Tăng cường hợp tác phát triển nghề cá hiện đại, bền vững
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Các quốc gia ASEAN sẽ tăng cường hợp tác phát triển nghề cá khu vực theo hướng hiện đại, bền vững, có trách nhiệm và hiệu quả.
Đây là nội dung được đưa ra bàn thảo tại chuỗi các sự kiện Cuộc họp Liên minh Tôm ASEAN (ASA Meeting), Diễn đàn tham vấn Thủy sản ASEAN (AFCF) và Cuộc họp của Nhóm công tác Thủy sản ASEAN diễn ra tại TP Đà nẵng từ ngày 24 - 29/6/2019 dưới sự chủ trì của Ban thư ký ASEAN và Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các đại biểu tham dự Phiên khai mạc Cuộc họp Nhóm công tác Thủy sản ASEAN lần thứ 27. |
Theo ước tính, khu vực ASEAN đóng góp khoảng 25% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu. Thủy sản cũng là một trong 12 ngành, lĩnh vực ưu tiên hội nhập của khu vực ASEAN với lộ trình tập trung vào 4 chủ đề chính là an toàn thực phẩm; nghiên cứu và phát triển; phát triển nguồn nhân lực và chia sẻ thông tin.
Khu vực Đông Nam Á có điều kiện thuận lợi để phát triển cả hai lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản với tiềm năng mang lại giá trị lớn cả về phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội. Tuy nhiên, phần lớn nghề cá của các quốc gia thành viên ASEAN vẫn đang trong quá trình phát triển từ thủ công, quy mô nhỏ sang nghề cá hiện đại, quy mô công nghiệp và bền vững.
Thời gian qua, các quốc gia ASEAN đã có nhiều sáng kiến để cùng chung tay xây dựng cơ chế hợp tác phát triển nghề cá khu vực hiện đại, bền vững, có trách nhiệm và hiệu quả. Thực hiện những sáng kiến hợp tác phát triển đó, chuỗi sự kiện Cuộc họp Liên minh Tôm ASEAN, Diễn đàn tham vấn Thủy sản ASEAN và Cuộc họp của Nhóm công tác Thủy sản ASEAN được tổ chức thường niên nhằm thảo luận các vấn đề hợp tác và phát triển nghề cá khu vực Đông Nam Á.
Theo Tiến sĩ Adisorn Promthep, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Thái Lan, Chủ tịch nhóm Công tác nghề cá ASEAN lần thứ 26, trong năm qua, Nhóm đã nỗ lực xây dựng mối quan hệ hợp tác trong nghề cá ở khu vực và thực hiện theo những mũi nhọn chiến lược. Việc khởi động các dự án và hoạt động mới góp phầnthể hiện quyết tâm của các quốc gia khối ASEAN nỗ lực loại bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
“Kết quả và kết luận tại cuộc họp trước đây sẽ được đệ trình tại cuộc họp lần này tại thành phố Đà Nẵng. Tôi kêu gọi các đồng nghiệp hãy nỗ lực nhiều hơn nữa để nhanh chóng hợp tác thực hiện toàn diện các hoạt động này”, Tiến sĩ Adisorn Promthep nói.
Tại phiên Khai mạc Cuộc họp nhóm công tác nghề cá ASEAN lần thứ 27 sáng 27-6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành thủy sản Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là việc cung cấp lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 4 triệu lao động.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc cuộc họp. |
Những năm qua, ngành thủy sản Việt Nam đạt nhiều thành tựu đáng kể. Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ 1/1/2019 là bước ngoặt quan trọng chuyển đổi nghề cá của Việt Nam từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, đáp ứng các thị trường thế giới, yêu cầu hội nhập quốc tế. Trong đó, tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo qui định; quản lý và sử dụng nguồn lợi thủy sản bền vững, khai thác thủy sản có trách nhiệm, nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh môi trường…
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Việt Nam tiếp tục chú trọng sự phát triển và đảm bảo sự công bằng đối với nghề cá qui mô nhỏ, đặc biệt là đời sống, quyền và lợi ích của cộng đồng nghề cá qui mô nhỏ thông qua cơ chế đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Khu vực ASEAN là cộng đồng sản xuất, nuôi trồng thủy sản lớn của thế giới, đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng cho người dân các nước thành viên và các quốc gia khác.
“Chúng ta cần thảo luận các giải pháp, chính sách để ngành nuôi trồng thủy sản của khu vực có thể thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững nhằm đảm bảo đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và bảo vệ môi trường”,Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Trong chuỗi sự kiện năm nay, đại diện các nước thành viên ASEAN tập trung trao đổi các vấn đề về chống hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) nhằm thực hiện Kế hoạch hành động khu vực về chống khai thác IUU và hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN; quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững; truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ khai thác và nuôi trồng thủy sản; ứng phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tới khai thác và nuôi trồng thủy sản trong khu vực; xây dựng các chính sách phát triển thủy sản bền vững trong khu vực; đảm bảo an ninh lương thực và hài hòa các biện pháp kiểm dịch động thực vật trong khu vực; nâng cao năng lực quản lý nghề cá, đặc biệt là thực thi Hiệp định Biện pháp các quốc gia có cảng./.
Từ khóa: phát triển nghề cá, nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản bất hợp pháp, Diễn đàn tham vấn Thủy sản ASEAN,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN