Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam xin lỗi, cải chính thông tin sai sự thật về Vinamilk

Cập nhật: 11/03/2021

VOV.VN - Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải thông tin cải chính, xin lỗi Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) liên quan đến một số bài viết về Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội giai đoạn 2018-2020.

Ban Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chân thành xin lỗi Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cùng bạn đọc về những sai sót trong một số bài viết về Chương trình Sữa học đường tại thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020.

Cụ thể, từ ngày 09/4/2019 đến ngày 15/4/2019, xuất phát từ mong muốn học sinh trên địa bàn Hà Nội được thụ hưởng Chương trình Sữa học đường đúng với các quy định của Nhà nước, Bộ phận thực hiện nội dung của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam) đăng một số bài viết phản ánh về sản phẩm của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cung cấp cho Chương trình Sữa học đường tại thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020, cụ thể:

- Bài "Vinamilk pha vượt quy định 14 loại vitamin, khoáng chất vào Sữa học đường Hà Nội" đăng trên chuyên mục Giáo dục 24H hồi 11:06 ngày 09/4/2019;

- Bài "Ai phải chịu trách nhiệm về việc pha thêm 14 chất khác vào Sữa học đường Hà Nội" đăng trên chuyên mục Giáo dục 24H hồi 06:05 ngày 10/4/2019;

- Bài "Học sinh Hà Nội đang uống thực phẩm chức năng mà cứ ngỡ Sữa học đường?" đăng trên chuyên mục Giáo dục 24H hồi 10:06 ngày 12/4/2019;

- Bài "Sản phẩm của Vinamilk trái quy định hồ sơ mời thầu Sữa học đường Hà Nội" đăng trên chuyên mục Giáo dục 24H hồi 07:57 ngày 13/4/2019;

- Bài "Đừng lấy sức khỏe trẻ em Hà Nội tham gia Sữa học đường ra đánh cược cho Vinamilk" đăng hồi 08:46 ngày 15/4/2019.

Sau khi Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam khởi kiện Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm đã thụ lý, đưa ra xét xử ngày 30/9/2020, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm ngày 28/01/2021, trong đó tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (VINAMILK) đối với bị đơn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (Tên trước khi chuyển đổi là Báo điện tử Giáo dục Việt Nam); Buộc Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phải đăng lời cải chính, xin lỗi công khai; Buộc Tạp chí điện tử Giáo dục phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng trong 5 bài viết trên…

Ngày 31/01/2021 Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã gỡ bỏ các bài viết trên theo phán quyết phúc thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Ngày 09/03/2021 Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bản án dân sự phúc thẩm số 54/2021/DS-PT ngày 28/01/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về việc "tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí".

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam xin cải chính các thông tin đã đăng trong 5 bài viết trên về sản phẩm Vinamilk cung cấp cho Chương trình Sữa học đường Hà Nội là thực phẩm chức năng, không phải sữa tươi theo QCVN 5-1:2010/BYT, không đúng Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế, sản phẩm này cũng không đúng yêu cầu kỹ thuật trong Hồ sơ mời thầu mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát hành, mà Tòa đã xác định “đây là những nhận định mang tính chủ quan, thiếu căn cứ khoa học và cơ sở pháp lý, không đúng sự thật khách quan...”

Ban Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chân thành xin lỗi Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cùng bạn đọc về những sai sót trên, đồng thời sẽ xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan theo Nội quy của Tòa soạn.

Theo quy định của pháp luật, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam xin đăng toàn văn văn bản kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vụ việc đã đăng là sai sự thật: Bản án dân sự phúc thẩm số 54/2021/DS-PT ngày 28/01/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về việc “Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí”:

NHÂN DANH

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

- Với thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có:

Thẩm phán-Chủ tọa phiên tòa: Bà Trần Thị Thu Nam

Các thẩm phán: Ông Trương Chí Anh

Bà Nguyễn Thu Hồng

- Thư ký phiên tòa: Bà Trần Thị Hương Lan, Thư ký Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội: Bà Nguyễn Mai Thanh - Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.

Ngày 28 tháng 02 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 471/2020/TLPT-DS ngày 09 tháng 11 năm 2020 về việc "Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí".

Do bản án dân sự sơ thẩm số 27/2020/DS-ST ngày 30/9/2020 của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét phúc thẩm số 07/2020/QĐ-PT ngày 04 tháng 01 năm 2021, giữa các đương sự:

Nguyên đơn:

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VINAMILK)

Địa chỉ: Số 10 Tân Trào, phường Tân Phú, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh

Người đại diện theo pháp luật: Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc

Người đại diện theo ủy quyền:

1. Ông Phạm Trường Giang, sinh năm 1992 (có mặt tại phiên tòa).

2. Ông Đỗ Mạnh Linh, sinh năm 1989 (có đơn xin xét xử vắng mặt).

3. Ông Đoàn Minh Sơn, sinh năm 1990 (có đơn xin xét xử vắng mặt).

4. Ông Lê Minh Quang, sinh năm 1994 (có đơn xin xét xử vắng mặt).

Cùng địa chỉ: Tầng 21 Tòa nhà Charmv it, số 117 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Ông Hoàng Văn Dũng, ông Nguyễn Văn Thái - Luật sư Công ty Luật TNHH Bross và cộng sự; ông Nguyễn Hồng Bách - Luật sư Công ty Luật TNHH Hồng Bách và cộng sự, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội (ông Dũng, ông Thái và ông Bách đều có mặt tại phiên tòa).

Bị đơn:

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (Tên trước chuyển đổi: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam); Trụ sở: Tầng 6B, số 14-16 phố Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Tiến Bình - Tổng Biên tập.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phan Doãn Phúc - Tổng Thư ký Tòa soạn (theo Giấy ủy quyền ngày 25/01/2021. Ông Phúc có mặt tại phiên tòa).

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam: Ông Nguyễn Hoàng Tiến - Luật sư Văn phòng Luật sư Đức Thịnh thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội (ông Tiến có mặt tại phiên tòa).

NỘI DUNG VỤ ÁN:

Theo đơn khởi kiện và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn - Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) và người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VINAMILK) là đơn vị trúng thầu và ký hợp đồng cung cấp Sữa tươi học đường cho các Trường mầm non, Trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, theo Quyết định số 1340/QĐ-TTG ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020”.

Toàn bộ sản phẩm Sữa học đường do VINAMILK cung cấp đều được công bố đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm theo Bản tự công bố sản phẩm số 16-C2/VNM/2018 cho sản phẩm “Sữa tươi tiệt trùng không đường nhãn hiệu VINAMILK 100% Sữa tươi - Học đường” và Bản tự công bố sản phẩm số 17-C2/VNM/2018 cho sản phẩm “Sữa tươi tiệt trùng có đường Nhãn hiệu VINAMILK 100% Sữa tươi - Học đường”. Các công bố sản phẩm đã được Ban an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận và đăng trên trang thông tin điện tử của Ban an toàn thực phẩm và của VINAMILK.

Sản phẩm được chế biến từ sữa bò tươi nguyên liệu đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thành phần có đường hoặc không đường, không sử dụng chất bảo quản. Sản phẩm phù hợp với Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế về việc “Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020”;

Chất lượng sản phẩm đáp ứng Quy chuẩn QCVN 5-1:2010/BYT ban hành ngày 02/6/2010 của Bộ Y tế về “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với sản phẩm sữa dạng lỏng”;

Sản phẩm đã được công bố chất lượng với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm;

Nhãn Sữa học đường được ghi trên từng đơn vị sản phẩm, việc ghi nhãn hàng hóa thực hiện theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 của Chính phủ;

Sản phẩm được sản xuất tại nhà máy đã được cơ quan chức năng chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Ngoài thành phần dinh dưỡng có sẵn trong sữa tươi nguyên liệu, Sữa học đường có các thành phần bổ sung bắt buộc theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/07/2016 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: “Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020”. Sản phẩm “Sữa tươi tiệt trùng nhãn hiệu Vinamilk 100 Sữa tươi - học đường” hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu về chất lượng được quy định tại các văn bản nêu trên.

Ngoài 03 vi chất bắt buộc, sản phẩm Vinamilk cung cấp cho Chương trình Sữa học đường Hà Nội còn được bổ sung 10 (mười) Vitamin gồm Vitamin PP (B3), Vitamin C, Vitamin A, Vitamin E, Vitamin B1, Vitamin B2, Vitamin K1, Vitamin B6, Vitamin B5, Acid Folic, kèm theo là 04 (bốn) khoáng chất gồm Iod, Kẽm, Đồng, Selen. Việc này hoàn toàn phù hợp với khuyến nghị của Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cũng như không vi phạm điều cấm của pháp luật vì Quyết định số 1340 của Thủ tướng Chính phủ không cấm bổ sung các loại vi chất dinh dưỡng khác vào sản phẩm dùng trong Chương trình Sữa học đường: Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định sản phẩm Sữa học đường là Sữa tươi được bổ sung vi chất dinh dưỡng. Do đó, Vinamilk dã cân đối, bổ sung 03 loại vi chất dinh dưỡng nêu trong Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời bổ sung thêm 14 vi chất dinh dưỡng khác nhưng vẫn đảm bảo hàm lượng không vượt quá so với Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế và không vượt quá mức khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng. Việc bổ sung này là giá trị cộng thêm hoàn toàn có lợi cho sức khỏe và không vi phạm điều cấm của pháp luật.

Việc bổ sung các vi chất này còn phù hợp với Công văn số 437/DDHĐ&NN ngày 17/9/2018 gửi Cục An toàn thực phẩm, Viện Dinh dưỡng - Bộ Y tế đã đề xuất bổ sung các vi chất vào sữa sử dụng trong Chương trình Sữa học đường gồm sắt, canxi, Vitamin D kèm theo đó là hàm lượng khuyến nghị bổ sung trong mỗi 100ml sữa. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội cũng có Công văn số 3976/SGDĐT-KHTC ngày 21/9/2018 về việc sửa đổi Hồ sơ mời thầu gói thầu Mua sữa thuộc Đề án Sữa học đường thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020. Theo đó, tại Mục 2 về Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu trong 100 ml sữa tươi tiệt trùng (có đường hoặc không đường), Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội yêu cầu các nhà thầu bổ sung các vi chất gồm sắt, canxi, Vitamin D kèm theo là hàm lượng cần bổ sung.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng các bài báo, với nội dung quy kết chủ quan, sai sự thật cho rằng sản phẩm Sữa tươi học đường do VINAMILK cung cấp cho Chương trình Sữa học đường Hà Nội vi phạm Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/07/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Các quy kết này gây hoang mang trong nhân dân, khiến dư luận hiểu sai sự thật về sản phẩm của VINAMILK, xâm hại danh dự, uy tín, hình ảnh của VINAMILK và gây thiệt hại trực tiếp tới quyền lợi vật chất của VINAMILK khi đồng loạt các phụ huynh, Nhà trường tạm ngừng việc cho học sinh sử dụng sữa học đường, doanh số kinh doanh của VINAMILK giảm sút rõ rệt. Các bài báo có nội dung quy kết gồm:

- Bài "Vinamilk pha vượt quy định 14 loại vitamin, khoáng chất vào Sữa học đường Hà Nội";

- Bài "Ai phải chịu trách nhiệm về việc pha thêm 14 chất khác vào Sữa học đường Hà Nội" ;

- Bài "Học sinh Hà Nội đang uống thực phẩm chức năng mà cứ ngỡ Sữa học đường?";

- Bài "Sản phẩm của Vinamilk trái quy định hồ sơ mời thầu Sữa học đường Hà Nội";

- Bài "Đừng lấy sức khỏe trẻ em Hà Nội tham gia Sữa học đường ra đánh cược cho Vinamilk".

Điển hình trong bài báo này, Báo Giáo dục quy kết: “Sản phẩm Vinamilk cung cấp cho Chương trình Sữa học đường Hà Nội là thực phẩm chức năng, không phải sữa tươi theo QCVN 5-1:2010/BYT, không đúng Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế. Sản phẩm này cũng không đúng yêu cầu kỹ thuật trong Hồ sơ mời thầu mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát hành, nhưng không hiểu sao lại lọt được vào Chương trình Sữa học đường tại Thủ đô”.

Nguyên đơn khẳng định tất cả các quy kết về việc Vinamilk cung cấp sản phẩm Sữa học đường vi phạm Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ đều là cáo buộc chủ quan, không có cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học nhằm hạ thấp uy tín, hình ảnh, gây thiệt hại nghiêm trọng cho quyền lợi hợp pháp của Vinamilk.

Đến thời điểm hiện tại chưa có bất kỳ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào kết luận việc cung cấp sản phẩm Sữa học đường của Vinamilk cho Hà Nội là vi phạm Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, Thanh tra Bộ Y tế đã có ý kiến trả lời các trang thông tin truyền thông khác về việc Vinamilk đưa 10 vi chất, 4 chất khoáng vào sản phẩm Sữa học đường là tốt, không trái với quy định của pháp luật.

Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình, sau khi khởi kiện, sửa đổi, bổ sung và rút một phần yêu cầu, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu:

- Buộc Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phải đăng lời cải chính, xin lỗi công khai trên báo chí theo quy định tại K1, Điều 42, Luật Báo chí;

- Gửi văn bản thông báo đã hoàn thành việc cải chính và xin lỗi công khai nói trên cho Vinamilk theo K1 Điều 42 Luật Báo chí;

- Buộc Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng phát nhưng phải lưu giữ nội dung thông tin trên máy chủ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 của Luật Báo chí và khoản 1 Điều 42 Luật Báo chí đối với loạt bài:

1. Bài "Vinamilk pha vượt quy định 14 loại vitamin, khoáng chất vào Sữa học đường Hà Nội" do tác giả Hồng Thủy đăng hồi 11:06 ngày 09/4/2019;

2. Bài "Ai phải chịu trách nhiệm về việc pha thêm 14 chất khác vào Sữa học đường Hà Nội" do tác giả Hồng Thủy đăng hồi 06:05 ngày 10/4/2019;

3. Bài "Học sinh Hà Nội đang uống thực phẩm chức năng mà cứ ngỡ Sữa học đường?" do tác giả Hồng Thủy đăng hồi 10:06 ngày 12/4/2019;

4. Bài "Sản phẩm của Vinamilk trái quy định hồ sơ mời thầu Sữa học đường Hà Nội" do tác giả Hồng Thủy đăng hồi 07:57 ngày 13/4/2019;

5. Bài "Đừng lấy sức khỏe trẻ em Hà Nội tham gia Sữa học đường ra đánh cược cho Vinamilk" do tác giả Hồng Thủy đăng hồi 08:46 ngày 15/4/2019.”

- Buộc phải có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan báo chí và trang thông tin điện tử tổng hợp có thỏa thuận về việc sử dụng tin, bài của báo mình để thực hiện việc đăng lại lời cải chính, xin lỗi theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 42 Luật Báo chí.

Các nội dung khác trong đơn khởi kiện ngày 17/4/2019 cũng như đơn sửa đổi bổ sung và rút 1 phần yêu cầu khởi kiện ngày 30/6/2020 vẫn được giữ nguyên. Bảo lưu quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại trong 1 số vụ dân sự khác.

Bị đơn – Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có tuyến bài phân tích, phản biện, góp ý làm sao thực hiện đúng Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ các loại sữa tươi đúng quy định mới được sử dụng cho chương trình Sữa học đường. Sau loạt bài Báo đã đăng, tỉnh Khánh Hòa đã quyết định sử dụng sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường từ năm 2019-2020, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng quyết định cho sử dụng sữa tươi cho Chương trình sữa học đường từ Qúy II/2019.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng có tuyến bài phân tích, phản biện, góp ý về cách thức triển khai chương trình để đảm bảo tính cạnh tranh, giảm rủi ro, tăng minh bạch cho cộng đồng giám sát.

Về 14 vi chất dinh dưỡng được pha thêm vào sản phẩm Vinamilk cung cấp cho Chương trình Sữa học đường Hà Nội mà Báo phản ánh là không đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ, quy định của Bộ Y tế cũng như Hồ sơ mời thầu của Hà Nội, khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng, Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế với UBND thành phố Hà Nội là hoàn toàn có cơ sở, dựa vào các văn bản sau :

1.Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ ghi rõ :

Ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình sữa học đường đến năm 2020; quy định về nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối và sử dụng ; quy định về mức sữa phù hợp với lứa tuổi nhằm đáp ứng các chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường.

Về vi chất, Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu : “đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020”.

Theo Điều 3 Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ muốn bổ sung 3 vi chất này vào sữa tươi, Bộ Y tế cần ban hành quy định về sản phẩm sữa tươi bổ sung thêm 3 vi chất cụ thể mỗi vi chất bao nhiêu, lúc đó doanh nghiệp mới có cơ sở pháp lý triển khai.

2. Quyết định 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế quy định tạm thời về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường quốc gia :

Các sản phẩm sữa tươi thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa tươi dạng lỏng QCVN 5-1 :2010/BYT đáp ứng các quy chuẩn về kỹ thuật và quy định về quản lý của quy chuẩn này được sử dụng trong chương trình Sữa học đường.

Bộ Y tế cũng giao Viện Dinh dưỡng và các đơn vị nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu vitamin, khoáng chất ở trẻ Việt Nam và quy định của quốc tế, đề xuất bổ sung và sữa dùng cho Chương trình Sữa học đường phù hợp với các nhóm đối tượng trẻ em mẫu giáo, tiểu học để đáp ứng được mục tiêu và chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường báo cáo Bộ Y tế trước ngày 30/6/2017.

Cho đến thời điểm Vinamilk khởi kiện Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Bộ Y tế chưa ban hành Thông tư nào về sữa tươi bổ sung vi chất thay thế Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế.

3. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1 :2010/BYT.

Phạm vi điều chỉnh : Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng không áp dụng đối với thực phẩm chức năng ; 4 loại sữa tươi theo QCVN 5-1 :2010/BYT được phép sử dụng cho Chương trình sữa học đường.

Loại 1, sữa tươi nguyên chất thanh trùng:

Sản phẩm được chế biến hoàn toàn từ sữa tươi nguyên liệu, không bổ sung bất kỳ một thành phần nào của sữa hoặc bất cứ thành phần nào khác kể cả phụ gia thực phẩm, đã qua thanh trùng.

Loại 2, sữa tươi thanh trùng:

Sản phẩm được chế biến chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu, không bổ sung bất kỳ một thành phần nào của sữa, có thể bổ sung đường và các loại nguyên liệu khác, ví dụ như nước hoa quả, ca cao, cà phê, phụ gia thực phẩm đã qua thanh trùng.

Loại 3, sữa tươi nguyên chất tiệt trùng

Sản phẩm được chế biến hoàn toàn từ sữa tươi nguyên liệu, không bổ sung bất kỳ một thành phần nào của sữa hoặc bất cứ thành phần nào khác kể cả phụ gia thực phẩm đã qua tiệt trùng.

Loại 4, sữa tươi tiệt trùng

Sản phẩm được chế biến chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu, không bổ sung bất kỳ một thành phần nào của sữa, có thể bổ sung đường và các loại nguyên liệu khác, ví dụ như nước hoa quả, ca cao, cà phê, phụ gia thực phẩm đã qua tiệt trùng.

Khi Bộ Y tế chưa ban hành quy định mới về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình sữa học đường bổ sung thêm các vi chất nào, cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cho Chương trình sữa học đường vẫn là Quyết định 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế, cụ thể là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các loại sữa dạng lỏng QCVN 5-1 :2010/BYT. Điều này được Bộ Y tế nhắc lại trong văn bản số 2673/BYT-BM-YE ngày 15/5/2019.

Quy chuẩn QCVN 5-1 :2010/BYT này không áp dụng đối với thực phẩm chức năng, còn 2 sản phẩm của Vinamilk cung cấp cho Chương trình sữa học đường tại Hà Nội là thực phẩm bổ sung, thuộc nhóm thực phẩm chức năng do Bộ Y tế quản lý theo Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế, chứ không còn là sữa tươi theo QCVN 5-1 :2010/BYT hiện do Bộ Công thương quản lý.

4.Hồ sơ mời thầu Gói thầu 01 Mua sữa cho Chương trình sữa học đường Hà Nội : Công văn số 4801/ATTP-KN ngày 21/9/2018 của Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế phúc đáp đề nghị của UBND thành phố Hà Nội về việc bổ sung vi chất vào sữa học đường, kèm theo công văn số 437/DDHĐ&NN ngày 17/9/2018 của Viện Dinh Dưỡng khuyến nghị bổ sung 3 vi chất:

Vitamin D: 1,0 g - 1,4 g

Sắt (Fe): 1,4 mg - 1,9 mg

Canxi (Ca): 114 mg- 150 mg

Đây mới chỉ là khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng tham mưu để Cục An toàn thực phẩm trả lời câu hỏi của UBND thành phố Hà Nội, chưa phải quy định của Bộ Y tế theo tinh thần chỉ đạo của Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ nên chưa có giá trị pháp lý.

Ngày 21/9/2018, Sở GDĐT có văn bản số 3976/SGDĐT-KHTC sửa đổi hồ sơ mời thầu gửi các nhà thầu yêu cầu thay thế nội dung chi tiết 2.2.2 “Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu trong 100ml” thuộc Mục 2, khoản 2. Yêu cầu về kỹ thuật bằng các yêu cầu sau:

- Đảm bảo theo Quy chuẩn QCVN 5-1 :2010/BYT ban hành ngày 02/6/2010 của Bộ Y tế về QCKT Quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng.

- Đảm bảo các vi chất dinh dưỡng và hàm lượng theo các quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế về quy định tạm thời đối với sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường và bổ sung các vi chất sau:

Vitamin D: 1,0 g - 1,4 g

Sắt (Fe): 1,4 mg - 1,9 mg

Canxi (Ca): 114 mg- 150 mg

Cho đến thời điểm Vinamilk khởi kiện Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội chưa công bố văn bản nào thay đổi Hồ sơ mời thầu từ bổ sung 3 vi chất nói trên thành bổ sung 17 vi chất vào sản phẩm sử dụng cho Chương trình Sữa học đường.

Việc sản phẩm Vinamilk cung cấp cho Chương trình Sữa học đường bổ sung 17 vi chất là không đúng với quy định của Thủ tướng Chính phủ tại quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 cũng như quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế, hơn nữa còn không đúng với yêu cầu trong hồ sơ mời thầu của Sở GDĐT Hà Nội, khuyến nghị chính thức của Viện Dinh dưỡng với UBND thành phố Hà Nội.

Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố, yêu cầu Công ty cổ phần Sữa Việt Nam công khai xin lỗi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về các vấn đề nêu trên bằng văn bản, văn bản này phải được gửi đến đúng các địa chỉ mà CTCP Sữa Việt Nam đã gửi công văn quy kết Báo trước đó và đăng tải công khai trên Website của Vinamilk.

Ngày 20/01/2020 bị đơn bổ sung yêu cầu phản tố:

Yêu cầu Tòa án buộc Công ty cổ phần Sữa Việt phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước, sức khỏe của học sinh,... đối với những sản phẩm đã được cung ứng tiêu thụ trong Chương trình Sữa học đường trái quy định của pháp luật.

Tại văn bản số 18/GDVN-HC ngày 24/02/2020 về việc làm rõ nội dung phản tố và cung cấp tài liệu, chứng cứ bị đơn đề nghị:

Buộc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) công khai xin lỗi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bằng văn bản, đăng trên 10 tờ báo chính thống và Website của Vinamilk, văn bản này phải được gửi đến đúng các địa chỉ mà Vinamilk đã gửi văn bản 1651/CV-CTS.PTĐT/2019 ngày 13/4/2019, văn bản số 1717/CV-CTS.PTĐT/2019 ngày 17/4/2019 quy kết báo.

2. Buộc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) bồi thường thiệt hại về vật chất cho báo điện tử giáo dục Việt Nam gồm toàn bộ chi phí thuê luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Báo trong vụ kiện này và 10 tháng lương cơ bản cho ông Đào Ngọc Tước, ông Phan Doãn Phúc vì những ngày phải làm việc với các cơ quan chức năng và theo vụ kiện.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 27/2020/DS-ST, ngày 30/9/2020 của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm đã xét xử:

1.Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty CP Sữa Việt Nam (VINAMILK) đối với bị đơn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (tên trước khi chuyển đổi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam).

2. Buộc Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phải đăng lời cải chính, xin lỗi công khai trên báo chí theo quy định tại khoản 1, Điều 42 Luật Báo chí.

3. Buộc Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam gửi văn bản thông báo đã thực hiện đăng lời cải chính, xin lỗi cho Công ty CP Sữa Việt Nam (VINAMILK) theo quy định tại khoản 1, Điều 42 Luật Báo chí.

4. Buộc Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng phát như phải lưu giữ nội dung thông tin trên máy chủ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 42 của Luật Báo chí đối với loạt bài:

- Bài "Vinamilk pha vượt quy định 14 loại vitamin, khoáng chất vào Sữa học đường Hà Nội" do tác giả Hồng Thủy đăng hồi 11:06 ngày 09/4/2019;

- Bài "Ai phải chịu trách nhiệm về việc pha thêm 14 chất khác vào Sữa học đường Hà Nội" do tác giả Hồng Thủy đăng hồi 06:05 ngày 10/4/2019;

- Bài "Học sinh Hà Nội đang uống thực phẩm chức năng mà cứ ngỡ Sữa học đường?" do tác giả Hồng Thủy đăng hồi 10:06 ngày 12/4/2019;

- Bài "Sản phẩm của Vinamilk trái quy định hồ sơ mời thầu Sữa học đường Hà Nội" do tác giả Hồng Thủy đăng hồi 07:57 ngày 13/4/2019;

- Bài "Đừng lấy sức khỏe trẻ em Hà Nội tham gia Sữa học đường ra đánh cược cho Vinamilk" do tác giả Hồng Thủy đăng hồi 08:46 ngày 15/4/2019.”

5. Buộc Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phải có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan báo chí và trang thông tin điện tử tổng hợp có thỏa thuận về việc sử dụng tin, bài của báo mình để thực hiện việc đăng lại lời cải chính, xin lỗi theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 42 Luật Báo chí.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo và nghĩa vụ thi hành án của các bên đương sự.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, tại Đơn kháng cáo đề ngày 6/10/2020. Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết nội dung sau:

1. Phía nguyên đơn thừa nhận sản phẩm vinamilk cung cấp cho chương trình Sữa học đường tại Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020 là thực phẩm bổ sung (1 phân nhóm của thực phẩm chức năng) theo Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại đồng tình và cho rằng Tạp chí giáo dục điện tử Việt Nam thông tin sai sự thật là nhận định và phán quyết thiếu khách quan, không có cơ sở.

2. Vấn đề bổ sung tăng cường vi chất vào thực phẩm được pháp luật quy định cụ thể tại Luật an toàn thực phẩm, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng QCVN 9 -2:2011/BYT theo Thông tư số 18/2011/TT – BYT ngày 30.5.2011, Nghị định số 09/2016 ngày 28.1.2016 của Chính phủ quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Các Văn bản quy phạm pháp luật đều không có điều khoản nào cho phép bổ sung tăng cường vi chất dinh dưỡng vào sữa tươi, đã không được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét, trong khi đó lại căn cứ của Thông tư số 31/2019/TT-BYT ban hành ngày 5/12/2019 có hiệu lực từ ngày 20/1/2019, sau khi Tòa án Hoàn Kiếm thụ lý vụ kiện gần 7 tháng và chưa có Hiệu lực pháp luật thời điểm thụ lý vụ kiện, để đồng tình với nhận định của Nguyên đơn là không đúng quy định pháp luật. Hơn nữa nội dung Thông tư số 31/2019/TT-BYT ngày 05 tháng 12 năm 2019 của Bộ Y tế, không có bất kỳ điều khoản nào quy định việc “bổ sung” hay “tăng cường” vi chất dinh dưỡng vào sữa tươi, theo quy định của Luật an toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

3. Về vấn đề sản phẩm Vinamilk cung cấp cho Chương trình sữa tươi học đường tại Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020 mà Bị đơn phản ánh là không đúng quy định trong hồ sơ mời thầu, tại Đơn xin hoãn phiên tòa ngày 07/8/2020, bị đơn đã đề nghị Tòa án cấp sơ thẩm thu thập hồ sơ mời thầu để trực tiếp đối chiếu một cách khách quan nhưng không được chấp nhận. Tòa án cấp sơ thẩm dựa vào trả lời của Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội là một bên trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan để tuyên án sơ thẩm là thiếu khách quan, có dấu hiệu bỏ lọt chứng cứ quan trọng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, nhất trí với bản án sơ thẩm và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn.

Bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho bị đơn. Bị đơn đồng ý hòa giải và rút đơn kháng cáo khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện.

Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn phát biểu và đề nghị:

- Khẳng định sữa tươi học đường bổ sung các vi chất là thuộc phân nhóm thực phẩm chức năng;

- Việc Vinamilk tự ý bổ sung các vi chất vào Sữa tươi học đường là không đúng với Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế vì trong các văn bản này không có nội dung quy định cho bổ sung vi chất vào Sữa tươi học đường;

- Tại thời điểm đăng báo cũng chưa có văn bản nào cho phép Vinamilk được bổ sung vi chất vào Sữa tươi học đường;

- Tại thời điểm Sở Giáo dục đào tạo mời thầu cũng chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh việc Vinamilk bổ sung vi chất là tốt cho sức khỏe và đúng với mục đích phát triển tầm vóc trẻ em đến năm 2020;

- Theo quy định của Luật an toàn thực phẩm thì không có quy định nào cho phép sữa tươi được bổ sung vi chất.

Do vậy Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có những bài báo đăng phản ánh như vậy là chính xác, Vinamilk khởi kiện là không có căn cứ và chính từ việc khởi kiện của Vinamilk cũng như việc Vinamilk đã gửi các văn bản cho các cơ quan chức năng đã làm ảnh hưởng đến tinh thần, vật chất của bị đơn. Đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bị đơn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn và hủy toàn bộ bản án sơ thẩm do không giải quyết đối với yêu cầu phản tố của bị đơn.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn phát biểu và đề nghị:

- Khẳng định sữa tươi học đường của Vinamilk đảm bảo các yếu tố khoa học dinh dưỡng, chất lượng sản phẩm đáp ứng Quyết định số 1340 ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 5450/QĐ-TTg ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế.

- Cả hai Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế cũng không có nội dung nào quy định cấm sản phẩm sữa tươi học đường không được bổ sung vi chất.

- Sản phẩm Sữa tươi học đường được các cơ quan chuyên môn xác định sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn theo Quy chuẩn QCVN 5-1:2010/BYT ban hành ngày 02/6/2010 của Bộ y tế; phù hợp với hồ sơ mời thầu; không có phản hồi nào từ người sử dụng sữa cho rằng sản phẩm sữa không đảm bảo chất lượng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

- Cho đến thời điểm này thì chưa có văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền kết luận sản phẩm sữa tươi học đường bổ sung vi chất là có hại cho sức khỏe và vi phạm các Quyết định của Thủ tướng chính phủ và Bộ Y tế.

- Việc Vinamilk bổ sung vi chất vào sản phẩm khác với việc Báo điện tử Giáo dục đăng trên báo là Vinamilk tự ý pha các vi chất vào sữa.

Việc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng các bài báo quy kết Vinamilk vi phạm Quyết định của Thủ Tướng, vi phạm quy định pháp luật làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của doanh nghiệp lớn như Vinamilk, ảnh hưởng đến Chương trình của Thủ Tướng và Bộ Y tế. Hậu quả của những bài báo đăng không đúng sự thật dẫn đến một số Trường học dừng không ký hợp đồng sử dụng sản phẩm của Vinamilk, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. Do đó việc bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn là không có căn cứ.

Đối với việc bị đơn có yêu cầu hủy bản án sơ thẩm do không giải quyết yêu cầu phản tố, phía nguyên đơn cho rằng, căn cứ vào tài liệu đã được sao chụp trong hồ sơ vụ án thể hiện, trong Biên bản nghị án của Tòa án cấp sơ thẩm có xem xét, thảo luận về việc không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, do vậy thiếu sót của Tòa án cấp sơ thẩm không tuyên nội dung này trong phần quyết định của bản án có thể bổ sung ở cấp phúc thẩm mà không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm.

Đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và không chấp nhận kháng cáo của bị đơn cũng như ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị đơn vì không có căn cứ.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu ý kiến:

Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, các đương sự đã thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Về nội dung: sau khi phân tích, đánh giá quá trình giải quyết vụ án, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu và đề nghị:

- Báo điện tử Giáo dục khi đăng các bài viết đã trích dẫn phát biểu của các nhà nghiên cứu cũng như ý kiến của các đại biểu xoay quanh việc Vinamilk bổ sung các vi chất có đúng quy định và đúng như hồ sơ mời thầu của Sở Giáo dục hay không là không có căn cứ, thông tin chưa được kiểm định tính chính xác và chưa được sự đồng ý của các nhà nghiên cứu, vi phạm quy trình tác nghiệp của phóng viên khi đăng bài theo Luật báo chí; không có căn cứ xác định chất lượng sản phẩm khi sử dụng có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của người tiêu dùng.

- Theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Sữa tươi được bổ sung 3 vi chất là sắt, canxi, vitamin D nhưng không có nội dung nào thể hiện cấm bổ sung thêm các vi chất khác. Theo Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế muốn bổ sung thêm các vi chất khác thì phải tuân thủ theo luật An toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc bổ sung thêm 14 vi chất khác của Công ty sữa chưa tuân thủ Điều 14 của luật An toàn thực phẩm.

Tuy nhiên quá trình giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và đường lối giải quyết chưa chính xác, cụ thể:

- Tòa án cấp sơ thẩm đã không đưa Sở Giáo dục đào tạo vào tham gia tố tụng mà chỉ làm Công văn để hỏi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc sản phẩm Vinamilk cung cấp cho chương trình Sữa học đường tại Hà Nội có đúng yêu cầu kỹ thuật quy định trong Hồ sơ mời thầu hay không là thiếu sót.

- Căn cứ để xác định việc Công ty sữa bổ sung thêm 14 vi chất có ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh hay không phụ thuộc vào trả lời của các cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên cục An toàn thực phẩm trả lời chung chung: “không vượt ngưỡng…” không thể hiện mức độ an toàn là như thế nào? (An toàn tại thời điểm này hay an toàn ổn định bền vững cả sau này, sữa này dùng chung cho cả lứa tuổi mầm non và tiểu học đúng không?)

- Phần nhận định của bản án sơ thẩm có xem xét và giải quyết đối với yêu cầu phản tố của bị đơn, tuy nhiên trong phần quyết định của bản án lại không tuyên chấp nhận hay không chấp nhận đối với yêu cầu phản tố. Như vậy là chưa giải quyết đối với yêu cầu của bị đơn, tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn không đồng ý giải quyết yêu cầu này tại cấp phúc thẩm, như vậy là vi phạm quyền được xét xử 2 cấp của đương sự

- Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý vụ án từ ngày 10/5/2019 nhưng khi xét xử áp dụng Thông tư 31/2019/TT-BYT ban hành ngày 05/12/2019 có hiệu lực từ ngay 20/01/2020 là văn bản chưa có hiệu lực pháp luật tại thời điểm thụ lý vụ kiện để giải quyết là không đúng quy định của pháp luật.

Do vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ. Đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm căn cứ Khoản 3 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, chấp nhận kháng cáo của bị đơn, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 27/2020/DS-ST ngày 30/9/2020 của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận công khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

1. Về tố tụng: Bị đơn - Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam có đơn kháng cáo trong thời hạn luật định, đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên xác định kháng cáo là hợp lệ.

2.Về Nội dung: Xét thấy

2.1. Căn cứ để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn

Ngày 08/7/2016 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1340/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định 1340) về việc phê duyệt “Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020”. Tại khoản 2 Điều 1 về các chỉ tiêu có quy định: “Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020”.

Ngày 28/9/2016, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5450/QĐ-BYT (gọi tắt là Quyết định 5450) về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam là đơn vị trúng thầu “Theo Quyết định số 2484/QĐ-SGDĐT ngày 23/11/2018 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu: Gói thầu số 01: Mua sữa thuộc Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường cải thiện địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn (2018-2020)” và ký Hợp đồng cung cấp Sữa tươi học đường với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho toàn bộ các Trường mầm non, Trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, toàn bộ sản phẩm Sữa tươi học đường do VINAMILK cung cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội đều được công bố đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm theo Bản tự công bố sản phẩm số 16-C2/VNM/2018 cho sản phẩm “Sữa tươi tiệt trùng không đường nhãn hiệu Vinamilk 100% Sữa tươi- Học đường” và Bản tự công bố sản phẩm số 17-C2/VNM/2018 cho sản phẩm “Sữa tươi tiệt trùng có đường Nhãn hiệu Vinamilk 100% Sữa tươi – Học đường”.

Các bộ sản phẩm đã được Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận và đăng trên trang thông tin điện tử của Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh và đăng trên trang thông tin điện tử của VINAMILK theo quy định của Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.

Các sản phẩm Sữa học đường trúng thầu của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam cung cấp trên địa bàn Thành phố Hà Nội, ngoài 03 vi chất dinh dưỡng (sắt, canxi, vitamin D) theo hồ sơ mời thầu còn được bổ sung thêm 14 vi chất gồm: 10 (mười) Vitamin bao gồm Vitamin PP (B3), Vitamin C, Vitamin A, Vitamin E, Vitamin B1, Vitamin B2, Vitamin K1, Vitamin B6, Vitamin B5, Acid Folic, kèm theo là 04 (bốn) khoáng chất gồm Iod, Kẽm, Đồng, Selen.

Quan điểm của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho rằng, việc Vinamilk tự ý cho thêm 14 vi chất vào sữa học đường là không đúng với Quyết định 1340 của Thủ Tướng. Trong bài “Đừng lấy sức khỏe trẻ em Hà Nội tham gia Sữa học đường ra đánh cược cho Vinamilk” đăng ngày 15/4/2019 xác định “Sản phẩm Vinamilk cung cấp cho Chương trình Sữa học đường Hà Nội là thực phẩm chức năng, không phải sữa tươi theo QCVN 5-1 :2010/BYT, không đúng Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng, Quyết định 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Sản phẩm này cũng không đúng yêu cầu kỹ thuật trong Hồ sơ mời thầu mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát hành, nhưng không hiểu sao lại lọt vào được Chương trình Sữa học đường tại Thủ đô?.”

Phía Vinamilk có quan điểm, để đạt được các mục tiêu đã đề ra tại Quyết định 1340 của Thủ tướng cũng như Quyết định 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế; các khuyến nghị của Viện dinh dưỡng - Bộ Y tế, ngoài 03 vi chất bắt buộc thì Vinamilk đã bổ sung 14 vi chất dinh dưỡng khác nhưng vẫn đảm bảo hàm lượng không vượt quá so với Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ y tế và không vượt quá mức khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng. Việc bổ sung này là giá trị cộng thêm hoàn toàn có lợi cho sức khỏe và không vi phạm điều cấm của pháp luật.

Căn cứ vào trình bày của các bên đương sự, tài liệu, chứng cứ do các đương sự giao nộp và Tòa án thu thập được thể hiện, tại Quyết định 5450/QĐ-BYT, ngày 28/9/2016, Bộ Y tế đã “giao cho Viện Dinh dưỡng chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thực phẩm và các đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu Vitamin, khoáng chất ở trẻ Việt Nam và quy định của quốc tế, đề xuất bổ sung vào sữa dùng cho Chương trình Sữa học đường phù hợp với các đối tượng trẻ em mẫu giáo, tiểu học để đáp ứng được Mục tiêu và Chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường đến năm 2020”. Theo Quyết định này thì Viện Dinh dưỡng là cơ quan được Bộ Y tế giao cho việc chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng định mức quy định sữa phù hợp với lứa tuổi và hàm lượng vi chất bổ sung trong sản phẩm của Chương trình Sữa học đường.

Ngày 06/7/2017, Viện Dinh dưỡng đã có Công văn số 351/VDD-DDHĐ&NN gửi Cục An toàn thực phẩm. Trong báo cáo kỹ thuật đính kèm Công văn số 351/VDD-DDHĐ&NN ngày 06/7/2017, Viện Dinh dưỡng đề nghị tăng cường ít nhất 05 vi chất bắt buộc và 16 vi chất không bắt buộc vào Sữa học đường.

Tại công văn số 384/VĐ-KHTH ngày 16/8/2018 của Viện Dinh dưỡng gửi Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội kèm theo văn bản chỉ tiêu chất lượng sữa do Hội đồng khoa học Viện Dinh dưỡng thông qua;

Ngày 26/4/2019, Viện Dinh dưỡng có Công văn số 250/VDD-HKTH gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trả lời về thành phần Sữa học đường. Tại văn bản này, Viện Dinh dưỡng khẳng định: Viện Dinh dưỡng luôn nhất quán đề nghị bổ sung vi chất theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đa vi chất theo Công văn 351/VDD-DDHĐ&NN của Viện Dinh dưỡng và vì vậy, sản phẩm sữa tươi của Hà Nội đang sử dụng cho Chương trình Sữa học đường là hoàn toàn phù hợp với các quy định và khuyến nghị về dinh dưỡng cho trẻ em ở lứa tuổi từ 03 - 11 tuổi trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tại Công văn số 3838/ATTP-KN ngày 26/11/2019 của Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế gửi Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm đã khẳng định:

“1. Các sản phẩm “Sữa tươi tiệt trùng có đường nhãn hiệu Vinamilk 100% Sữa tươi - Học đường” và “Sữa tươi tiệt trùng không đường nhãn hiệu Vinamilk 100% Sữa tươi - Học đường” của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam đã được Công ty tự công bố sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường tại Ban Quản lý An toàn Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại khoản 1, Điều 4 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

Căn cứ hồ sơ gửi kèm theo công văn số 779/CV-TA, các sản phẩm nêu trên phù hợp với QCVN 5-1: 2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa dạng lỏng (tuy nhiên, QCVN này ngoài điều chỉnh các sản phẩm sữa tươi còn điều chỉnh các sản phẩm sữa dạng lỏng khác).

2. Căn cứ khoản 23 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm và hồ sơ tự công bố sản phẩm của Công ty, các sản phẩm trên thuộc nhóm thực phẩm bổ sung (một phân nhóm của thực phẩm chức năng).

Các sản phẩm của công ty đã được 03 loại vi chất dinh dưỡng (sắt, canxi, vitamin D) để đáp ứng mục tiêu “Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020 tại Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng còn lại phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam và không vượt quá ngưỡng dung nạp tối đa theo quy định tại Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế...”

Theo Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế quy định: “Thực phẩm bổ sung (Supplemented Food) là thực phẩm thông thường được bổ sung vi chất và các yếu tố có lợi cho sức khoẻ như vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic, prebiotic và chất có hoạt tính sinh học khác”.

Theo hướng dẫn tại Thông tư nêu trên thì việc Vinamilk xác nhận trên nhãn sản phẩm ghi thực phẩm bổ sung là thể hiện sự minh bạch trong việc sử dụng bổ sung các vi chất vào Sữa học đường. Cục an toàn thực phẩm – Bộ y tế cũng có văn bản như đã viện dẫn ở nội dung nêu trên xác định, “… việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng này là phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam, không vượt quá ngưỡng dung nạp tối đa theo quy định tại Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế…”

Với những phân tích ở nội dung nêu trên nhận thấy, việc Vinamilk bổ sung các vi chất vào Sữa học đường là không trái với Quyết định số 1340/QĐ – TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế cũng như phù hợp với khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng – Bộ Y tế, là đơn vị được Bộ y tế giao cho nghiên cứu tổng hợp nhu cầu Vitamin, khoáng chất ở trẻ Việt Nam và quy định của quốc tế, đề xuất bổ sung vào sữa dùng cho Chương trình Sữa học đường phù hợp với các nhóm đối tượng trẻ em mẫu giáo, tiểu học để đáp ứng được Mục tiêu và Chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường đến năm 2020.

Đối với việc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một số bài viết mà phía nguyên đơn cho rằng, các bài báo chứa các nội dung quy kết chủ quan, sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, xâm hại danh dự, uy tín, hình ảnh và gây thiệt hại tới quyền và lợi ích của VINAMILK…

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Báo chí nhận thấy, việc báo chí phản ánh đối với các vấn đề xã hội là cần thiết, tuy nhiên các thông tin phản ánh phải trung thực và có căn cứ, cụ thể trong vụ án này khi đưa tin cần có sự tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền như Bộ Y tế, các cơ quan thuộc Bộ Y tế như Viện dinh dưỡng, Cục an toàn thực phẩm…, trên cơ sở đó phản ánh khách quan, toàn diện, đảm bảo những thông tin khi truyền dẫn đến môi trường mạng là có căn cứ, không gây hoang mang trong nhân dân.

Tuy nhiên xem xét đối với các bài viết đăng trên Báo điện tử giáo dục Việt Nam, trong đó có bài viết thể hiện: “Sản phẩm Vinamilk cung cấp cho Chương trình Sữa học đường Hà Nội là sản phẩm chức năng, không phải sữa tươi theo QCVN 5 -1:2010/BYT, không đúng Quyết định 1340/QĐ – TTg của Thủ tướng, Quyết định 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế; không đúng yêu cầu kỹ thuật trong Hồ sơ mời thầu mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát hành, nhưng không hiểu sao lại lọt vào được Chương trình Sữa học đường tại Thủ đô?”, cần xác định đây là những nhận định mang tính chủ quan, thiếu căn cứ khoa học và cơ sở pháp lý, không đúng sự thật khách quan, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng sản phẩm cũng như nhân dân, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín và gây thiệt hại về kinh tế cho Doanh nghiệp.

Căn cứ vào tôn chỉ, mục đích của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam là: “Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực giáo dục và phổ biến, giáo dục pháp luật trong các trường đại học, cao đẳng; Cung cấp thông tin về tuyển sinh, du học, dự báo các ngành nghề có thể phát triển trong tương lai để định hướng cho học sinh, sinh viên chọn trường, chọn nghề; Trao đổi thông tin, phổ biến kinh nghiệm dạy tốt, học hay giữa các nhà khoa học, nhà giáo, sinh viên, học sinh và các bậc phụ huynh trong việc học tập; Định hướng, giáo dục lòng yêu quê hương, yêu đất nước”, tuy nhiên nội dung của các bài báo nêu trên không đúng với tiêu chí tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong các trường Đại học và Cao đẳng, không đúng với tôn chỉ, mục đích quy định trong Giấy phép hoạt động của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Với những phân tích nêu trên xác định, yêu cầu khởi kiện của Vinamilk là có căn cứ, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định, đánh giá và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở và đúng quy định của pháp luật.

Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm và đây cũng là căn cứ để không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, tuy nhiên trong phần tuyên án, Toà án cấp sơ thẩm đã không tuyên nội dung này là thiếu sót. Toà án cấp phúc thẩm cần bổ sung để đảm bảo giải quyết toàn diện các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn cũng như yêu cầu phản tố của bị đơn và đúng quy định pháp luật.

Quan điểm của các Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

2.2. Đối với đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội và Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị đơn phát biểu và đề nghị huỷ bản án sơ thẩm. Xét thấy:

Để có cơ sở giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn cũng như yêu cầu phản tố của bị đơn thì Tòa án phải căn cứ vào ý kiến của các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực y tế làm cơ sở giải quyết vụ án. Quá trình giải quyết tại Toà án cấp sơ thẩm, Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế đã có văn bản khẳng định “…việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng này là phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam, không vượt quá ngưỡng dung nạp tối đa theo quy định tại Thông tư số 43/2014/TT/BYT ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế …”. Như vậy quan điểm của Cục an toàn thực phẩm là rõ ràng, không phải chung chung như nhận định của Viện kiểm sát. Đây cũng là cơ sở để xác định Sở Giáo dục đào tạo không có nghĩa vụ trong vụ án này nên Toà án cấp sơ thẩm không xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để đưa vào tham gia tố tụng là phù hợp.

Bên cạnh đó thì Thông tư số 31/2019/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 05/12/2019 ( gọi tắt là Thông tư số 31), mặc dù bị đơn cho rằng, tại thời điểm nguyên đơn khởi kiện thì Thông tư này chưa có hiệu lực, tuy nhiên điều này khẳng định việc Vinamilk bổ sung thêm 14 vi chất theo khuyến nghị của Viện dinh dưỡng là hoàn toàn có cơ sở khoa học, phù hợp với quyết định 1340 của Thủ tướng chính phủ, cụ thể tại Điều 3 Thông tư số 31 quy định: “Các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường bao gồm sữa tươi nguyên chất tiệt trùng và sữa tươi tiệt trùng đáp ứng các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT ban hành theo Thông tư số 30/2010/TT-BYT ngày 02 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế và yêu cầu quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư này”.

Điều 4 Thông tư số 31 quy định rõ các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường phải đảm bảo đủ 21 vi chất dinh dưỡng với hàm lượng trung bình trong 100ml sữa, cụ thể 21 vi chất dinh dưỡng này gồm:

Vitamin D3, Canxi, Sắt, Vitamin A, Vitamin E, Vitamin C, Vitamin B1, Vitamin B2 ( riboflavina), Vitamin B3 (Niacin – PP), Vitamin B5 (Acid Pantothenic), Vitamin B6 , Vitamin B7 (Biotina), Acid folic (Vitamin B9), Vitamin B12, Vitamin K1, Kẽm, Đồng, I ốta, Selen, Phospho, Magiê.

Đây là những vi chất mà Vinamilk đã sử dụng và đưa vào sản phẩm Sữa học đường theo khuyến nghị của Viện dinh dưỡng- Bộ Y tế. Cho đến thời điểm trước khi Bộ Y tế ban hành Thông tư số 31 thì chưa có cơ quan chuyên môn nào xác định việc Vinamilk bổ sung 14 vi chất làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng theo Chương trình Sữa học đường.

2.3. Đối với việc Toà án cấp sơ thẩm không tuyên trong bản án về việc chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn. Xét thấy :

Quá trình giải quyết vụ án, Toà án cấp sơ thẩm cũng đã xem xét, nhận định, đánh giá căn cứ để không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, nhưng trong phần quyết định lại không tuyên nội dung này là thiếu sót, tuy nhiên Toà án cấp phúc thẩm xác định, thiếu sót của Toà án cấp sơ thẩm không phải nghiêm trọng và được bổ sung ở cấp phúc thẩm.

Những phân tích nêu trên cũng là căn cứ để Toà án cấp phúc thẩm không chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội và Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn đề nghị huỷ bản án sơ thẩm.

2. Về án phí:

- Do chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nên bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

- Do sửa một phần án sơ thẩm về cách tuyên nên bị đơn không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Điểm b khoản 1 Điều 9; khoản 8 Điều 9 ; Điều 42; khoản 1 Điều 43 ; Điểm d khoảm 1 Điều 52 Luật Báo chí năm 2016;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 27/2020/DS-ST, ngày 30/9/2020 của Toà án nhân dân quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VINAMILK) đối với bị đơn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (Tên trước khi chuyển đổi là Báo điện tử Giáo dục Việt Nam).

2. Buộc Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phải đăng lời cải chính, xin lỗi công khai trên báo chí theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Báo chí.

3. Buộc Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam gửi văn bản thông báo đã thực hiện việc đăng lời cải chính, xin lỗi cho Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VINAMILK) theo quy định tại khoản 1, Điều 42 Luật Báo chí.

4. Buộc Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát nhưng phải lưu giữ nội dung thông tin trên máy chủ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 của Luật Báo chí đối với các bài đã đăng gồm:

- Bài “Vinamilk pha vượt quy định 14 loại Vitamin, khoáng chất vào Sữa học đường Hà Nội” do tác giả Hồng Thủy đăng hồi 11:06 ngày 09/4/2019;

- Bài “Ai phải chịu trách nhiệm về việc pha thêm 14 chất khác vào Sữa học đường Hà Nội?” do tác giả Hồng Thủy đăng hồi 06:50 ngày 10/4/2019;

- Bài “Học sinh Hà Nội đang uống thực phẩm chức năng mà cứ ngỡ Sữa học đường?” do tác giả Hồng Thủy đăng hồi 10:16 ngày 12/4/2019;

- Bài “Sản phẩm của Vinamilk trái quy định hồ sơ mời thầu Sữa học đường Hà Nội” do tác giả Hồng Thủy đăng hồi 07:57 ngày 13/4/2019;

- Bài “Đừng lấy sức khỏe trẻ em Hà Nội tham gia Sữa học đường ra đánh cược cho Vinamilk” do tác giả Hồng Thủy đăng hồi 08:46 ngày 15/4/2019.

5. Buộc Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phải có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan báo chí và trang thông tin điện tử tổng hợp có thỏa thuận về việc sử dụng tin, bài của báo mình để thực hiện việc đăng lại lời cải chính, xin lỗi theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 42 Luật Báo chí.

6. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn – Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đối với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) về việc:

- Buộc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) công khai xin lỗi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bằng văn bản, đăng trên 10 tờ báo chính thống và Website của Vinamilk, văn bản này phải được gửi đến đúng các địa chỉ mà Vinamilk đã gửi văn bản 1651/CV-CTS.PTĐT/2019 ngày 13/4/2019, văn bản số 1717/CV-CTS.PTĐT/2019 ngày 17/4/2019 quy kết báo.

- Buộc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) bồi thường thiệt hại về vật chất cho Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam gồm toàn bộ chi phí thuê luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Báo trong vụ kiện này và 10 tháng lương cơ bản cho ông Đào Ngọc Tước, ông Phan Doãn Phúc vì những ngày phải làm việc với cơ quan chức năng và theo vụ kiện.

7. Về án phí:

Nguyên đơn - Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VINAMILK) không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Trả lại nguyên đơn số tiền 11.040.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp tại Chi cục Thi hành án Dân sự quận Hoàn Kiếm theo Biên lai số 0003013 ngày 08/5/2019.

Bị đơn - Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu nguyên đơn được Tòa án chấp nhận; 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu phản tố không được chấp nhận và không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Số tiền án phí phải chịu được trừ vào số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp theo Biên lai thu số 0017509 ngày 04/02/2020 và 300.000 đồng tạm ứng án phí dân dự phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu số 17923, ngày 09/10/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm.

Xác nhận Bị đơn – Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nộp xong tiền án phí.

8. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 – Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện yêu cầu thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Án xử công khai phúc thẩm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án./.

Từ khóa: Sữa học đường, Chương trình Sữa học đường, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cải chính, xin lỗi Vinamilk, cải chính thông tin về Vinamilk, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập