Tên lửa MANPAD bắn hạ Su-25: Vì sao khó truy ra nguồn cung?

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Dù biết rõ cường kích Su-25 bị tên lửa MANPAD phiến quân Syria bắn hạ, Nga vẫn chưa thể truy ra nguồn cung cấp loại tên lửa này.

Phiến quân Syria có MANPAD từ bao giờ?

Ngay khi chiếc Su-25 của phi công Nga bị bắn hạ hồi cuối tuần qua, lực lượng đặc nhiệm Syria đã được điều động để truy tìm nguồn cung cấp loại tên lửa vác vai (MANPAD) được phiến quân sử dụng trong vụ này.

ten lua manpad ban ha su 25 vi sao kho truy ra nguon cung hinh 1
Hiện trường vụ máy bay Su-25 bị bắn hạ. Ảnh: Reuters

Sputnik cũng đã có cuộc phỏng vấn với nhà phân tích quân sự Nga Vadim Saranov, trong đó ông nêu ra những giả thiết về việc ai đứng đằng sau cung cấp loại tên lửa này cho phiến quân Syria và vì sao họ lại làm như vậy.

Theo ông Saranov, MANPAD- từ gọi tắt của hệ thống phòng không vác vai- được sử dụng bởi phe đối lập và phiến quân Syria ngay từ khi cuộc nội chiến nổ ra tại quốc gia này hồi năm 2011.

Phiến quân Syria đã thực hiện vụ tấn công bằng MANPAD thành công đầu tiên vào tháng 7/2012, khi chúng bắn hạ trực thăng Mi-8. Tại thời điểm đó, đã có những lời đồn đoán về nguồn gốc loại tên lửa này. Theo truyền thông khu vực, MANPAD được các quốc gia vùng Vịnh mua và tuồn cho các nhóm phiến quân Syria qua đường biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà phân tích quân sự Nga Vadim Saranovchỉ rõ, dù cung cấp từ đâu đi chăng nữa, những hình ảnh và video tại hiện trường vụ bắn hạ chiếc Su-25 và nhiều khu vực xảy ra xung đột khác cho thấy, phiến quân ở Syria chủ yếu sử dụng MANPAD có thiết kế kiểu Liên Xô cũ và Nga hiện nay, trong đó có rất nhiều biến thể của tên lửa Igla và Strela.

Cũng theo ông Saranov, các hệ thống MANPAD đã giúp phiến quân bắn hạ ít nhất 3 trực thăng Mi-8, 2 chiến đấu cơ Mig-21 và Mig-23, một chiến đấu cơ Su-22 và một chiến đấu cơ L-39.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hàng nghìn chiếc MANPAD của Liên Xô và Nga đã được bán sang Syria từ trước khi cuộc nội chiến nổ ra, không loại trừ khả năng một phần của số vũ khí này đã rơi vào tay phiến quân. Chính vì thế, theo ông Saranov, nhiều khả năng tên lửa bắn hạ Su-25 được đưa vào Syria từ Trung Đông, Đông Âu hoặc thậm chí là Đông Á (những nước đã mua tên lửa này từ Liên Xô và Nga).

Libya: Mảnh đất màu mỡ cho nạn buôn lậu vũ khí

Sau khi nhà lãnh đạo Gaddafi bị lật đổ năm 2011, các chuyên gia về an ninh trên thế giới đã đồng loạt lên tiếng báo động về việc kho vũ khí của Libya- trong đó có cả MANPAD- bị đưa lậu ra khỏi nước này vào các điểm nóng xung đột mà gần đó nhất là Syria.

“Truyền thông phương Tây ước tính khoảng 20.000 tên lửa phòng không đã biến mất khỏi các kho vũ khí của Libya, trong đó có hàng trăm khẩu MANPAD bị cho là được tuồn ra khỏi Libya”, ông Saranov nói.

Đông Âu: Đổi vũ khí lấy Đô la

Đông Âu cũng được coi là nguồn cung cấp chính số tên lửa vác vai cho phiến quân Syria. Bình luận về thông tin Su-25 bị bắn hạ, Thượng nghị sĩ Nga Igor Morozov cảnh báo, nhiều khả năng số tên lửa MANPAD đến từ Ukraine.

“Hồi cuối năm ngoái, một kho vũ khí ở Kalinovka, miền Trung Ukraine bị cháy dữ dội. Các quan chức Ukraine đã không loại trừ khả năng vụ cháy này được dựng lên để che giấu việc hàng trăm loại vũ khí tại đây “không cánh mà bay” và rất có thể đã đến tay phiến quân Syria”, ông Morozov nói.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia từ lâu đã “chỉ đích danh” Bulgaria là nước bán vũ khí số lượng lớn cho các quốc gia Trung Đông và số vũ khí này bằng nhiều cách khác nhau lại rơi vào tay các tổ chức khủng bố. Từng là thành viên của Khối Warsaw, không khó hiểu khi Bulgaria được cấp quyền sản xuất các loại MANPAD như Strela-2M, Strela-3 và Igla-1.

Phó Giám đốc Viện Phân tích Chính trị và Quân sự Nga Viktor Khramchikhin cho biết, Sofia không hề “xấu hổ” khi công khai vai trò “nguồn cung chính các loại vũ khí cho tất cả các nhóm phiến quân Syria chiến đấu chống lại Tổng thống Assad”.

Những dấu vết từ châu Á

Hồi năm 2013, phiến quân Quân đội Tự do Syria (FSA) đã đăng tải 2 đoạn video cho thấy chúng bắn hạ 2 chiếc trực thăng Mi-8 và Mi-17 tại Deir ez-Zor và Aleppo bằng FN-6- một loại tên lửa vác vai thế hệ thứ 3 do Trung Quốc chế tạo có tính năng tương tự Igla-1. Một năm sau, FN-6 lại xuất hiện trong tay phiến quân IS ở Iraq.

Theo các chuyên gia Nga, con đường để loại vũ khí này từ Trung Quốc có mặt tại Syria chắc chắn là rất phức tạp. “Trung Quốc bán FN-6 cho Sudan, từ đó, chúng được Qatar mua lại rồi chuyển sang Syria”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xu hướng Chiến lược Nga Ivan Konovalov nhận định.

Ngoài ra, phiến quân Syria cũng được cho là đã sử dụng cả hệ thống tên lửa vác vai HT-16PGJ- phiên bản giống hệ như Igla-1- do Triều Tiên sản xuất. Theo ông Saranov, cả FN-6 và HT-16PGJ đều bị phiến quân cướp từ kho vũ khí của quân đội Syria: “Từ năm 2004, Damascus đã sở hữu hàng chục hệ thống MANPAD HT-16PGJ từ Triều Tiên.

… và thậm chí cả NATO?

Dù các loại MANPAD do các nước NATO chế tạo chưa thấy xuất hiện ở Syria, các chuyên gia Nga cho rằng, không loại trừ khả năng Washington và các đồng minh mua các loại vũ khí do Nga chế tạo rồi tuồn cho phe đối lập trong khu vực.

Mới đây nhất, hồi giữa tháng 1, truyền thông Arab và Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ bí mật cung cấp cho lực lượng phiến quân người Kurd ở Afrin, Syria các loại vũ khí phòng không. Dù Mỹ đã bác bỏ thông tin này nhưng chỉ 2 tuần sau, lực lượng Quân đội Tự do Syria đã tuyên bố họ chiếm được một số hệ thống Igla từ tay người Kurd.

“Nếu Mỹ cung cấp hệ thống tên lửa Stinger cho phiến quân ở Syria, điều này sẽ dẫn đến một vụ bê bối nghiêm trọng. Chính vì thế, họ tìm cách tuồn cho phiến quân Syria các loại vũ khí do Liên Xô hoặc Nga chế tạo mà họ có sẵn ở Trung Đông hoặc mua từ Đông Âu. Lượng vũ khí do Liên Xô chế tạo hiện còn rất nhiều ở Trung Đông nên rất khó truy xuất nguồn cung”, ông Saranov kết luận./.

Từ khóa:

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập