Tên lửa không chiến ngoài tầm nhìn Meteor đáng sợ cỡ nào?

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN -Với tầm bắn xa, độ chính xác cao, Meteor được coi là dòng tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn mạnh nhất thế giới hiện tại.

Tên lửa không chiến ngoài tầm nhìn Meteor

Meteor (Sao băng) là tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn (Beyond Visual Range Air-to-Air Missile - BVRAAM), dẫn đường bằng radar chủ động, là sản phẩm của Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Anh với nhà thầu chính là MBDA - liên doanh sản xuất tên lửa của Airbus, Leonardo và BAE Systems, được nghiên cứu phát triển vào những năm 1990 và đưa vào sử dụng từ năm 2016.

ten lua khong chien ngoai tam nhin meteor dang so co nao? hinh 1
Chiếc Saab JAS-39 Gripen được trang bị tên lửa Meteor. Nguồn: defencetalk.com

Tháng 7/2014, MBDA đã đồng ý cùng Nhật Bản nghiên cứu phát triển tên lửa không đối không (JNAAM) trên cơ sở Meteor bằng cách "kết hợp các công nghệ tên lửa của Anh và công nghệ đầu tìm của Nhật Bản". Đầu tìm sử dụng mảng quét điện tử chủ động của Mitsubishi Electric AAM-4B sẽ được gắn trên Meteor được chế tạo từ các mô-đun Gallium Nitride để vừa thu nhỏ vừa nâng cao hiệu quả và sẽ thử nghiệm phóng từ máy bay chiến đấu của Anh vào năm 2023.

Chiến đấu cơ đầu tiên được trang bị Meteor là Saab JAS-39 Gripen vào năm 2016. Tên lửa Meteor dùng để tiêu diệt các loại mục tiêu bay ngoài tầm nhìn, bất kể ngày đêm, có tốc độ cao trên toàn quỹ đạo bay và hoạt động tốt trong môi trường tác chiến điện tử của đối phương, tầm bắn tối đa dự kiến có thể đạt 185 km, độ cao đánh chặn hiệu quả lên tới 25 km, "khu vực không thể trốn thoát" trên 60 - 100 km - lớn nhất trong số các tên lửa không đối không.

ten lua khong chien ngoai tam nhin meteor dang so co nao? hinh 2
Meteor được thử nghiệm thành công từ Eurofighter Typhoon. Nguồn: defencetalk.com

Meteor có chiều dài 3,6 m; đường kính thân 180 mm; trọng lượng 185 kg, được trang bị đầu nổ phá mảnh - sản phẩm của công ty Đức TDW, là một công ty con của công ty vũ khí dẫn đường châu Âu MBDA - một trong những công ty hàng đầu châu Âu trong lĩnh vực phát triển và sản xuất đầu đạn cho vũ khí dẫn đường (sức công phá được giấu kín). Tên lửa này được trang bị động cơ phản lực tĩnh siêu âm sử dụng nhiên liệu rắn TDR tiêu thụ ít nhiên liệu hơn nhờ khả năng hoạt động linh hoạt, vừa là động cơ phản lực trong môi trường khí quyển, vừa là tên lửa đẩy trong môi trường không gian.

Những tính năng siêu việt

Hiện Không quân Nga đang tăng cường lực lượng thông qua số lượng lớn tiêm kích thế hệ 4,5 như Su-30SM và Su-35S có khả năng cơ động cao, radar mạnh và tên lửa không đối không tầm xa với kỳ vọng sẽ áp đảo dàn máy bay hùng hậu của khối NATO. Không quân NATO cũng đang xây dựng nhiều phi đội tiêm kích hạng nhẹ và hạng trung JAS 39 Gripen, Eurofighter Typhoon hay Rafale để làm đối trọng. Trong khi tính năng kỹ chiến thuật của phi cơ gần như ngang ngửa thì vũ khí trang bị cho chúng sẽ quyết định thắng lợi trong giao chiến.

ten lua khong chien ngoai tam nhin meteor dang so co nao? hinh 3
Chiếc F-35 trong buổi thử nghiệm tên lửa không đối không tầm trung. Nguồn: defensenews.com

Ở khía cạnh này, châu Âu có vẻ đi trước Nga khi có trong tay loại tên lửa không đối không được coi là tối tân nhất thế giới thời điểm hiện tại - Meteor. Cho đến nay, Meteor đã được tích hợp trên tiêm kích Typhoon EF-2000, Dassault Rafale và Saab JAS 39 Gripen, biến chúng thành vũ khí đầy uy lực trong nhiều thập kỷ tới. Chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 Typhoon vẫn đang được xếp hạng vào tốp những chiến đấu cơ hàng đầu thế giới nhờ hệ thống radar cực mạnh, động cơ cực khỏe cùng dàn vũ khí tốt tân.

Với khả năng bám đuổi mục tiêu, tên lửa Meteor có khả năng sát thương gấp 5 lần so với các tên lửa thông thường như tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) AIM-120 của Mỹ hay R-77 của Nga. Một đường dẫn hai chiều cho phép máy bay cập nhật các số liệu mục tiêu trong khi bay hoặc chỉnh lại mục tiêu nếu cần, bao gồm dữ liệu từ các bên thứ ba. Đường dẫn có khả năng truyền thông tin về tên lửa như trạng thái chức năng và động học, thông tin về nhiều mục tiêu và thông báo về mục tiêu của đầu tìm.

Động cơ phản lực tĩnh siêu âm cho phép tên lửa hành trình với tốc độ trên mach 4 và tạo cho tên lửa lực đẩy và gia tốc để đánh chặn mục tiêu. Đáng chú ý là tên lửa không đối không Meteror không chỉ đạt được sự tuyệt đối về tầm bắn, mà còn có thể kết thúc “cuộc chơi” - khả năng tập trung đủ năng lượng vào giai đoạn cuối của đường bay để tấn công một mục tiêu cơ động mà vẫn có thể thực hiện tất cả mọi thủ thuật để thoát khỏi tên lửa bám đuổi.

Hiện nay, AMRAAM đang lão hóa vẫn là những tên lửa không đối không tầm trung hàng đầu đối với hầu hết các lực lượng không quân của phương Tây, nhưng ngay cả những phiên bản mới nhất như tên lửa AIM-120D cũng bị hạn chế về tầm và năng lượng. Do vậy, trong tương lai, tiêm kích tàng hình đa năng F-35 do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất cũng sẽ được tích hợp Meteor nhằm tăng cường đáng kể năng lực không đối không. Có tin cho hay, Hải quân Mỹ có thể yêu cầu dùng Meteor để thay thế tên lửa không đối không AIM-54 Phoenix bị loại biên vào năm 2004, trang bị cho F-18E/F Super Hornet; Ấn Độ cũng đã đưa ra yêu cầu khảo sát việc tích hợp Meteor các tiêm kích Sukhoi Su-30MKI của họ.

Theo tạp chí quân sự Jane's Defence Weekly, BAE Systems đã bắt đầu quá trình tích hợp một loạt vũ khí mới của Anh cho chiến đấu cơ F-35, đó là các hệ thống tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn MBDA Meteor và tên lửa không đối đất SPEAR 3, trong khoang bom, nhằm duy trì khả năng phản xạ sóng radar ở mức thấp nhất. Dự kiến, việc tích hợp Meteor cho Lockheed Martin F-35 Lightning II F-35 B Block 4 sẽ hoàn thành trước 2024, và vào năm 2025, tiêm kích tàng hình này sẽ nhận hai loại tên lửa mới cùng có tầm bắn lên tới 100km./.

Từ khóa: tên lửa không đối không, vũ khí mạnh nhất thế giới, chiến đấu cơ hiện đại, NATO, tiêm kích tàng hình,

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập