Tên lửa tầm xa ATACMS tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan mới cho Nga ở Ukraine
Cập nhật: 01/11/2023
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Tên lửa ATACMS sẽ khiến Nga phải cân bằng giữa việc rút các mục tiêu ưu tiên nằm ngoài tầm bắn của vũ khí này trong khi tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho các lực lượng giao tranh dọc tiền tuyến trải dài hơn 1,000km.
Hai tuần kể từ khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lần đầu tiên xác nhận việc được Mỹ cung cấp tên lửa ATACMS, các lực lượng của Kiev vẫn tiếp tục sử dụng các vũ khí tầm xa này để tiến hành các cuộc tấn công có mức độ phá hủy cao nhằm vào các mục tiêu của Nga ở Ukraine.
Giới quan sát cho rằng các tên lửa ATACMS sẽ sớm tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho quân đội Nga. Các chiến lược gia quân sự của Moscow sẽ cần cân bằng giữa nhu cầu rút các mục tiêu ưu tiên nằm ngoài tầm bắn của tên lửa ATACMS trong khi tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho các lực lượng giao tranh dọc tiền tuyến trải dài hơn 1,000km.
Việc cung cấp cho Ukraine tên lửa ATACMS đã khiến hầu hết các nhà quan sát bất ngờ. Không giống như các đợt vận chuyển vũ khí mới cho Kiev, thường được thông báo trước bằng các tuyên bố công khai, lần này, Mỹ đã âm thầm cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa này. Điều đó khiến cho Kiev tận dụng được lợi thế, đó là yếu tố bất ngờ khi tấn công ban đêm vào các căn cứ không quân của Nga ở Ukraine vào giữa tháng 10.
Những cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS được cho là đã phá hủy ít nhất 9 trực thăng quân sự và các thiết bị giá trị cao của Nga tại các căn cứ không quân gần Berdiansk và Lugansk ở phía Nam và phía Đông Ukraine. Điều này đã xác nhận tính hiệu quả của đầu đạn chùm của hệ thống tên lửa ATACMS được cung cấp cho Ukraine.
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine tên lửa ATACMS với tầm bắn hơn 160km. Trong khi chưa có bất kỳ xác nhận chính thức nào về thời điểm cũng như quy mô của các đợt vận chuyển tên lửa bổ sung thì Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, Washington hiện vẫn duy trì cung cấp cho Ukraine tên lửa ATACMS và sẽ hỗ trợ các phiên bản có tầm bắn xa hơn trong tương lai.
Tên lửa ATACMS trang bị đầu đạn chùm mà Ukraine đang sở hữu được cho là vũ khí rất hiệu quả để đối phó với các mục tiêu ít được bảo vệ như trực thăng, chiến đấu cơ, hệ thống phòng không, tàu chiến, các cơ quan bảo trì và kho chứa đạn dược. Các quan chức quân sự Nga rõ ràng sẽ phải tìm cách nhanh chóng rút các mục tiêu dễ chú ý này về phía sau.
Sẽ có những giới hạn thực tế về việc Nga có thể rút bao nhiêu phương tiện khỏi tiến tuyến mà không khiến cho quân đội bị tổn thương. Chẳng hạn, Nga chủ yếu dựa vào trực thăng quân sự trong những tháng gần đây để đẩy lùi cuộc tấn công của Ukraine và ngăn Kiev đạt được đột phá. Nếu những trực thăng này bị rút hoàn toàn khỏi tầm bắn của ATACMS thì điều này sẽ hạn chế đáng kể thời gian chúng được triển khai tới tiền tuyến.
Trong những tuần tới, có thể khẳng định một trong những mục tiêu quan trọng của ATACMS là các hệ thống phòng không của Nga, được triển khai để bảo vệ quân đội nước này ở phía Nam và phía Đông Ukraine. Với tốc độ của tên lửa ATACMS và các khoảng cách tương đối ngắn, việc các hệ thống phòng không của Nga đánh chặn hiệu quả các cuộc không kích của Ukraine sẽ gặp thách thức lớn. Một số bài báo ghi nhận việc Ukraine nhắm vào hệ thống tên lửa đất đối không S-400 gần Lugansk bằng tên lửa ATACMS.
Việc phá hủy các hệ thống phòng không của Nga ở Ukraine sẽ giúp Kiev mở đường cho các cuộc tấn công rộng hơn bằng UAV và tên lửa hành trình như Storm Shodow của Anh. Ukraine đã triển khai chiến thuật tương tự ở Crimea với hàng loạt cuộc tấn công vào các hệ thống phòng không của Nga trong suốt những tháng mùa hè nhằm chuẩn bị cho các cuộc tấn công hồi tháng 9 vào các mục tiêu giá trị cao như tàu chiến, tàu ngầm và sở chỉ huy của Hạm đội Biển Đen. Việc phá hủy các hệ thống phòng không tích hợp của Nga cũng sẽ tạo điều kiện để các UAV trinh sát của Ukraine hoạt động dễ dàng hơn.
Các chỉ huy của Ukraine cũng có thể sẽ sử dụng các tên lửa ATACMS với khả năng tấn công lớn hơn để nhắm vào các địa điểm bảo trì và kho vũ khí của Nga phía sau tiền tuyến. Bằng cách buộc các chỉ huy của Nga phải di dời các mục tiêu giá trị cao cách xa tiền tuyến, Ukraine sẽ làm xói mòn hiệu quả chiến đấu của quân đội Nga.
Tên lửa ATACMS với đầu đạn chùm được cung cấp cho Ukraine không phải vũ khí thần kỳ có thể thay đổi cục diện xung đột theo hướng có lợi cho Ukraine. Trên thực tế, để tấn công hiệu quả vào các mắt xích hậu cần quan trọng như các cây cầu và bốt chỉ huy được phòng thủ kiên cố, Ukraine sẽ cần nhận được phiên bản đầu đạn nguyên khối của ATACMS.
Tuy nhiên, việc tên lửa ATACMS xuất hiện trên chiến trường Ukraine đã tạo ra những cơ hội mới cho các chỉ huy của Kiev, đồng thời gây khó khăn cho các cuộc tiến công của quân đội Nga.
Từ khóa: atacms, tên lửa atacms, tên lửa tầm xa atacms, nga tiến thoái lưỡng nan, mục tiêu của ukraine, gây khó cho nga, chiến trường ukraine, phòng tuyến nga
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả: kiều anh/vov.vn (biên dịch)
Nguồn tin: VOVVN