Tăng cường "sức khỏe" cho doanh nghiệp xuất khẩu rau quả
Cập nhật: 1 ngày trước
VOV.VN - Bước vào quý I/2025, xuất khẩu nông sản Việt Nam, đặc biệt là rau quả tiếp tục tiếp tục có những điểm sáng tích cực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trước những biến chuyển của tình hình thị trường thế giới, doanh nghiệp cần thiết phải theo kịp các thay đổi liên tục của thị trường.
Nhiều loại rau quả Việt Nam đang rộng cửa vào các thị trường, trong đó có Đông Bắc Á đã góp phần cho ngành xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch 7,2 tỷ USD năm 2024, số lượng rau quả xuất khẩu chính ngạch ngày càng tăng. Đây sự tích lũy thành quả của các năm trước khi các loại cây ăn quả đa số đều cần thời gian đầu tư dài, ít nhất từ 5 đến 7 năm trước.
Theo đó từ năm 2014 đến nay, trái nhãn rồi lần lượt là chuối, xoài, sầu riêng, vú sữa, bưởi... lần lượt xuất ngoại. Ngoài sản lượng, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn của đối tác và đã thâm nhập sâu hơn vào nhiều thị trường khắt khe về mức độ tin cậy an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy việc mở cửa thị trường cho những loại quả sau trở nên dễ dàng hơn, giúp kim ngạch tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây.
Việc ngành xuất khẩu rau quả có thêm một số sản phẩm khác vươn xa như: chanh dây vào thị trường Hoa Kỳ; sầu riêng (đông lạnh) chính thức vào thị trường Trung Quốc… cho thấy doanh nghiệp đã chủ động hơn với những diễn biến phức tạp và linh hoạt của thị trường.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group cho rằng: "Hiện nay tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm… đều đã trở thành xu hướng chung. Sắp tới càng khắt khe hơn với những yếu tố như: tiêu chuẩn xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo… cùng nhiều tiêu chuẩn khác. Để xuất khẩu vào những thị trường lớn chúng ta bắt buộc phải đáp ứng nếu muốn bước chân vào sân chơi. Muốn có cơ hội xuất khẩu ổn định thì doanh nghiệp, nhà sản xuất buộc phải có đầy đủ những điều kiện để tham gia sân chơi đó".
Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, năm 2024 kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục với con số 7,2 tỷ USD. Thị trường Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) chiếm phần lớn kim ngạch kỳ này. Với nhu cầu ngày càng cao, chất lượng, sản lượng phải ổn định, Việt Nam đã rất nỗ lực để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ đối tác, từng bước tạo được vị thế của mình. Đây cũng là những thuận lợi để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, gia tăng kim ngạch trong năm 2025.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, ngành hàng sầu riêng được cấp hơn 700 mã số vùng trồng và khoảng 300 mã số cơ sở đóng gói, kim ngạch cũng chiếm tỷ trọng lớn trong lĩnh vực xuất khẩu rau củ quả. Với diện tích trồng cuốn chiếu trong 6 năm trở lại đây, dự kiến năm 2025, sản lượng sầu riêng sẽ tăng 25% so với cùng kỳ.
Nhìn vào con số tích cực trong xuất khẩu, có thể thấy chất lượng nông sản, trong đó có rau củ quả của Việt Nam được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên để hoạt động xuất khẩu có sự ổn định, tạo bứt phá, nhà sản xuất nên nhìn xa hơn về sự sống còn của ngành và chính mình hơn tính chuyện lỗ, lãi trước mắt.
Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng: "Không có gì hơn là phải giữ vững chất lượng, số lượng ổn định. Cần nhất số lượng tăng theo chất lượng thì chúng ta mới có thể là giữ vững được kim ngạch năm nay và tăng thêm so với năm ngoái. Với đà hiện nay, chúng tôi dự kiến trong năm 2025, ít nhất hoạt động xuất khẩu rau quả sẽ đạt ít nhất khoảng 8 tỉ USD".
Đứng vững qua giai đoạn khó khăn Covid-19, từ năm 2023 đến nay, xuất khẩu rau quả Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc. Năm 2023, xuất khẩu rau quả lần đầu tiên đạt mức kỷ lục 5,6 tỷ USD tăng 57,7% so với năm 2022 chỉ trong vòng 1 năm. Trong năm 2024, xuất khẩu rau quả tiếp tục gặt hái những thành công mới khi vượt mốc 6 tỷ USD và kết quả 12 tháng năm 2024, kim ngạch đạt gần 7,2 tỷ USD.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương cho biết: Với sự hỗ trợ rất tích cực, mở cửa thị trường của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Bộ Ngoại giao, nhiều mặt hàng mới được khơi thông, như: trái dừa, sầu riêng vào thị trường Trung Quốc; bưởi vào thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hà Lan…
Cùng với nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao vị thế cho nông sản, rau củ quả trái cây thì nhà sản xuất cũng phải quyết liệt thay đổi nhận thức trong việc tuân thủ quy định của những thị trường cụ thể trong khu vực Đông Bắc Á, Hoa Kỳ, EU, Trung Đông… hướng đến sự phát triển ổn định chung của ngành.
Ông Vũ Bá Phú cho biết: "Trong thời gian tới Bộ Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại với Hiệp hội rau quả. Đặc biệt là sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức nhiều hơn những triển lãm hoặc lễ hội trái cây ở nước ngoài. Chẳng hạn như ở Bắc Kinh hoặc có thể đánh mạnh một số thị trường khác như: Hoa Kỳ, Pháp, Đức...".
Để duy trì được sự ổn định trong xuất khẩu, không gì hơn là doanh nghiệp Việt Nam phải tiếp tục điều chỉnh để đáp ứng các yêu cầu của đối tác, có chiến lược cụ thể, tầm nhìn xa hơn trong giảm thiểu rủi ro. Qua đó tăng cường đầu tư cho chất lượng, hình ảnh rau củ quả, trái cây, tạo thêm nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản Việt Nam.
Từ khóa: doanh nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả, doanh nghiệp xuất khẩu, rau quả, doanh nghiệp, xuất khẩu rau quả, xuất khẩu nông sản, nông sản,xuất khẩu,rau quả ,tp hcm,vũ bá phú,Đặng Phúc Nguyên
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: nguyễn quang/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN