Thảm họa trong thể thao và những bài học đắt giá

Cập nhật: 04/10/2022

[VOV2] - Lịch sử bóng đá đã chứng kiến hàng nghìn người thương vong trên sân vận động do giẫm đạp, ẩu đả hay hỏa hoạn... Vì sao một sân chơi thể thao lành mạnh bỗng chốc lại biến thành thảm họa kinh hoàng?

Thảm họa được xem là kinh hoàng nhất, nặng nề nhất lịch sử bóng đá khi có đến 328 người chết, 500 người bị thương do cuộc bạo loạn của khán giả trong trận đấu tranh vé dự Olympic giữa Argentina và Peru vào năm 1964. Để ngăn cản cổ động viên làm loạn, các cảnh sát đã bắn hơi cay vào đám đông và gây ra tình trạng hoảng loạn. Thương vong xảy ra khi các cánh cổng bao quanh sân vận động với sức chứa 53.000 người bị đổ sập.

Năm 1989, một thảm họa bắt nguồn từ các cổ động viên Anh trong trận bán kết cúp FA giữa Liverpool và Nottingham Forest trên sân trung lập Hillsborough. Một góc khán đài đã đổ sụp xuống vì tình trạng cổ động viên chen lấn, dẫn đến 96 người thiệt mạng và khoảng 700 người bị thương.

Tại Indonesia, bạo loạn sân cỏ được coi là vấn nạn luôn chực chờ bùng nổ. Điển hình là vào năm 2018, một cổ động viên của CLB Persija Jakarta đã bị giết hại một cách nhẫn tâm bởi đám đông người hâm mộ Persib Bandung. Và cuối tuần qua vụ bạo loạn tại Giải Vô địch Quốc gia Indonesia được xem là một trong những thảm kịch lớn nhất lịch sử bóng đá xứ vạn đảo nói riêng và thế giới nói chung khi có tới cả trăm người thiệt mạng…

Đây chỉ là một vài trong số rất nhiều vụ bạo loạn trên sân cỏ từng gây hậu quả nghiêm trọng. Theo nhà báo Trương Anh Ngọc, nguyên nhân của những vụ bạo loạn này là do trách nhiệm của Ban tổ chức. Như sự việc tại sân vận động ở Indonesia diễn biến nghiêm trọng là do số người có mặt tại sân vượt quá sức chứa của cơ sở thi đấu này. Khoảng 42.000 vé đã được bán ra cho trận đấu, trong khi cơ sở này có sức chứa chỉ 38.000 người. Bên cạnh đó công tác kiểm soát, kiềm chế bạo loạn của những người thực thi công vụ cũng chưa thực sự đảm bảo.

Hơn nữa, tâm lý đám đông là nguồn cơn chính dẫn đến thái độ và cách hành xử tiêu cực. Thực tế hiện nay, có nhiều hội, nhóm cổ động viên đã làm rất tốt trong việc quy định cổ vũ văn minh, có văn hóa, nhưng cũng có những hội nhóm không làm được, thậm chí, chính những đội nhóm đó cũng không có hành động nào để kiềm chế người hâm mộ mà còn “đổ thêm dầu vào lửa”…

Sự quá khích của một số cổ động viên qua những vụ bạo loạn kéo theo rất nhiều hậu quả nặng nề, những vụ việc tiêu cực như: đốt pháo sáng trên khán đài, ném vật thể lạ xuống sân làm gián đoạn trận đấu và một trong số đó là sự thiệt mạng của rất nhiều người.

Vụ việc đau lòng xảy ra ở Indonesia cuối tuần qua thực sự là bài học cảnh tỉnh cho chính chúng ta về sự cuồng nhiệt đến mức trở thành quá khích của các cổ động viên.

Có muôn vàn cách để thể hiện sự yêu thích đối với thể thao, đối với sự hâm mộ của đội tuyển nước nhà, nhưng tựu chung lại phải là những cách hành xử văn minh, lịch sự và có văn hóa. Để làm được điều đó thì công tác tuyên truyền nâng cao ý thức và trách nhiệm của cổ động viên là điều vô cùng cần thiết.

Có thể nói, thảm họa trong thể thao, đặc biệt là bóng đá, đã trở thành vấn đề nhức nhối tại nhiều quốc gia trên thế giới. Sự việc vừa xảy ra tại Indonesia thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo, nếu như không có những biện pháp xử lý mạnh tay, bạo loạn sẽ còn tiếp tục gây ra những thảm họa nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng đến hình ảnh và tinh thần thể thao đích thực. Để thể thao trở thành sân chơi tinh thần lành mạnh rất cần sự chung tay giúp sức, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta.

Mời nghe âm thanh tại đây:

Từ khóa: bạo loạn, thể thao, biện pháp, xử lý, bài học, cổ động viên, vov2

Thể loại: Thể thao

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập