Tàu khu trục thế hệ tiếp theo DDG(X) của Hải quân Mỹ có gì đặc biệt?
Cập nhật: 2 giờ trước
Tàu khu trục thế hệ tiếp theo DDG(X) của Hải quân Mỹ có gì đặc biệt?
Ukraine trình làng UAV tên lửa “Địa ngục” mới có tầm bắn gấp đôi ATACMS
VOV.VN - Hải quân Mỹ đang thực hiện một trong những nỗ lực hiện đại hóa tham vọng nhất của họ - phát triển tàu khu trục thế hệ tiếp theo DDG(X) nhằm thay thế 22 tàu tuần dương lớp Ticonderoga Flight II và 28 tàu khu trục lớp Arleigh Burke Flight I/II.
Kết hợp các công nghệ tiên tiến và thiết kế sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của chiến tranh thế kỷ 21, các tàu DDG(X) sẽ là tàu chiến mặt nước cỡ lớn chính của Hải quân Mỹ.
So với các tàu tiền nhiệm, chúng sẽ tích hợp các cảm biến mạnh hơn, có nhiều không gian và biên độ trọng lượng hơn. Hải quân Mỹ cũng đã nghiên cứu Tàu chiến mặt nước tương lai (FSC), phát triển thành chương trình Tàu chiến mặt nước cỡ lớn (LSC), sau đó trở thành DDG(X). Văn phòng DDG(X) được thành lập tháng 6/2021. Tháng 2/2022, Gibbs & Cox đã ký hợp đồng cung cấp hỗ trợ thiết kế và kỹ thuật; Hải quân vẫn giữ vai trò thiết kế chính.
Nhiều cấu hình thân tàu hiện đang được thử nghiệm tại Trung tâm Chiến tranh Mặt nước Hải quân (NSWC) Carderock và NSWC Philadelphia. Một mẫu được trình bày tại Hội nghị Chiến tranh Mặt nước năm 2022 với lượng giãn nước 13.500 tấn, kết hợp các bài học từ cả thiết kế Arleigh Burke và Zumwalt. Các tàu trong tương lai của lớp này có thể được kéo dài thêm với một mô-đun tải trọng.
Tàu có thể chứa các hệ thống phóng tên lửa lớn hơn; khả năng sống sót, không gian, trọng lượng, công suất và biên độ làm mát được cải thiện. DDG(X) sẽ sử dụng Hệ thống điện tích hợp (IPS) hiện đại như của lớp Zumwalt.
DDG(X) dự kiến sẽ có phạm vi hoạt động lớn hơn 50%, thời gian hoạt động lâu hơn 120% và lượng nhiên liệu tiêu thụ giảm 25% so với các tàu khu trục hiện tại của Hải quân Mỹ.
Theo Hải quân Mỹ, thiết kế DDG(X) cơ bản, giống như thiết kế Flight III DDG-51, sẽ bao gồm 96 ô Hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) tiêu chuẩn, với khả năng tích hợp 12 ô phóng tên lửa lớn thay cho 32 trong số 96 ô VLS tiêu chuẩn. Các tàu ban đầu sẽ được lắp 32 ô của Hệ thống phóng thẳng đứng Mark 41 với 3 khối như vậy.
Các phiên bản nâng cấp của lớp này có thể kết hợp vũ khí năng lượng định hướng với tia laser có công suất từ 150-600 kW.
DDG(X) được coi là một bước tiến vượt bậc về công nghệ, phát huy thế mạnh của các lớp Arleigh Burke và Zumwalt trong khi khắc phục những hạn chế của chúng. Điểm đáng chú ý của DDG(X) là các cảm biến và hệ thống radar tiên tiến, phiên bản nâng cao của Radar phòng không và tên lửa AN/SPY-6 (AMDR) được triển khai trên các tàu khu trục Arleigh Burke Flight III.
Hệ thống radar này cung cấp khả năng phát hiện và theo dõi vượt trội, cho phép tàu xác định và vô hiệu hóa nhiều mối đe dọa, từ tên lửa đạn đạo đến máy bay tàng hình. Thiết kế radar mô-đun cũng cho phép nâng cấp trong tương lai, đảm bảo tàu có thể thích ứng với các nhu cầu công nghệ đang thay đổi.
Thiết kế thân tàu dạng mô-đun kết hợp các yếu tố tối ưu từ lớp Arleigh Burke và Zumwalt. Thiết kế này hỗ trợ các hệ thống phóng tên lửa lớn hơn, cho phép tàu khu trục mang theo tải trọng lớn hơn các loại đạn dược tiên tiến, bao gồm cả vũ khí siêu thanh. Tính mô-đun cũng đơn giản hóa việc bảo trì và nâng cấp, giảm chi phí vòng đời và đảm bảo tàu luôn dẫn đầu về tính năng trong suốt thời gian phục vụ.
Tự động hóa là một nền tảng khác của chương trình DDG(X). Bằng cách tích hợp các hệ thống tự động và công nghệ điều khiển tiên tiến, Hải quân đặt mục tiêu giảm quy mô thủy thủ đoàn đồng thời tăng hiệu quả hoạt động. Các hệ thống tự động sẽ quản lý mọi thứ từ hệ thống đẩy đến hoạt động chiến đấu, cho phép tàu khu trục phản ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn với các mối đe dọa. Mức độ tự động hóa cũng sẽ giảm bớt gánh nặng cho thủy thủ.
DDG(X) đang được phát triển với trọng tâm là giải quyết các nhu cầu chiến lược của Hải quân Mỹ tại các khu vực có nguy cơ cao. Khi các đối thủ triển khai các chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) ngày càng tinh vi, khả năng phòng không và tấn công tiên tiến của tàu khu trục sẽ đảm bảo tàu có thể xâm nhập và hoạt động hiệu quả ở vùng biển có tranh chấp. Hệ thống radar, năng lực tên lửa và khả năng sống sót được cải tiến nhằm chống lại khả năng ngày càng tăng của các đối thủ.
Hải quân Mỹ có kế hoạch mua DDG(X) đầu tiên vào năm tài chính 2032. Với công nghệ đột phá và thiết kế hướng đến tương lai, DDG(X) không chỉ thay thế cho lớp Arleigh Burke mà còn là sự chuyển đổi trong chiến tranh hải quân, đưa Hải quân Mỹ vào vị thế có thể đáp ứng tốt những thách thức của môi trường hàng hải toàn cầu ngày càng phức tạp.
Từ khóa: tàu khu trục, Mỹ, hải quân Mỹ,Arleigh Burke,Ticonderoga Flight,DDG(X)
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả: ctv lê ngọc/vov.vn (tổng hợp)
Nguồn tin: VOVVN