Thận trọng đề xuất cho người nước ngoài mua bất động sản du lịch

Cập nhật: 17/06/2020

VOV.VN - Người nước ngoài “núp bóng” mua đất ven biển khu vực “nhạy cảm” vẫn còn đó, đề xuất cho mua bất động sản du lịch phải xem xét cẩn trọng.

Bộ Xây dựng đưa đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng tăng số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu trong mỗi một toà nhà chung cư; cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch tại Việt Nam.

Vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, cho phép cá nhân nước ngoài mua công trình xây dựng không phải là nhà ở như bất động sản du lịch sẽ góp phần thu hút nguồn vốn lớn đầu tư vào phân khúc bất động sản này và vẫn có thể quản lý bằng các quy định về điều kiện, thủ tục mua bất động sản của người nước ngoài tương tự như quy định đối với nhà ở.

Chính vì thế, VNREA kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi khoản 2 Điều 14 Luật kinh doanh bất động sản theo hướng cho phép cá nhân nước ngoài được mua các bất động sản khác không phải là nhà ở. Bổ sung vào Luật Kinh doanh bất động sản quy định về điều kiện mua, thuê mua, thuê các loại bất động sản không phải nhà ở của cá nhân nước ngoài.

de xuat nguoi ngoai mua bat dong san du lich, bai hoc ven bien mien trung hinh 1
Nếu cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản du lịch thì việc quản lý các khu vực “nhạy cảm” sẽ ra sao?

Tháng 5 vừa qua, thông tin về những cá nhân, doanh nghiệp người nước ngoài đang “núp bóng” sở hữu và thuê tại các vị trí các khu đô thị ven biển, gần sân bay… được Bộ Quốc phòng cho biết. Câu chuyện về an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế khu vực ven biển, kinh tế biển lại được đặt ra. Các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh nhưng cũng có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ.

Bài học về những vị trí “nhạy cảm” ven biển mà người nước ngoài mua vẫn còn đó, việc đề xuất cho người nước ngoài được phép mua bất động sản du lịch cần phải thận trọng. Vì bất động sản du lịch ngoài nằm nơi cảnh quan đẹp thì cũng là những nơi có ý nghĩa chiến lược về cả kinh tế và quốc phòng.

Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng cho rằng, những địa điểm như Vân Đồn (Quảng Ninh) Vân Phong (Khánh Hòa) hay Phú Quốc (Kiên Giang) là nơi rất tốt cho phát triển kinh tế nhưng cũng là yết hầu về an ninh quốc phòng. Khu vực này bắt đầu xây dựng, khai thác kinh tế phải thận trọng cần ngăn ngừa không để xảy ra các vấn đề tồn tại như một số khu vực ven biển miền Trung.

Những khu kinh tế ven biển thì bất động sản du lịch sẽ là phân khúc phát triển mạnh nhất. Nếu cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản du lịch thì việc quản lý các khu vực “nhạy cảm” sẽ ra sao?

Một chủ đầu tư bất động sản cho rằng, nếu đồng ý cho người nước ngoài mua bất động sản du lịch đồng nghĩa với những rủi ro. Một dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven biển khó tách bạch khu vực bán cho người nước ngoài và khu vực bán cho nhà đầu tư trong nước, chúng ta chỉ kiểm soát được tỷ lệ được phép bán cho người nước ngoài trên tổng dự án là bao nhiêu.

“Đồng ý với việc để người nước ngoài mua dự án bất động sản du lịch nghĩa là người nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài đang “núp bóng” để sở hữu bất động sản ven biển có thể mua một cách hợp pháp, đúng luật. Do đó, cần kiểm soát và phân loại các dự án bất động sản du lịch được bán cho người nước ngoài nếu đề xuất này được chấp thuận” - vị này cho biết./.

Từ khóa: người nước ngoài, bất động sản du lịch, núp bóng mua đất ven biển, bất động sản nghỉ dưỡng, Bộ Xây dựng

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập