Tăng tốc phát triển công nghiệp Quảng Ngãi: Nghị quyết hợp lòng dân
Cập nhật: 27/09/2020
Thi công xuyên Tết, tăng tốc đưa các dự án cao tốc về đích năm 2025 (13/01/2025)
Phòng khám Đa khoa Tân Bình kính chúc năm mới hạnh phúc, cập nhật lịch nghỉ Tết
VOV.VN - Tỉnh Quảng Ngãi đã tạo bước đột phá trên lĩnh vực công nghiệp, tạo tiền đề quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định, tỉnh Quảng Ngãi phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; sản xuất gắn với thị trường; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Thực hiện Nghị quyết này, 5 năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã tạo bước đột phá trên lĩnh vực công nghiệp, tạo tiền đề quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Vượt qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, hàng ngàn lao động tại Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất vừa tập trung sản xuất kinh doanh, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Trước đó, vào tháng 8/2020, hệ thống lò cao số 3 và lò thổi số 4 của Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát - Dung Quất được đưa vào vận hành. Lò cao số 4 dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2020, đầu năm 2021.
Như vậy, chỉ sau 4 năm được cấp phép, từ một dự án bỏ hoang nhiều năm, đến nay, Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát - Dung Quất ghi dấu ấn quan trọng về tiến độ thực hiện dự án, giữ đúng cam kết với chính quyền và người dân tỉnh Quảng Ngãi. Với gần 10.000 lao động đang làm việc tại đây, Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát- Dung Quất là dự án thu hút đông lao động tại tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.
Ông Đinh Văn Chung, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần thép Hòa Phát - Dung Quất cho biết, doanh nghiệp dự kiến sẽ thu hút hơn 90% lao động là người dân Quảng Ngãi. Đồng thời dự kiến doanh thu và mức nộp ngân sách gần 5.000 tỷ đồng mỗi năm.
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được từ những nhiệm kỳ trước, 5 năm qua, sản xuất công nghiệp đã đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi. Ước tính năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương đạt khoảng 113.000 tỷ đồng. Nếu không tính giá trị sản phẩm từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất thì ước tăng đạt 25,73%/năm. Tỷ lệ lao động công nghiệp - xây dựng chiếm 32% trong tổng số lao động của địa phương.
Ngoài Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi còn có 4 khu công nghiệp tập trung và 15 cụm công nghiệp, cả trăm làng nghề truyền thống giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động tại chỗ. Nhiều người trước đây tha phương lập nghiệp, nay đã tìm được việc làm ổn định ngay tại quê nhà.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh cho biết, trước đây làm nông rất vất vả. Từ ngày khu, cụm công nghiệp phát triển lên cuộc sống người dân đã phát triển hơn, kinh tế ổn định.
Hoạt động sản xuất công nghiệp ở tỉnh Quảng Ngãi 5 năm qua tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào công nghiệp lọc, hóa dầu. Công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ lực trong tăng trưởng công nghiệp.
Trong đó, công nghiệp luyện kim, sản xuất kim loại đã hình thành và phát triển rõ nét với quy mô lớn gắn với cảng nước sâu Dung Quất. Công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử,... phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu có mức tăng trưởng cao. Công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may có bước phát triển gắn với Khu công nghiệp VSIP. Khu Kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Từ đầu năm đến nay, Quảng Ngãi thu hút thêm 3 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký hơn 64 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực lên 64 dự án với tổng vốn hơn 1,9 tỷ USD. Về đầu tư trong nước, từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ngãi có thêm 52 dự án được cấp chủ trương đầu tư, nâng số dự án hiện tại lên 678 dự án với tổng vốn gần 300.000 tỷ đồng.
Ông Đàm Minh Lễ, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các khu Công nghiệp Quảng Ngãi cho rằng, sức lan tỏa và tiến độ triển khai của nhiều tập đoàn lớn, uy tín đã góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư lớn đến với tỉnh Quảng Ngãi.
“Tiềm năng và thế mạnh hạ tầng của Khu kinh tế Dung Quất ngày càng được phát huy. Đặc biệt là khi cảng biển nước sâu Dung Quất, tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi vào hoạt động giúp Quảng Ngãi phát huy được thế mạnh trong thu hút đầu tư và triển khai các dự án”, ông Lễ cho biết.
Trong nhiều năm qua, Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên đối thoại, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Tuy vậy, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Điều này đòi hỏi các sở, ban ngành và địa phương nghiêm túc nhìn nhận lại mình, khắc phục những hạn chế, yếu kém góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Nhất là thời gian gần đây, năng lực tham mưu, tổ chức, thực thi chính sách của một bộ phận cán bộ, công chức còn yếu. Một số cán bộ, đảng viên ngại đổi mới, chưa tận tâm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ…
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, tỉnh cần có quyết tâm mới trong giai đoạn hiện nay. “Trung ương nhận định, tỉnh Quảng Ngãi đang đối diện với nhiều khó khăn thách thức. Dù khó khăn nhưng vẫn tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ công việc, điều hành phát triển kinh tế xã hội một cách nhịp nhàng, đồng bộ, nhận được sự đồng thuận của Đảng bộ và nhân dân địa phương”, ông Minh cho biết./.
Từ khóa:
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN