Thăm Nhà tưởng niệm Đại tướng Văn Tiến Dũng

Cập nhật: 7 giờ trước

VOV.VN - Ngôi nhà số 57 phố Tôn Thất Thiệp (Hà Nội) trở nên đáng chú ý trong mắt khách bộ hành khi có dáng vẻ đặc biệt ngay từ cổng vào với mái che cong cong như mái chùa, cho tới dòng chữ “Phòng tưởng niệm Đại tướng Văn Tiến Dũng”.

Bước chân bộ hành dừng lại ở nơi ghi dấu nhiều ý nghĩa lịch sử không chỉ đối với gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng, mà còn đối với cả con phố Tôn Thất Thiệp.

Phố Tôn Thất Thiệp vốn có nhiều trụ sở các cơ quan quân đội và khu vực nhà công vụ nên đây là con phố không có nhiều hoạt động buôn bán sầm uất, tấp nập. Khuôn viên ngôi nhà số 57 với  nhiều cây xanh và mái ngói cổ kính có phần khác biệt nhất trên phố.

Theo như lời kể của bà Văn Tuyết Mai, con gái thứ 3 của Đại tướng Văn Tiến Dũng, cũng là người đang sinh sống và chăm sóc cho ngôi nhà này. Đây là nhà riêng của gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng, được hoàn thành năm 1999, và sau khi Đại tướng qua đời năm 2002, phòng khách tầng 1 của ngôi nhà được gia đình chuyển thành Phòng thờ và Phòng tưởng niệm Đại tướng.

Hơn 20 năm qua, ngôi nhà vẫn là điểm dừng chân quen thuộc của những người trong quân đội, các cựu chiến binh, nhiều thế hệ quan tâm tới lịch sử của đất nước để tưởng nhớ về một vị tướng tài ba, mưu lược, một nhà quân sự xuất sắc của dân tộc Việt Nam. Những lớp thế hệ đó đều đã tuổi cao, với những bước chân đã chậm dần và thưa vắng.

“Khách tới thăm Nhà tưởng niệm Đại tướng chủ yếu là những đoàn đã báo trước, như các cháu học sinh, những người quan tâm tìm hiểu lịch sử, những người làm bên Bảo tàng Lịch sử quân sự, Bảo tàng Hồ Chí Minh hoặc Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long... Hoặc vào những ngày lễ, Tết thường có đồng đội cũ, các cơ quan quân đội, các cựu chiến binh đến thắp hương cho ông...”, bà Văn Tuyết Mai chia sẻ.

Trong Cách mạng Tháng 8 năm 1945, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã chỉ đạo khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng với vai trò là Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, đã chỉ đạo những cách đánh táo bạo, thọc sâu, kết hợp vu hồi, đột phá, tạo và nắm thời cơ, chủ động tiến công, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, đầu não của ngụy quyền Sài Gòn, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Hình ảnh và tên tuổi Đại tướng Văn Tiến Dũng gắn liền với những mốc son trong lịch sử dân tộc. Trong Phòng tưởng niệm của gia đình Đại tướng hiện còn lưu giữ nhiều kỷ vật, dấu ấn và những bức ảnh cuộc đời binh nghiệp của ông.

“Ở đây cũng giữ lại một số vật lưu niệm của ông. Sau khi ông mất, các bảo tàng đến xin nhiều. Thực ra, tôi cũng nghĩ đưa vào bảo tàng thì tốt hơn, bởi họ có phương tiện bảo quản chứ để ở nhà mình sẽ bị mối mọt, hư hỏng. Bà cũng mất rồi, nhà giờ còn mỗi mình tôi. Gia đình gìn giữ một không gian như thế này để đến ngày giỗ có chỗ cho các con các cháu tụ về…”, bà Văn Tuyết Mai bày tỏ.

Ngôi nhà của gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng, với Phòng tưởng niệm Đại tướng vẫn luôn mở cửa đón khách, dù rất ít người biết tới. Ngôi nhà đặc biệt bởi có mái ngói che cổng cong cong như mái chùa, và cây ngọc lan xanh um, cao lớn trước sân, gắn bó với gia đình từ những ngày đầu tiên. “Cả ông cả bà đều có thời gian đi hoạt động cách mạng trú ẩn, nương tựa trong nhà chùa. Một tay bà làm nên ngôi nhà này, vì thế bà thích ngôi nhà có chút kiểu cách như vậy. Ông rất thích hoa nên bà trồng tất cả những cây hoa ở đây, mùa nào hoa nấy…”, bà Tuyết Mai tự hào chỉ từng cây hoa, từng nét đặc biệt trong ngôi nhà vẫn còn in đậm dấu ấn của người mẹ, người cha thân thương. 

Khoảng sân nhỏ với những chậu hoa xinh xắn vẫn rung rinh đón gió, đón nắng dưới bàn tay chăm sóc của người con gái Đại tướng… Ngôi nhà, cánh cổng, biển tên Phòng tưởng niệm Đại tướng Văn Tiến Dũng trên con phố Tôn Thất Thiệp vẫn là nơi lưu dấu và gợi mở nhiều câu chuyện lịch sử cho các thế hệ mai sau.

Từ khóa: Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Văn Tiến Dũng, 57 phố Tôn Thất Thiệp, Văn Tuyết Mai, nhà tưởng niệm

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: vũ loan/vov-giao thông

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập