều quyết sách quan trọng, đặc biệt về việc ra quyết định của Lãnh đạo các nước ASEAN về triển khai Đồng thuận 5 điểm và Tuyên bố về việc Timor Leste xin gia nhập ASEAN. Qua đó, đóng góp quan trọng vào củng cố đoàn kết, hình ảnh và uy tín của ASEAN.
Với tinh thần tích cực và chủ động, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất nhiều nội dung hợp tác quan trọng, nhận được sự quan tâm của các nước. Trong các hoạt động tiếp xúc song phương và đa phương, Thủ tướng đều nhấn mạnh các nước cần tiếp tục cùng nhau mở cửa nền kinh tế, không đưa ra các biện pháp hạn chế thương mại, bảo đảm giao thương mở an toàn, duy trì các chuỗi cung ứng vận hành thông suốt, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và hỗ trợ các nước đang phát triển trong phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư ASEAN, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, trong một thế giới luôn biến động, tiềm ẩn nhiều rủi ro như ngày nay, chúng ta nhận thức rõ rằng, để ứng phó với những thách thức mang tính toàn cầu cần phải có cách tiếp cận toàn cầu cùng những giải pháp toàn cầu, vượt qua khủng hoảng, phục hồi kinh tế. Điều này cần có sự nỗ lực, đoàn kết, chung tay vun đắp của tất cả 10 nước thành viên ASEAN cũng như của các bạn bè, đối tác. Cần thúc đẩy hơn nữa nỗ lực chung, tăng cường hợp tác công - tư. Các doanh nghiệp, hơn lúc nào hết, cần đồng hành chặt chẽ cùng các Chính phủ trong việc khởi xướng, đề xuất các ý tưởng, sáng kiến để thúc đẩy nền kinh tế khu vực phục hồi bền vững và có khả năng thích ứng cao hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất, đó là giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình. Việt Nam sẵn sàng hợp tác để đẩy mạnh kết nối hạ tầng kỹ thuật số, hướng tới khu vực phát triển kỹ thuật số đồng đều và bền vững; đồng hành cùng các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN cũng như các nước đối tác và nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất để tận dụng tối đa cơ hội kinh doanh, đầu tư.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm về việc lấy người dân là trung tâm, mục tiêu và động lực của các nỗ lực phục hồi và phát triển bền vững, quan tâm thỏa đáng đến các đối tượng dễ bị tổn thương, người yếu thế trong xã hội.
Trong trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, Thủ tướng đều có phát biểu đóng góp, chia sẻ quan điểm của Việt Nam về Biển Đông, Myanmar, xung đột Ukraine và nhiều nội dung khác trên tinh thần cân bằng, hài hòa và xây dựng. Những chia sẻ của Thủ tướng không chỉ khẳng định vai trò và trách nhiệm của Việt Nam mà còn góp phần củng cố lập trường nguyên tắc và cách tiếp cận khách quan, cân bằng của ASEAN. Qua đó, giúp phát huy giá trị đối thoại và hợp tác của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, khuyến khích sự tham gia xây dựng và đóng góp có trách nhiệm của các đối tác cho hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực.
Những đóng góp của Việt Nam cũng thể hiện nhất quán sự ủng hộ của chúng ta đối với Chủ tịch ASEAN, góp phần vào thành công chung của các Hội nghị, củng cố thêm nền tảng vững chắc cho mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã có 17 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các Lãnh tham dự Hội nghị, góp phần tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước, mở ra các cơ hội mới đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh quốc phòng, văn hóa giáo dục, giao lưu nhân dân… ngày càng sâu sắc và thực chất.
Nhìn tổng thể, sự tham gia và đóng góp của Việt Nam tại các hội nghị với tâm thế của một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm đã cho thấy vai trò và vị thế quan trọng của Việt Nam trong khu vực được các nước ASEAN và các đối tác tôn trọng, đánh giá cao./.
Từ khóa: hoạt động của Thủ tướng tại Campuchia, Thủ tướng thăm Campuchia, Thủ tướng dự hội nghị cấp cao ASEAN 40, 41
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN