Tăng cường giải pháp xuất, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19
Cập nhật: 27/02/2020
VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Công thương vừa ký ban hành Chỉ thị khẩn về việc triển khai các giải pháp tăng cường xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19.
Ngày 26/2/2020, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký ban hành Chỉ thị khẩn về việc triển khai các giải pháp tăng cường xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19. Chỉ thị nêu rõ, bên cạnh những ảnh hưởng đối với hoạt động xuất khẩu, dịch Covid-19 còn có tác động tiêu cực tới nguồn cung nguyên vật liệu nhập khẩu cho sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và sản xuất hàng xuất khẩu.
Để chủ động nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, góp phần đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu theo mục tiêu đã được giao,Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu:
Cục Xuất nhập khẩu: Chủ động làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp FDI để đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu; đề xuất các giải pháp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa; Phối hợp với các Vụ thị trường ngoài nước đánh giá nhu cầu nhập khẩu của từng mặt hàng cụ thể ở các nước, thị hiếu tiêu dùng, dung lượng, tỷ trọng... những khó khăn vướng mắc của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ trưởng Công Thương yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại chủ trì rà soát Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. (Ảnh minh họa). |
Trên cơ sở đó, xây dựng kịch bản tăng trưởng xuất khẩu theo từng quý và có giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang các thị trường này. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi các cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả cơ hội do Hiệp định này mang lại.
Bộ trưởng Công Thương yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại chủ trì rà soát Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; cân đối nguồn lực, ưu tiên đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các mặt hàng nông, thủy sản đối với các thị trường thay thế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Về việc tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất, Chỉ thị giao các Cục Công nghiệp, Cục Hóa chất chủ trì, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu làm việc với các Hiệp hội dệt may, da giày, cơ khí, điện tử, hóa chất... để nắm bắt thông tin về khả năng cung ứng nguyên vật liệu trong nước, nhu cầu nhập khẩu, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đề xuất các giải pháp tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế trong bối cảnh nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.
Nghiên cứu đề xuất các biện pháp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu vào một thị trường.
Đồng thời yêu cầu các Vụ thị trường ngoài nước (Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ) tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất xuất khẩu nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, máy tính và các nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép...; Hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp kết nối với nhà cung cấp nước ngoài khi được yêu cầu.
Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại nghiên cứu, xúc tiến nhập khẩu nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử..., đặc biệt chú trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có nhiều kinh nghiệm trong giao dịch nhập khẩu.
Chỉ thị cũng yêu cầu các Thương vụ tiếp tục tìm kiếm các doanh nghiệp có khả năng cung cấp thiết bị, vật tư y tế, gửi Cục Xuất nhập khẩu và Cục Công nghiệp để gửi Bộ Y tế thông báo cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu.
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu nhập thiết bị, vật tư y tế trong việc kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài có khả năng cung cấp. Tìm kiếm thông tin về đối tác nước ngoài đang nghiên cứu, thử nghiệm các vật liệu mới trong sản xuất thiết bị, vật tư y tế; tổng hợp thông tin gửi Cục Công nghiệp và Cục Xuất nhập khẩu để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu khả năng thay thế các loại vật liệu hiện đang dùng…/.
Tour Hàn Quốc bị hủy vì Covid-19, doanh nghiệp đứng ngồi không yên
Các xưởng gỗ ván bóc ở Yên Bái điêu đứng vì Covid – 19
Từ khóa: Tăng cường giải pháp xuất khẩu, dịch Covid-19, covid-19, nông sản, xuất khẩu
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN