Tăng cường hỗ trợ, thúc đẩy phát triển lúa hàng hóa ở Lai Châu
Cập nhật: 11/12/2023
Chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam (21/11/2024)
Đường sắt tốc độ cao – cơ hội cho doanh nghiệp Việt (25/11/2024)
VOV.VN - Được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón và khoa học kỹ thuật, nông dân Lai Châu đến nay đã phát triển được hàng nghìn héc ta lúa chất lượng cao. Các vùng trồng lúa hàng hóa tập trung đã, đang được mở rộng theo hướng liên kết, đem lại nguồn thu nhập ổn định, bền vững cho người dân.
Cánh đồng Bình Lư, huyện Tam Đường là nơi thực hiện đề án hỗ trợ giống, phân bón, khoa học kỹ thuật trong mở rộng diện tích lúa hàng hóa tập trung của tỉnh Lai Châu. Những ngày này, trên các thửa ruộng vàng óng, bà con nông dân đang hối hả bước vào vụ thu hoạch. Niềm vui của bà con nông dân được nhân đôi, khi lúa năm nay không chỉ được mùa, mà còn được các doanh nghiệp thu mua với giá cao.
Chị Đèo Thị Trịnh ở bản Nà Đon, xã Bình Lư, huyện Tam Đường chia sẻ, được hỗ trợ giống và phân bón từ đề án của tỉnh, nên toàn bộ diện tích đất lúa của gia đình đã được trồng giống lúa Séng cù. Khi thu hoạch xong, đơn vị liên kết đã tổ chức thu mua ngay tại ruộng với giá 15.000-16.000 đồng/1kg.
"Vừa rồi bà con được Đảng và Nhà nước quan tâm và dự án hỗ trợ giống lúa Séng cù. Gia đình tôi cũng được hỗ trợ cấy 4.000m2 giống lúa này. Cây lúa cũng sinh trưởng và phát triển tốt, giống lúa này chất lượng cũng cao, giúp bà con có thu nhập và phát triển kinh tế tốt hơn" - chị Trịnh chia sẻ.
Séng cù và Tẻ dâu là hai giống lúa thuần chủng bản địa, được nông dân Lai Châu sử dụng từ nhiều năm trước đây. Tuy là giống lúa cũ, năng suất không cao, nhưng cơm nấu ra có độ rẻo, đượm, thơm, thường xuyên được thương lái, người tiêu dùng trong nước tìm mua. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ giống lúa này, từ nguồn hỗ trợ theo đề án của tỉnh, nhiều địa phương ở Lai Châu đã liên kết với doanh nghiệp, tuyên truyền bà con nông dân đưa vào sản xuất.
Ông Lò Văn Hợp, Trưởng bản Nà Đon, xã Bình Lư, huyện Tam Đường cho biết: "Qua quá trình tuyên truyền riêng bản Nà Đon đã đăng ký được 64 hộ, với tổng diện tích gần 11ha trong vụ mùa năm 2023. Sản xuất lúa hàng hóa liên kết này, bà con nông dân được hỗ trợ 50% phân bón và 100% giống. Cán bộ từ xã đến trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên xuống kiểm tra và kịp thời thông báo với bà con về tình hình dịch bệnh hại trên lúa. Khi phát hiện dịch bệnh thì tổ chức cho bà con nhân dân phun thuốc phòng trừ đồng loạt".
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh Lai Châu, các địa phương đã rà soát diện tích các cánh đồng lớn và vận động bà con thực hiện sản xuất tập trung.
Để phát triển sản xuất theo hướng bền vững, chính quyền địa phương đã liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn trong việc cung cấp giống, phân bón, cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho người nông dân trong quá trình sản xuất.
Ông Quách Tá Thiện, Chủ tịch UBND xã Bình Lư, huyện Tam Đường cho biết: Xã đã lồng ghép các chính sách của Trung ương như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và chính sách của tỉnh để thực hiện mở rộng vùng lúa hàng hóa tập trung. Trong những năm qua xã cũng đã tập trung xây dựng được vùng sản xuất lúa hàng hóa hơn 200 ha, từ đó cũng đã có hiệu quả đổi với lúa hàng hóa tập trung. Đối với các diện tích liên kết, trong thời gian qua xã đã thực hiện trên 40 ha, từng bước nâng cao giá trị kinh tế cho người dân trên địa bàn.
Để nghị quyết và đề án thực sự mang lại hiệu quả, huyện Tam Đường đã lồng ghép các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và của địa phương để nâng cao mức hỗ trợ, qua đó, thu hút người nông dân tham gia. Bên cạnh đó, địa phương hiện cũng duy trì hoạt động của 14 tổ hợp tác, gần 500 hộ dân tại các địa phương trong huyện tham gia liên kết với các doanh nghiệp sản xuất gần 200ha lúa hàng hóa.
Các sản phẩm lúa sản xuất ra được thu mua theo giá thị trường và được xây dựng thành sản phẩm OCOP của địa phương và được người tiêu dùng trong cả nước đón nhận.
Ông Bùi Văn Quang, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường chia sẻ: "Trung tâm đã tham mưu cho UBND huyện thực hiện liên kết đối với lúa Séng cù từ năng 2022 đến hết năm 2024 ở 4 xã, thị trấn trên địa bàn. Trong năm nay trung tâm cũng đã triển khai thực hiện ở 118 ha trên địa bàn 3 xã là Bình Lư, thị trấn và Hồ Thầu.
Đối với diện tích lúa mùa hiện nay đang chuẩn bị thu hoạch, trung tâm cũng chỉ đạo cán bộ xuống phối hợp với các công ty và bà con nông dân chuẩn bị các khâu để thực hiện nghiệm thu bước cuối cùng".
Từ chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, vùng lúa hàng hóa tập trung của Lai Châu hiện đã mở rộng lên hàng nghìn ha, ở hầu hết các huyện, thành phố. Trong đó, Tam Đường là địa phương đi đầu trong liên kết, bao tiêu sản phẩm, khi đến nay mở rộng được hơn 600ha lúa hàng hóa chất lượng cao, với sản lượng trên 3.200 tấn.
Thu nhập tăng cao qua mỗi mùa vụ, người nông dân càng có động lực tiếp tục bám đồng, bám ruộng, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao. Đây là minh chứng rõ nét cho việc triển khai có hiệu quả mục tiêu tổng quát trong Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã xác định "Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước".
Từ khóa: chính sách hỗ trợ nông nghiệp ở lai châu, phát triển lúa hàng hóa ở lai châu, nông nghiệp,lai châu, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông nghiệp lai châu
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: khắc kiên/vov-tây bắc
Nguồn tin: VOVVN