Tăng cường thực thi pháp luật trong lĩnh vực đất đai để ngăn tham nhũng
Cập nhật: 08/11/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, cụ thể là tăng cường thực thi pháp luật và xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất bất hợp pháp
Ghi nhận các kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) chỉ rõ các vụ án kinh tế, tham nhũng, vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp đã được công an phát hiện, điều tra, xử lý, được Nhân dân quan tâm. Theo đại biểu, những kết quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của cơ quan công an là rất đáng trân trọng, mang lại niềm tin của người dân đối với ngành, đặc biệt là công tác phòng chống tội phạm tham nhũng, hối lộ.
Đi vào nội dung cụ thể, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, cụ thể là tăng cường thực thi pháp luật và xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất bất hợp pháp. Bởi theo đại biểu, cũng giống như các hành vi phạm tội thông thường, dưới góc độ kinh tế, việc sử dụng đất trái pháp luật có thể hiểu là những hành vi kinh tế dựa trên quyết định về chi phí và lợi ích của những người vi phạm pháp luật, đạt được những lợi ích bất hợp pháp và những giá trị nhất định thông qua những hành động vi phạm pháp luật của họ, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và các thành viên khác trong xã hội.
Nhấn mạnh, thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, việc quyết định vi phạm pháp luật đất đai của các bên liên quan phụ thuộc vào cách xác định mối quan hệ giữa lợi ích của việc sử dụng đất bất hợp pháp và chi phí, hậu quả của nó, đại biểu tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc tăng cường thực thi pháp luật đất đai có hiệu quả sẽ có tác động rất lớn, rất quan trọng.
“Một khi hiệu quả của việc thực thi pháp luật về đất đai tăng lên thì khả năng điều tra và trừng phạt sẽ tăng lên. Nếu chúng ta thực thi pháp luật về đất đai không nghiêm sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đất đai ngày càng tăng và ngược lại. Nếu thực thi nghiêm chỉnh các quy định pháp luật đất đai cũng như tạo ra cơ chế, chính sách phù hợp thì chắc chắn vi phạm pháp luật về đất đai trong thời gian tới sẽ giảm”, đại biểu nhận định.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên) cho rằng sở dĩ gia tăng tội phạm tham nhũng thời gian qua, trước hết là các quy định của pháp luật đang trong quá trình hoàn thiện, có nhiều sơ hở, mâu thuẫn, chồng chéo, nhất là về quản lý kinh tế. Hiện Quốc hội cũng đang phải sửa một loạt các bộ luật liên quan đến giá, đấu thầu,… nhằm có cơ sở pháp luật chặt chẽ hơn để hạn chế và không thể tham nhũng.
Cùng với đó đại biểu cũng cho rằng, tội phạm tham nhũng còn bắt nguồn từ ý thức không rèn luyện đạo đức của một số cán bộ được giao nhiệm vụ liên quan đến quản lý kinh tế, như đấu thầu, đấu giá.
“Vì vậy, thời gian tới, theo tôi cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ được giao nhiệm vụ đó, để làm sao họ không thể tham nhũng, đồng thời tăng cường hơn nữa công tác giám sát của nhân dân đối với cán bộ trong cuộc sống thường ngày, qua đó có thể kịp thời chấn chỉnh những hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, tham nhũng”, đại biểu Hoàng Anh Công nêu quan điểm./.
Từ khóa: phòng chống tham nhũng, thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng, kỳ họp thứ 4 quốc hội khóa 15
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN