VOV.VN - Ở tỉnh Quý Châu, miền Tây Nam Trung Quốc, có một ngôi thành cổ từng ghi dấu tích của nhân vật Trương Tam Phong và cả người Miến, người Ấn thời xưa. Đó là Thành cổ Trấn Viễn - một trong những thành cổ lâu đời nhất Trung Quốc.
Thành cổ Trấn Viễn nằm ở châu tự trị dân tộc Miêu và Động Kiềm Đông Nam, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Được xây dựng từ thời Tây Hán (năm 202 TCN) với lịch sử hơn 2.200 năm, đây là một trong những thành cổ lâu đời nhất Trung Quốc.
Từ thời xa xưa, nơi đây đã là điểm chốt giao thông quan trọng cả đường thủy lẫn đường bộ ở biên giới Tây Nam và được mệnh danh là “Con đường tơ lụa phương Nam của Trung Quốc”.
Thành cổ Trấn Viễn nằm trên tuyến đường quan trọng để đi sâu vào Trung Nguyên từ phía Vân Nam, Quý Châu và xa hơn là các nước Nam Á và Đông Nam Á, như Myanmar, Ấn Độ và cả Việt Nam.
Dòng Vũ Dương hình chữ “S” giống như một dải lụa chảy qua tòa thành cổ, tạo nên cảnh quan giống hình Thái Cực âm dương, vì vậy Trấn Viễn còn được gọi là Thái Cực cổ thành.
Cầu cũ Chúc Thánh là công trình kiến trúc tiêu biểu tại Thành cổ Trấn Viễn. Cầu được xây dựng từ thời nhà Minh (1388), mang phong cách kiến trúc cổ Trung Hoa, thiết kế vòm bằng đá với các chi tiết chạm khắc tỉ mỉ. Đây từng là cầu duy nhất nối liền hai bờ sông Vũ Dương, cũng là một cửa ngõ quan trọng trên tuyến đường nối Vân Nam và Quý Châu cổ đại.
Bức tượng ở đầu cầu khắc họa cảnh người Miến cưỡi voi qua Trấn Viễn từ thời nhà Thanh. Sau thời nhà Nguyên, Vân Nam trở thành cửa ngõ của Trung Quốc nối liền với các nước Nam Á và Đông Nam Á. Quý Châu có vị trí quan trọng trên tuyến đường vào Vân Nam.
Nói đến Thành cổ Trấn Viễn, không thể không nhắc đến động Thanh Long – tương truyền từng là nơi đạo sĩ Trương Tam Phong tu hành từ đầu nhà Minh. Được xây cùng năm với cầu Chúc Thánh, nơi đây nổi tiếng với lịch sử giao thoa văn hóa của Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo.
Giường đá của Trương Tam Phong trong động Thanh Long
Buổi tối ở Trấn Viễn, du khách có thể trải nghiệm đi thuyền trên sông Vũ Dương, ngắm toàn cảnh khu phố cổ lung linh, nhộn nhịp khi toàn bộ quán xá, nhà dân ven sông lên đèn.
Sau này, Trấn Viễn từng là một trong những cái nôi của ngành công nghiệp nặng thời cận đại ở Trung Quốc. Để bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển du lịch tại khu vực thành cổ, huyện Trấn Viễn đã di dời các nhà máy công nghiệp gây ô nhiễm vào các khu công nghiệp tập trung, thành lập 12 nhà máy xử lý nước thải, cải thiện hệ thống xử lý rác thải, tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường tại đây.
Từ khóa: trung quốc, du lịch trung quốc,thành cổ trung quốc,quý châu trung quốc,thành cổ trấn viễn