“Tham nhũng, lãng phí có chiều hướng thuyên giảm”
Cập nhật: 22/04/2020
Ngành tổ chức xây dựng Đảng TP.HCM cần tham mưu triển khai hiệu quả sắp xếp tổ chức bộ máy
Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ Bộ Công an nhận HC Chiến công hạng Ba
VOV.VN - Báo cáo Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 của Chính phủ nhận định: Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực từng bước được kiềm chế.
Báo cáo Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 của Chính phủ nhạn định Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực từng bước được kiềm chế.
Không vùng cấm, không ngoại lệ
Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình bày tại Phiên họp 44 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 22/4 nhấn mạnh: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được triển khai, thực hiện mạnh mẽ hơn, có tác động cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
“Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, nghiêm trọng tiếp tục được phát hiện, xét xử nghiêm minh. Tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm” – báo cáo nêu rõ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng |
Năm 2019, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 6.601 cuộc thanh tra hành chính, 227.386 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 173.411 tỷ đồng, 22.548 ha đất; kiến nghị thu hồi về NSNN 83.968 tỷ đồng, thu hồi 897 ha đất. Đôn đốc xử lý trách nhiệm đối với 969 tập thể, 3.170 cá nhân; chuyển cơ quan chức năng điều tra, khởi tố 17 vụ, 61 đối tượng.
Bên cạnh nhưng điểm sáng, báo cáo cũng chỉ rõ nhiều hạn chế, bất cập, từ việc quản lý điều hành ngân sách, sử dụng tài sản công, tinh gọn bộ máy cho đến khai tác tài nguyên thiên nhiên.
Biểu hiện như mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp, nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 chậm và đạt thấp so với kế hoạch, gây lãng phí nguồn lực. Sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công chưa bao quát hết các đối tượng; tiến độ thực hiện chậm; cơ chế phân cấp thẩm quyền quyết định xử lý nhà, đất chưa hợp lý.
Tổ chức bộ máy ở một số lĩnh vực, cơ quan, đơn vị chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả. Cải cách thủ tục hành chính nhiều nơi chưa thực chất... Một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tinh thần trách nhiệm chưa cao, đùn đẩy trách nhiệm, làm chậm quá trình triển khai nhiệm vụ được giao.
Kết quả đôn đốc, xử lý kết quả thanh tra của một số bộ, ngành, địa phương chưa cao. Công tác quản lý hoạt động thanh tra có lúc, có nơi bị buông lỏng; một số công chức thanh tra thiếu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, vi phạm pháp luật.
“Các tồn tại, hạn chế trên có những nguyên nhân khác nhau, song chủ yếu là do người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa quan tâm đúng mức, chưa giao trách nhiệm cụ thể cho cơ quan tham mưu giúp việc làm đầu mối triển khai, thực hiện quy định” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu bộ ngành, địa phương
Thẩm tra báo cáo, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cơ bản tán thành với nhận định, đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ song đề nghị làm rõ những nguyên nhân hạn chế để chấn chỉnh.
Cụ thể như vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia (dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành) vẫn còn nhiều vướng mắc. Một số dự án phải lùi tiến độ, tăng thêm vốn, tổng mức đầu tư gây tốn kém làm đảo lộn các kế hoạch, đề án phát triển, quy hoạch đô thị khác (Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương, Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội).
Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS Nguyễn Đức Hải |
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban TCNSNguyễn Đức Hải, công tác quản lý sử dụng đất đai vẫn còn hạn chế, pháp luật về đất đai vẫn còn nhiều nội dung chưa thống nhất, đồng bộ dẫn đến nhiều khiếu kiện, bức xúc của nhân dân, đặc biệt công tác xử lý khiếu kiện, chống đối trong việc hỗ trợ, đền bù đất đai tại huyện Mỹ Đức - Hà Nội còn để xảy ra tình trạng mất trật tự an toàn xã hội, thiệt hại về tính mạng và tài sản.
Công tác huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư của xã hội để xây dựng một số cơ sở vật chất trong lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng còn có biểu hiện chưa công khai, minh bạch, lãng phí nguồn lực của xã hội; một số nơi tình trạng thương mại hóa lễ hội, lợi dụng xã hội hóa lễ hội để trục lợi vẫn còn xảy ra.
Từ phân tích trên, cơ quan thẩm tra kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi Chương trình, Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luật.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam và thế giới, ảnh hưởng lớn đến thu, chi ngân sách, cần có biện pháp sắp xếp lại thu, chi ngân sách, cân đối ngân sách trình cấp có thẩm quyền quyết định. Giao thêm chỉ tiêu tiết kiệm ngân sách Nhà nước năm 2020 trong tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài... để tập trung đảm bảo an sinh xã hội, khôi phục kinh tế.
Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước, đặc biệt là các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, tránh tình trạng lạm dụng chính sách./.
Từ khóa: Phòng chống tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN